Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đồng Nai

Vụ Xí nghiệp đèn ống xả thải nguy hại: Cần khởi tố để điều tra?

Trúc Mai
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xí nghiệp Đèn ống thuộc Công ty CP Bóng đèn Điện Quang đã có hành vi chôn, lấp, xả nước thải nguy hại từ bóng đèn nghiền nát có chất thủy ngân, lưu huỳnh ra môi trường. Cơ quan chức năng test nhanh cho kết quả độ PH vượt 7 lần cho phép khiến dư luận bức xúc.

Trước đó, vào chiều 20/4, lực lượng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Đồng Nai bắt quả tang công nhân Xí nghiệp Đèn ống nằm trong Khu công nghiệp Biên Hòa 1 (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) đang tiêu hủy chất thải nguy hại sai quy định.

Tại hiện trường, lực lượng công an phát hiện khoảng 5 tấn thủy tinh bóng đèn đã được xay nghiền chứa trong 195 bao nhựa, bên cạnh đó là gần 370.000 bóng đèn chưa kịp xay nghiền đựng trong các sọt nhựa. Nước thải trong quá trình xay nghiền bóng đèn được đổ trực tiếp xuống hệ thống mương thoát nước.

Những ngày tiếp theo, Phòng CSĐT Tội phạm về môi trường Công an tỉnh Đồng Nai phối hợp các cơ quan chức năng tiến hành cắt nền bê tông trong khuôn viên xí nghiệp, phát hiện số lượng nước thải có chất nguy hại nên trên được thải trực tiếp ra môi trường. Bước đầu lãnh đạo Xí nghiệp thừa nhận xay nghiền vỏ bóng đèn từ 8/3/2022 đến khi bị phát hiện. 

Lực lượng công an kiểm tra hầm chứa nước thải trong Xí nghiệp Đèn ống thuộc Công ty CP Bóng đèn Điện Quang. Ảnh: Báo CAND
Lực lượng công an kiểm tra hầm chứa nước thải trong Xí nghiệp Đèn ống thuộc Công ty CP Bóng đèn Điện Quang. Ảnh: Báo CAND

Với hành vi của công nhân Xí nghiệp Đèn ống thuộc Công ty CP Bóng đèn Điện Quang khiến dư luận bức xúc và bất bình. Về vấn này này, luật sư Trần Thị Ánh - Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Thanh Lương (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh), cho biết: Trước hết cần xác định số lượng xả thải. Tại Điều 4 - Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, quy định: Cá nhân, tổ chức có hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường sẽ bị áp dụng một trong hai hình phạt chính là phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền. Hình thức phạt tiền cao nhất là 1 tỷ đồng với cá nhân và 2 tỷ đồng với tổ chức.

Ngoài ra, tuỳ theo tính chất mức độ, còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội gây ô nhiễm môi trường” tại Điều 235 - Bộ luật Hình sự 2015 (BLHS 2015), sửa đổi bổ sung năm 2017.

Đồng quan điểm nêu trên, luật sư Đào Kim Lân - Giám đốc Công ty Luật TNHH An Thuận Phát (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) khẳng định, với hành vi chôn, lấp và thải chất thải nguy hại ra môi trường sẽ bị pháp luật xử lý theo “Tội gây ô nhiễm môi trường”.

Tội gây ô nhiễm môi trường là hành vi cố ý chôn, lấp, đổ, thải trái pháp luật các chất thải nguy hại có thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại theo quy định của pháp luật hoặc có chứa chất thải loại trừ theo Phụ lục A Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy hoặc chất thải nguy hại khác làm ô nhiễm môi trường.

Việc trong Xí nghiệp Đèn ống thuộc Công ty CP Bóng đèn Điện Quang có hơn 42 tấn chất thải nguy hại, trong đó tại hầm bê tông bên trong xí nghiệp có gần 15 tấn nước thải, khu vực ngoài sân hơn 27 tấn thủy tinh nhiễm chất thải. Số chất thải được cơ quan công an phát hiện gồm miếng thủy tinh nhiễm chất thải nguy hại và nước thải từ quá trình xay nghiền bóng đèn thải.  

“Như chúng ta biết trong vỏ bóng đèn thải có chứa thủy ngân và lưu huỳnh. Đây là những chất cực kỳ độc hại, khi thải ra môi trường, ngấm vào nguồn nước ngầm, người dùng nước giếng uống vào sẽ gây ra bệnh ung thư. Vụ việc Xí nghiệp Đèn ống chôn, lấp, xả nước thải trực tiếp ra môi trường. Cơ quan chức năng cũng đã xác định độ PH vượt 7 lần cho phép. Do đó, có thể khẳng định đơn vị này đã vi phạm pháp luật, cơ quan điều tra cần khởi tố vụ án để điều tra”, luật sư Đào Kim Lân nói.

 

Khoản 3 - Điều 235 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định:

Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50 - 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm: a) Chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường chất thải nguy hại hoặc chất hữu cơ khó phân hủy cần phải loại trừ theo quy định tại Phụ lục A Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy trái quy định của pháp luật từ 1.000kg đến dưới 3.000kg; …; c) Xả thải ra môi trường từ 1.000m3 - 10.000m3/ngày nước thải có các thông số môi trường nguy hại vượt quá quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 5 lần đến dưới 10 lần; d) Xả nước thải ra môi trường có chứa chất phóng xạ gây nhiễm xạ môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật cho phép hoặc vượt mức giới hạn theo quy định từ 1 lần đến dưới 2 lần; đ) Xả ra môi trường từ 1.000m3/ngày đến dưới 10.000 m3/ngày nước thải có độ PH từ 0 đến dưới 2 hoặc từ 12,5 đến 14.