Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vùng đất “nhất chi mai” dưới chân núi Tản Viên

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người dân khu vực nông thôn đạt 80 triệu đồng/năm. Tuy nhiên ở huyện miền núi Ba Vì, có có một ngôi làng của đồng bào dân tộc thiểu số đã đạt vượt con số trên nhờ trồng cây mai trắng. Đó là thôn An Hoà ở xã Tản Lĩnh.

Thu tiền tỷ từ “nhất chi mai”
20 năm trước, gia đình ông Đỗ Văn Thơ là một trong những hộ tiên phong ở thôn An Hoà (xã Tản Lĩnh) đưa cây mai trắng về trồng dưới chân núi Tản Viên. Những năm đầu bắt tay làm nghề, thu nhập từ loại cây này chưa cao do thị hiếu tiêu dùng chưa phổ biến.
Khoảng 5 năm trở lại đây, mai trắng được nhiều người biết đến, trở thành thú chơi Tết mới. Đầu ra của những hộ trồng mai trắng như gia đình ông Thơ cũng đi vào ổn định. Cứ đầu tháng 12 âm lịch hàng năm, tiểu thương khắp nơi lại nườm nượp đổ về ngôi làng quy tụ phần lớn đồng bào dân tộc Mường dưới chân núi Tản Viên để thu mua mai trắng. 
Ông Đỗ Văn Thơ chăm sóc những cây mai trắng chuẩn bị cho vụ hoa Tết 2022. Ảnh: Trọng Tùng.
Ông Thơ cho hay, dự kiến Tết năm nay, gia đình có thể cung ứng cho thị trường hơn 1.000 cây thế và hàng trăm chậu mai trắng. “Nếu giá cả không biến động so với năm trước và việc lưu thông thuận lợi, gia đình tôi có thể thu về gần 2 tỷ đồng từ hoa mai trong vụ Tết này…” – ông Thơ tính toán với nhiều kỳ vọng.
Bí thư Chi bộ thôn An Hoà Nguyễn Mạnh Khẩm cho biết, hiện nay toàn thôn có 180/252 hộ dân trồng mai trắng, với tổng diện tích khoảng 45ha. Các hộ đang tận dụng tối đa, có hiệu quả diện tích đất vườn nhà. Nhiều hộ chủ động đi thuê thêm đất nông nghiệp để trồng loại cây này. 
Cứ mỗi độ cận Tết, hàng chục triệu gốc mai trắng, chậu mai cảnh được tiểu thương khắp nơi về tận nơi thu mua, đem đi tiêu thụ khắp cả nước. So với các loại cây khác, mai trắng cho thu nhập cao hơn gấp nhiều lần. Bình quân doanh thu của các hộ trồng mai trắng vào khoảng 300 - 400 triệu đồng/năm, cá biệt vài chục hộ ở thôn An Hoà có thu nhập lên đến 1 - 2 tỷ đồng/năm.
Phát triển làng nghề mai trắng
Bên cạnh những gốc mai trắng được chăm sóc theo phương thức truyền thống, những năm gần đây, đồng bào dân tộc sinh sống ở thôn An Hoà còn phát triển cả hoa mai chậu. Nhiều hộ gia đình còn ươm giống để bán cho tiểu thương ở những tỉnh, TP khác. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người dân trong thôn hiện đã đạt khoảng 85 triệu đồng/năm.
Phát triển thôn An Hoà thành làng nghề "nhất chi mai" là hướng đi có thể góp phần thay đổi diện mạo cho địa phương vùng dân tộc thiểu số và miền núi của huyện Ba Vì.
Đáng chú ý, mức thu nhập của đại bộ bộ phận đồng bào dân tộc trong thôn An Hoà cao hơn nhiều so với mức bình quân chung toàn xã Tản Lĩnh (hơn 50 triệu đồng). Thậm chí còn cao hơn con số thu nhập bình quân mà Hà Nội nỗ lực hướng đến vào cuối năm 2025 cho nông dân ngoại thành là 80 triệu đồng. Đường sá khang trang. Những nếp nhà cao 2 – 3 tầng mọc lên san sát giữa vùng đồng bào dân tộc xã Tản Lĩnh chính là minh chứng cho hiệu quả kinh tế vượt trội từ cây mai trắng. 
Chủ tịch UBND xã Tản Lĩnh Phạm Đình Hùng cho biết, hiện nay người dân một số thôn khác đã đến học hỏi thôn An Hoà trồng mai trắng như: Cẩm Phương, Tam Mỹ, Yên Thành… Địa phương cũng đã đưa vào quy hoạch, xây dựng kế hoạch để chuyển đổi cơ cấu từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây mai cảnh tại thôn An Hoà và đất xen kẹt ở các thôn khác, với tổng diện tích khoảng 20ha.
Nhằm nâng cao giá trị từ cây mai trắng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí đề nghị huyện Ba Vì nghiên cứu, lập hồ sơ để trình các cấp có thẩm quyền công nhận thôn An Hoà là làng nghề mai trắng. Đây là cơ sở quan trọng để đồng bào dân tộc nơi đây có thể tiếp cận các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển làng nghề của Trung ương và Hà Nội. Từ đó, nhân rộng và phát triển thương hiệu “nhất chi mai” dưới chân núi Tản Viên.