Vụ “Taxi Vinasun kiện GrabTaxi”: Ngừng phiên tòa sau nhiều ngày nghị án!

Bài, ảnh: Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với lý do cần xác minh lại yêu cầu bồi thường thiệt hại của phía Vinasun, chủ tọa phiên tòa quyết định tạm ngừng phiên tòa, thời gian dừng phiên tòa không quá 1 tháng.

Xác minh lại thiệt hại của Vinasun
Sau thời gian nghị án kéo dài, theo dự kiến vào chiều 29/10, HĐXX TAND TP Hồ Chí Minh sẽ tuyên án vụ kiện “Tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” giữa nguyên đơn là Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) và bị đơn là Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam (GrabTaxi).
Lãnh đạo Taxi Vinasun tại tòa vào chiều 29/10.
Tuy nhiên, thẩm phán - chủ tọa Lê Công toại cho rằng sau khi nghị án thay vì chiều nay tuyên án, nhưng tòa thấy cần quay lại phần xét hỏi tập trung vào việc nguyên đơn đòi bị đơn “bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng”. Vì ở phiên tòa thứ nhất người giám định có mặt, còn tại phiên tòa thứ 2 người giám định vắng mặt. Do đó không có người giải thích về những con số thể hiện xe của Vinasun nằm bãi, vì vậy chủ tọa hỏi đại diện theo pháp luật của Vinasun về số xe nằm bãi là bao nhiêu, và căn cứ vào đâu cho rằng xe nằm bãi cao là do GraTaxi?
Ông Trương Đình Quý, Phó Tổng Giám đốc Vinasun, trả lời: “Năm 2016, xe nằm bãi là 398 chiếc. Đến 6 tháng đầu năm 2017 là 2.379 xe, tổng cộng 2.777 xe. Trong đơn khởi kiện chúng tôi đã nêu bình quân số xe của Vinasun đều có chỉ số vận doanh cao. Nhưng từ khi GrabTaxi tham gia thị trường với những hành vi vi phạm pháp luật như tung ra hàng chục chương trình khuyến mãi, chiêu dụ tài xế…, khiến khách bỏ Vinasun sang GrabTaxi đi dẫn đến số xe không hoạt động (nằm bãi) tăng. Đơn cử năm 2016 giảm 7%, năm 2017 giảm tới 37%, tương ứng GrabTaxi tăng xe (tháng 2/2017 có 9.000 xe, tháng 6/2017 hơn 12.000 xe) và tăng doanh thu (năm 2015 Grab đạt hơn 400 tỷ, năm 2016 hơn 1.000 tỷ đồng), tăng khuyến mãi. Tất cả những con số tôi nêu đều lấy từ báo cáo của Sở GTVT, Bộ GTVT, Bộ Tài chính. Số xe nằm bãi căn cứ vào báo cáo được kiểm định bởi Công ty Kiểm toán theo từng ngày, tháng, năm…, và đó là căn cứ của Vinasun khởi kiện đòi bồi thường”.
Phiên tòa sẽ mở lại vào ngày 22/11
Chủ tọa cũng hỏi Vinasun giải thích về những chi phí phát sinh là thế nào, vì cơ quan giám định không giải thích rõ và giám định viên không có mặt? Tại thị trường thời điểm đó đâu phải chỉ có 1 hãng taxi hoạt động? Ông Trần Anh Minh, Phó Tổng Giám đốc Vinasun, nói: “Trong biên bản thẩm định Công ty Cửu Long dùng 3 loại chi phí: khấu hao, lãi vay, các chi phí còn lại (kiểm định, phí tham gia đường bộ, và các khoản chi phí khác). Đây là phương pháp xác định thiệt hại của chúng tôi. Lúc đó ngoài Grab còn có Uber. Ở đây là tác động dần dần. Đầu 2016, trước khi có hoạt động của Grab thì chỉ có 1.877 xe, đến ngày 30/6/2016 tăng lên 3.000 xe, đến 30/7/2017 số lượng taxi Uber lện trên 30 ngàn xe. Đến đầu tháng 3/2018, có 5 hãng taxi phải ngừng kinh doanh và số lượng taxi chỉ còn trên 8.000 chiếc. Số tài xế Vinasun nghỉ việc ban đầu là 8.000 người, sau đó tăng lên 12.000 người. Họ nghỉ việc và vay tiền mua xe chạy cho GrabTaxi, những con số này được thể hiện trong các báo cáo về tình hình lao động – tiền lương của công ty chúng tôi”.
Lãnh đạo Taxi Vinasun (hàng ghế đầu, thứ 1, 2 từ trái sang) và lãnh đạo Công ty TNHH Grab (thứ 3, 4 từ trái sang).
Chủ tọa cũng hỏi bị đơn GrabTaxi có yêu cầu giám định lại? Căn cứ vào đâu? Nếu giám định lại ra kết quả khác thì dùng kết quả nào? Luật sư của bị đơn cho rằng các số liệu trong báo cáo không chính xác, phương pháp tính có nhiều sai sót. Công ty giám định Cửu Long lấy số liệu xe nằm bãi dựa vào Vinasun. Cổ phiếu (CP) không thuộc sở hữa của Vinasun mà sở hữu của các cổ đông và Vinasun không chứng minh được quan hệ nhân quả dẫn đến thiệt hại. Nếu giám định lại cho ra kết quả khác thì tùy vào HĐXX.
Sau khi hỏi cả 2 phía, chủ tọa phiên tòa cho rằng giám định rất phức tạp, hồ sơ lên tới 5.000 trang. Trong khi tòa lại không có thẩm quyền ra quyết định dẫn giải giám định viên... Vì vậy HĐXX hội ý và đưa ra quyết định tạm ngừng phiên toà để xác minh thiệt hại của nguyên đơn và bổ sung các chứng cứ. Cũng theo HĐXX, thời gian tạm ngừng phiên tòa không quá 1 tháng và sẽ mở lại phiên tòa vào lúc 8h ngày 22/11.
 Trong vụ kiện này, đại diện Viện KSND nêu quan điểm chấp nhận toàn bộ đơn khởi kiện của Vinasun, đó là GrabTaxi đã vi phạm Đề án thí điểm 24 và phải bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cho Vinasun số tiền trên 41,2 tỷ đồng.