Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vườn thú Hà Nội: Hà mã tắm nước nóng, voi được sưởi ấm

Minh An - Duy Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 28/1, trên mạng xã hội lan truyền nhiều hình ảnh về động vật đang được nuôi tại Vườn thú Hà Nội co ro bị lạnh, nhiều cá thể ốm yếu thu hút sự quan tâm của công chúng. Tuy nhiên thực tế, thông tin trên là không chính xác, sai lệch sự thật.

Hình ảnh cũ, sai sự thật

Ngày 28/1, trên một số trang cá nhân Facebook có đăng tải thông tin với nội dung “Lời khẩn cầu từ Vườn thú Hà Nội”. Trong bài đăng xuất hiện hình ảnh một số cá thể khỉ co ro vì lạnh, voi đuối sức vì rét, hươu cao cổ gầy gò… thu hút hàng nghìn lượt tương tác, chia sẻ.

Thông tin đăng trên mạng xã hội về việc động vật phải chịu lạnh, rét, ốm yếu. Ảnh: Chụp màn hình.
Thông tin đăng trên mạng xã hội về việc động vật phải chịu lạnh, rét, ốm yếu. Ảnh: Chụp màn hình.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị chiều 28/1, cán bộ, nhân viên, người lao động tại Vườn thú Hà Nội đang chống rét, giữ ấm cho các cá thể động vật bằng nhiều biện pháp.

Chị Thân Thuý Hạnh, nhân viên Vườn thú Hà Nội bổ sung thực phẩm cho hà mã. Ảnh: Duy Khánh
Chị Thân Thuý Hạnh, nhân viên Vườn thú Hà Nội bổ sung thực phẩm cho hà mã. Ảnh: Duy Khánh

Tại khu vực nuôi hà mã, chị Thân Thuý Hạnh nhân viên Vườn thú Hà Nội đẩy xe thức ăn để tăng thêm khẩu phần cho loài động vật nặng hơn 3 tấn này. Được biết, ngoài giải pháp trên, hà mã còn được bổ sung thêm nước ấm tại các bể tắm để chống rét.

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, Phó Giám đốc Xí nghiệp chăn nuôi và phát triển động vật số 1 – Công ty TNHH MTV Vườn thú Hà Nội Nguyễn Danh Cường cho biết: Khi nhiệt độ ngoài trời xuống tới 17 độ C, công tác chống rét của Vườn thú Hà Nội được kích hoạt. Tại khu vực chăm nuôi hà mã, hệ thống nước nóng được xả xuống các bể, tạo môi trường nước ấm áp, tạo điều kiện thuận lợi nhất.

Hà mã được nhân viên Vườn thú Hà Nội chăm sóc cẩn thận, tỉ mỉ. Ảnh: Duy Khánh.
Hà mã được nhân viên Vườn thú Hà Nội chăm sóc cẩn thận, tỉ mỉ. Ảnh: Duy Khánh.

Đối diện chuồng của hà mã là khu vực cách ly của các cá thể khỉ. Phản hồi về một số thông tin, hình ảnh khỉ rụng lông, ốm yếu trên mạng xã hội, Phó Giám đốc Xí nghiệp chăn nuôi và phát triển động vật số 1 – Công ty TNHH MTV Vườn thú Hà Nội Phạm Đức Quang khẳng định đó là những hình ảnh không đúng.

“Hiện tượng đó đã xảy ra từ lâu, thời điểm những hình ảnh được đưa lên là lúc chúng tôi đang xây dựng hồ sơ, làm phác đồ điều trị cho bệnh rụng lông trên đàn thú linh trưởng”.

Phó Giám đốc Xí nghiệp chăn nuôi và phát triển động vật số 1 – Công ty TNHH MTV Vườn thú Hà Nội Nguyễn Danh Cường điều chỉnh, giám sát hệ thống nước nóng tại khu vực nuôi hà mã. Ảnh: Duy Khánh
Phó Giám đốc Xí nghiệp chăn nuôi và phát triển động vật số 1 – Công ty TNHH MTV Vườn thú Hà Nội Nguyễn Danh Cường điều chỉnh, giám sát hệ thống nước nóng tại khu vực nuôi hà mã. Ảnh: Duy Khánh

Anh Phạm Đức Quang cho biết thêm, phác đồ điều trị với bệnh rụng lông trên loài khỉ không đơn giản chỉ là việc tiêm hay bôi thuốc. Ngoài việc tách cá thể khỏi đàn, đưa về khu cách ly, nhân viên Vườn thú Hà Nội phải lấy mẫu, xét nghiệm nguyên nhân dẫn đến bệnh là do nấm hay ve, rận. Quá trình làm phác đồ, điều trị bệnh rụng lông kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm.

Theo ghi nhận của phóng viên, hiện nay trong khu vực cách ly có 6 cá thể khỉ điều trị, theo dõi sau điều trị với bệnh rụng lông. Đến nay, đã có 4 cá thể được đưa ra khu chuồng tại khu cách ly tiếp tục chăm sóc để đạt được thể vóc, màu lông đúng đặc điểm nhận dạng sinh học, sau đó đưa ra khu vực trưng bày phục vụ du khách.

Tâm tư của người yêu nghề

Tại khu vực cách ly khỉ, vượn đang điều trị, có một cá thể được gọi là “Mù”. Được đặt tên là "Mù" bởi chú vượn này vốn không nhìn được do mắt bị hỏng. Với tình yêu, trách nhiệm, mong muốn giúp “Mù” có thể nhìn lại được, các cán bộ, nhân viên tại Vườn thú Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị phẫu thuật, thay thuỷ tinh thề cho “Mù”. Hiện nay, chú Vượn này đã nhìn được gần.

Phó Giám đốc Xí nghiệp chăn nuôi và phát triển động vật số 1 – Công ty TNHH MTV Vườn thú Hà Nội Phạm Đức Quang thăm khám, chăm sóc khỉ tại khu vực cách ly. Ảnh: Duy Khánh.
Phó Giám đốc Xí nghiệp chăn nuôi và phát triển động vật số 1 – Công ty TNHH MTV Vườn thú Hà Nội Phạm Đức Quang thăm khám, chăm sóc khỉ tại khu vực cách ly. Ảnh: Duy Khánh.

Có một điều đặc biệt ở Vườn thú Hà Nội là hầu hết cách loài động vật đều được cán bộ, nhân viên đặt cho những cái tên rất ngộ nghĩnh. “Mù” có vợ tên là Kitty (loài vượn chỉ kết đổi 1 cặp theo đặc tính); có 3 chú hổ có tên là Bi, Bông và Đô. Hai chú voi thì có tên là Thái và Ba Lan đều hơn 30 tuổi. Điểm chung, tất cả các loài động vật này đều được chăm sóc rất tỉ mỉ, cẩn thận; có những chú hổ, sư tử được chăm nuôi từ khi sinh ra.

Nhiệt độ xuống thấp, 3 chú hổ Bi, Bông và Đô đều được tăng khẩu phần ăn, ở trong chuồng riêng và có máy sưởi. Hai chú voi tên Thái và Ba Lan cũng được chăm sóc đặc biệt.

Nhân viên Vườn thú Hà Nội chăm sóc, nói chuyện với Đô - chú hổ trắng trong lúc sưởi ấm. Ảnh: Duy Khánh.
Nhân viên Vườn thú Hà Nội chăm sóc, nói chuyện với Đô - chú hổ trắng trong lúc sưởi ấm. Ảnh: Duy Khánh.

“Khi nhiệt độ xuống mức 17 độ C, chúng tôi dùng hệ thống bạt che chắn, bật hệ thống sưởi điện. Nếu nhiệt độ xuống dưới 15 độ, chúng tôi bổ sung thêm sưởi bằng đốt củi. Đảm bảo cho đàn động vật, nhất là voi được khoẻ mạnh bình thường” - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Vườn thú Hà Nội Nguyễn Công Nghiệp cho hay.

2 chú voi tên Thái và Ba Lan được tăng khẩu phần ăn và sưởi ấm trong những ngày giá rét. Ảnh: Duy Khánh.
2 chú voi tên Thái và Ba Lan được tăng khẩu phần ăn và sưởi ấm trong những ngày giá rét. Ảnh: Duy Khánh.

Vào bên trong khu vực đặt máy sưởi của các loài động vật đang được nuôi tại Vườn thú Hà Nội, chúng tôi thấy những hình ảnh hiếm gặp. Sư tử và hổ đều nhận được nhiều tình cảm của cán bộ, nhân viên Vườn thú Hà Nội. Họ chơi đùa, nói chuyện với các loài thú dữ như những người bạn. Nhiều nhân viên Vườn thú Hà Nội chia sẻ, họ nuôi hổ, sư tử, gấu từ bé nên coi chúng như con. Khi ăn, khi ốm, khi sinh nở đều ở bên để chăm sóc.

Những loài thú móng guốc (hươu, nai, cừu, linh dương sừng xoắn…) được đốt củi sưởi ấm và tăng khẩu phần ăn. Ảnh: Duy Khánh
Những loài thú móng guốc (hươu, nai, cừu, linh dương sừng xoắn…) được đốt củi sưởi ấm và tăng khẩu phần ăn. Ảnh: Duy Khánh

Trước những hình ảnh, sự việc đăng tải trên mạng xã hội, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Vườn thú Hà Nội Nguyễn Công Nghiệp bày tỏ: Tất cả nội dung thông tin trên mạng đưa vừa qua về công tác phòng, chống rét tại Vườn thú Hà Nội là hoàn toàn sai sự thật; điều đó ảnh hưởng đến công tác quản lý, chăm sóc đàn động vật tại Vườn thú Hà Nội; và đặc biệt ảnh hưởng đến tâm tư của những người yêu nghề, chăm sóc động vật như chúng tôi.