Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vượt Ả Rập Saudi, Nga là nhà cung cấp dầu lớn thứ 2 cho Ấn Độ

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nga đã vươn lên trở thành nhà cung cấp dầu lớn thứ hai của Ấn Độ trong tháng 5, đẩy Ả Rập Saudi xuống vị trí thứ ba. Iraq hiện là nước cung cấp nhiên liệu lớn nhất cho quốc gia Nam Á này.

Nga trở thành nhà cung cấp dầu lớn thứ 2 cho Ấn Độ trong tháng 5. Ảnh: Reuters  
Nga trở thành nhà cung cấp dầu lớn thứ 2 cho Ấn Độ trong tháng 5. Ảnh: Reuters  

Reuters đưa tin các nhà máy lọc dầu Ấn Độ nhận khoảng 819.000 thùng/ngày dầu của Nga trong tháng 5, mức cao nhất từ ​​trước đến nay.. Trong tháng 4, lượng dầu Ấn Độ nhập khẩu từ Nga đạt khoảng 277.000 thùng/ngày.

Việc phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt chống Nga liên quan đến chiến dịch quân sự tại Ukraine buộc nhiều nhà nhập khẩu dầu tránh giao dịch với Moscow, khiến giá dầu giao ngay của Nga giảm kỷ lục so với các loại khác trên thị trường thế giới.

Diễn biến giá dầu dầu này tạo cơ hội cho các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ, vốn hiếm khi mua dầu của Nga do chi phí vận chuyển cao, có cơ hội mua được dầu thô giảm giá. 

Ấn Độ bảo vệ việc mua dầu "giá rẻ" của Nga, nhấn mạnh nhập khẩu từ Moscow chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu chung của đất nước và dừng đột ngột sẽ làm tăng chi phí cho người tiêu dùng. 

Dữ liệu mới nhất cho thấy, nhập khẩu dầu của Ấn Độ trong tháng 5 đạt 4,98 triệu thùng/ngày - mức cao nhất kể từ tháng 12/2020, do các nhà máy lọc dầu nhà nước tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu địa phương ngày càng tăng trong khi các nhà máy lọc dầu tư nhân tập trung thu lợi nhuận từ xuất khẩu.

Nhập khẩu dầu của Ấn Độ trong tháng 5 tăng khoảng 5,6% so với tháng trước và khoảng 19% so với một năm trước đó.

Trong một diễn biến liên quan, theo AFP, báo cáo được Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch (CREA), có trụ sở tại Phần Lan, công bố ngày 13/6 cho biết Nga đã thu về 93 tỷ euro (khoảng 98 tỷ USD) từ xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch trong 100 ngày kể từ khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Theo báo cáo trên, phần lớn nguồn cung được chuyển đến Liên minh châu Âu (EU).

Theo báo cáo của CREA), EU chiếm 61% kim ngạch xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch của Nga trị giá khoảng 60 tỷ USD trong 100 ngày đầu tiên Moscow phát động chiến dịch quân sự với Ukraine. Những quốc gia nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch lớn nhất từ Nga gồm Trung Quốc với 13,2 tỷ USD, Đức với 12,6 tỷ USD và Italia với 8,1 tỷ USD. 

Doanh thu lớn nhất của Nga từ nguyên liệu hóa thạch đến từ dầu thô với hơn 48 tỷ USD, tiếp đó là khí đốt, các sản phẩm dầu, khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và than đá.