Đội trưởng đội Quản lý thị trường huyện Chương Mỹ Lưu Thị Anh cho biết: Thực hiện kế hoạch số 18/KH-QLTT HN về kiểm tra thị trường, xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giá, an toàn vệ sinh thực phẩm trước, trong và sau Tết Tân Sửu, trong đó có hoạt động giết mổ gia súc gia cầm, đơn vị đã đẩy mạnh phối kết hợp với các lực lượng chức năng như thú y, cảnh sát môi trường kiểm tra lò giết mổ, chợ trên địa bàn huyện.
Thực tế kiểm tra cho thấy hiện trên địa bàn huyện Chương Mỹ chủ yếu là hoạt động giết mổ nhỏ lẻ, thủ công chỉ giết mổ 1-2 con/ngày, không có địa điểm cố định mà nằm rải rác trong các khu dân cư nên khó nắm bắt, kiểm tra. Hơn nữa, do đặc thù của hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm chủ yếu diễn ra vào ban đêm, trong khi lực lượng chức năng như thú y, quản lý thị trường mỏng nên gặp nhiều khó khăn trong kiểm soát các điểm giết mổ nhỏ lẻ.
Không chỉ khó khăn trong kiểm soát giết mổ, hiện lực lượng quản lý thị trường huyện Chương Mỹ nói riêng và TP Hà Nội nói chung còn phải đối mặt với việc quản lý vận chuyển gia súc, gia cầm vào thành phố. Theo quy định, hiện nay chỉ thực hiện kiểm dịch đối với động vật, sản phẩm động vật trên cạn vận chuyển ra khỏi địa bàn tỉnh, thành phố. Vì thế, khi phát hiện người bán không có giấy chứng nhận kiểm dịch nhưng chủ hàng khai báo nguồn gốc trong tỉnh, thành phố thì đội kiểm tra liên ngành gồm cán bộ thú y, quản lý thị trường không có cơ sở kiểm tra, xử lý.
Trước đó trên các phương tiện thông tin đại chúng đã thông tin hiện tượng một số lò giết mổ lợn tại thôn Thanh Trì, xã Đông Sơn, huyện Chương Mỹ thu gom con lợn giống của một số trang trại quanh xã Đông Sơn bị chết vì dịch tả lợn châu Phi về giết mổ, tiêu thụ. Cách đây gần 10 năm, cũng tại thôn Thanh Trì, Công an TP Hà Nội đã triệt phá 1 cơ sở chuyên thu gom lợn chết, lợn tai xanh để giết mổ, bán ra thị trường, thậm chí còn sao tẩm làm ruốc, chế biến thịt chưng mắm tép. Thế nhưng đến nay tình trạng này vẫn ngang nhiên diễn ra suốt nhiều năm mà không được xử lý triệt để.