Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Học sinh tiểu học và lớp 6 ngoại thành Hà Nội

Vui với ngày tựu trường muộn

Điệp Quyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 10/2, trên 500.000 học sinh tiểu học và lớp 6 tại 18 huyện, thị xã Hà Nội đã có buổi học trực tiếp đầu tiên của năm học 2021 - 2022.

Dẫu còn nhiều lo lắng về dịch bệnh phức tạp trong khi nhóm đối tượng này chưa được tiêm vaccine nhưng vượt lên trên hết, các nhà trường, thầy cô, phụ huynh và học sinh vẫn hòa chung niềm hạnh phúc sau gần 10 tháng không được đến trường.

Học sinh trường Tiểu học Phù Lưu Tế, huyện Mỹ Đức trong ngày đi học trở lại. Ảnh: Phạm Hùng  
Học sinh trường Tiểu học Phù Lưu Tế, huyện Mỹ Đức trong ngày đi học trở lại. Ảnh: Phạm Hùng  

Vượt lên nỗi lo

Trên tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GD&ĐT về việc mở của trường học thời điểm này là ưu tiên cao nhất, UBND TP Hà Nội đã xem xét, đồng ý cho học sinh trên địa bàn TP được đến trường. Sau khi hơn 600.000 học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 đi học trực tiếp (ngày 8/2), Hà Nội tiếp tục triển khai tổ chức cho học sinh tiểu học và lớp 6 ngoại thành đến trường. Do các đối tượng này còn nhỏ tuổi, chưa tiêm vaccine ngừa Covid- 19 nên áp lực, sự căng thẳng và nỗi lo lắng cũng nhiều hơn; nhất là giải quyết vấn đề về tâm lý của phụ huynh.

Sở GD&ĐT đã có văn bản 292/SGDĐT-GDTrH về việc tổ chức dạy và học trực tiếp khi học sinh trở lại trường, trong đó có những nội dung hướng dẫn chi tiết, cụ thể để các nhà trường thực hiện. Căn cứ văn bản này, các trường học đều lên kịch bản, kế hoạch, phương án để ứng phó linh hoạt với dịch bệnh; trong đó đặc biệt thực hiện tốt nhiệm vụ phòng chống dịch cùng việc triển khai hợp lý công tác chuyên môn để đảm bảo chương trình và chất lượng giáo dục.

Trước những trăn trở của phụ huynh, các nhà trường đã tổ chức nhiều buổi họp phụ huynh, thông báo rõ ràng nội dung đã, đang, sẽ thực hiện; đồng thời khẳng định vai trò quan trọng của phụ huynh cũng như sự phối hợp giữa phụ huynh với nhà trường. Chiều mùng 5/2 (tức mùng 5 Tết Nguyên đán - ngay khi UBND TP Hà Nội có văn bản đồng ý với đề xuất cho học sinh tiểu học, lớp 6 ngoại thành đến trường của Sở GD&ĐT Hà Nội), nhiều trường học đã họp hội đồng giáo viên để triển khai nhiệm vụ; cùng với đó là thông tin tới phụ huynh các bước chuẩn bị.

Tác động không mong muốn của học online kéo dài và hiệu quả tích cực về nhiều mặt khi cho trẻ đến trường được giáo viên nhấn mạnh giúp phụ huynh hiểu và đồng thuận. Với công tác tuyên truyền tích cực của các nhà trường, hầu hết phụ huynh đã gạt nỗi lo lắng sang một bên và đồng ý cho con đi học.

Ngày 10/2, dù trời mưa rét nhưng từ sáng sớm, những con đường ở vùng ngoại thành đã trở nên nhộp nhịp hơn bởi có đông đảo học sinh đến trường. Qua khảo sát ý kiến của các nhà trường, giáo viên và phụ huynh cho thấy, tuy còn nhiều băn khoăn về dịch bệnh nhưng hầu hết phụ huynh và giáo viên đều nhất trí, đồng lòng cho học sinh đến trường cũng như quyết tâm dạy tốt, học tốt và cố gắng đảm bảo an toàn phòng dịch.

Chị Nguyễn Hoài Thu, phụ huynh học sinh lớp 1A5, trường Tiểu học Đa Tốn (huyện Gia Lâm) chia sẻ: "Cả gia đình đều mong đến ngày con được tới trường học trực tiếp, bởi ngoài việc học, các con cần có những trải nghiệm, được vui chơi với bạn bè... Đây cũng là dịp để con rèn thêm về nhiều kỹ năng. Chúng tôi đồng thuận cao với việc đưa các con trở lại trường và sẽ thường xuyên nhắc nhở, hướng dẫn con chấp hành đúng, đầy đủ các quy định phòng, chống dịch".

Đảm bảo phòng dịch và chất lượng giáo dục

Trưởng phòng GD&ĐT huyện Gia Lâm Hoàng Việt Cường cho biết, sáng 10/2, 28 trường tiểu học và 23 trường trung học cơ sở đều tổ chức đón học sinh theo đúng đối tượng, bảo đảm an toàn. Trước đó, từ ngày 8/2, các trường trung học cơ sở cũng đã đón học sinh từ lớp 7 đến lớp 9 trở lại trường học trực tiếp. Như vậy, thời điểm này, hầu hết học sinh tiểu học, trung học cơ sở của huyện đều đã đi học trực tiếp; một số học sinh thuộc diện các F được các nhà trường bố trí học trực tuyến. Các nhà trường đều quan tâm tổ chức đón học sinh đầu cấp (lớp 1, lớp 6) chu đáo nhằm giúp các em nhanh vào nếp học, đồng thời tạo tâm lý thoải mái, không gây áp lực.

Trong khi đó, theo Trưởng phòng GD&ĐT huyện Quốc Oai Nguyễn Khắc Thắng, ngày 10/2, toàn huyện có 24/26 trường tiểu học cho học sinh đi học trở lại. Ngành Giáo dục huyện đã rà soát, khoanh vùng 50 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh thuộc diện F0 và 104 đối tượng thuộc diện F1. Ghi nhận nhanh, các trường học trên địa bàn đều thực hiện rất nghiêm túc công tác phòng, chống dịch; đã có các giải pháp thích ứng linh hoạt với cấp độ dịch để vừa dạy học trực tiếp kết hợp dạy trực tuyến cho học sinh không thể đến trường để đảm bảo quyền lợi cho các em.

Hiệu trường trường Tiểu học Sài Sơn A Nguyễn Quang Thắng cho biết: Trường có 30 lớp thì phân chia 2 ca (ca sáng 15 lớp và ca chiều 15 lớp). Khi đến trường, học sinh được hướng dẫn đi theo 2 khu cầu thang riêng biệt. Trong buổi sáng 10/2, trường có 521/561 học sinh đi học (chiếm 93%). Với những học sinh không đến trường học trực tiếp, trong 1 - 2 tuần đầu tiên, nhà trường sẽ gom mỗi khối 1 lớp học trực tuyến và phân công giáo viên dạy các em để đảm bảo kiểm soát nền nếp và hệ thống đầy đủ được kiến thức cho các em.

Sau khi kiểm tra công tác tổ chức dạy học trực tiếp tại một số trường học tại huyện Quốc Oai, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phạm Xuân Tiến ghi nhận, đánh giá cao công tác tổ chức dạy học trực tiếp của các nhà trường từ khâu vệ sinh, khử khuẩn, phân làn đến kế hoạch dạy học khoa học, bài bản; thầy cô giáo nhiệt tình, chủ động; học sinh có ý thức tốt trong công tác phòng dịch (100% đeo khẩu trang, mang bình nước uống cá nhân), cầu thị và hào hứng học trực tiếp.

Ngoài những việc đã thực hiện tốt, nhằm thích ứng linh hoạt và có giải pháp hiệu quả, lâu dài trước diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh, các nhà trường cần cố gắng bố trí ít nhất mỗi khối có một phòng học kết nối thiết bị trực tuyến để có thể dạy song song (trực tuyến/trực tiếp); đầu tư, bổ sung trang thiết bị còn thiếu ở phòng cách ly; phòng y tế, đặc biệt là kit test Covid- 19; tiếp tục tuyên truyền đến phụ huynh trong việc phối hợp, hỗ trợ, đồng hành với học sinh; tăng cường công tác phát hiện, xử lý tình huống khi trường học có F0 theo quy định mới của ngành y tế….

“Nếu phát hiện trường có F0, giáo viên cần bình tĩnh, không làm học sinh hoảng sợ. Những học sinh tiếp xúc gần F0 được coi là F1, nhà trường sẽ báo cáo cơ quan y tế cho đi xét nghiệm và chuyển học trực tuyến. Những trường hợp còn lại trong lớp sẽ được theo dõi sức khỏe; nếu không có bất thường thì hôm sau vẫn tiếp tục được đến trường. Các nhà trường cần khoanh vùng nhỏ nhất, hẹp nhất trong xử lý F0 để vừa đảm bảo phòng chống dịch, vừa đảm bảo công tác chuyên môn; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng vì một học sinh mà cả lớp, cả trường phải dừng học trực tiếp”- Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phạm Xuân Tiến lưu ý.

 

Việc tổ chức cho học sinh đến trường là sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, của ngành Giáo dục, các nhà trường, phụ huynh và toàn xã hội; vì vậy mỗi học sinh cần nâng cao trách nhiệm, có ý thức phòng dịch, góp phần đảm bảo an toàn cho bản thân, bạn bè, gia đình và luôn tự giác học tập tốt để vững vàng trong các kỳ thi phía trước.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phạm Xuân Tiến

 

 

Mặc dù có đủ lớp học để triển khai dạy một buổi nhưng nhằm đảm bảo khoảng cách an toàn, phòng GD&ĐT huyện Quốc Oai đã thống nhất các trường chia ca (sáng - chiều); cách một lớp học sẽ có một lớp trống; tại khu vực cổng và sân, các trường bố trí đầy đủ nước sát khuẩn, máy đo thân nhiệt tự động hoặc cán bộ làm nhiệm vụ; dây phân làn đường để chỉ dẫn học sinh lên lớp học.

Trưởng phòng GD&ĐT huyện Quốc Oai Nguyễn Khắc Thắng