Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Washington sẽ tiếp tục gây sức ép buộc OPEC+ tăng mạnh sản lượng dầu

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Thư ký báo chí Nhà Trắng, chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ "sử dụng tất cả những công cụ có thể" để các nước OPEC+ tăng mạnh sản lượng dầu mỏ.

Hãng tin Tass của Nga ngày 24/11 cho biết Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki tuyên bố Mỹ sẽ tiếp tục gây áp lực đối với Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các nước đồng minh, còn gọi là nhóm OPEC+, nhằm tăng thêm nguồn cung dầu mỏ cho thị trường toàn cầu.
Bà Psaki lưu ý thêm rằng chính quyền Mỹ sẽ nỗ lực hết mình để đạt mục tiêu này.
 Washington sẽ tiếp tục gây sức ép buộc OPEC+ tăng sản lượng dầu mỏ.
Trong nỗ lực hạ nhiệt giá xăng dầu trong nước tăng kỷ lục trong thời gian gần đây, Tổng thống Joe Biden ngày 23/11 đã ra lệnh xuất 50 triệu thùng dầu từ kho dự trữ chiến lược quốc gia. Đây được cho cũng là một phần nỗ lực giải quyết lạm phát đang gia tăng tại Mỹ.
Phát biểu tại Nhà Trắng hôm 23/11, Tổng thống Biden tuyên bố ông muốn giải quyết một thách thức khác mà các gia đình Mỹ đang phải đương đầu, đó là giá xăng dầu tăng cao. Ông Biden đồng thời cho rằng đây là vấn đề không chỉ của riêng nước Mỹ mà còn trên toàn thế giới.
Đầu tháng này, Cục Thống kê Lao động thuộc Bộ Lao động Mỹ cho biết, giá tiêu dùng của Mỹ trong tháng 10 vừa qua đã tăng 6,2% - mức cao nhất trong hơn 30 năm, do giá xăng và các hàng hóa khác tăng vọt. Giá xăng bán lẻ tại Mỹ trong tháng 10 đã tăng gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt mức cao nhất trong 7 năm qua.
Ngay sau quyết định của Mỹ, Ấn Độ cho biết họ sẽ “bơm” 5 triệu thùng dầu dự trữ ra thị trường. Trong khi đó, Bộ Kinh doanh, Năng lượng và Công nghiệp Anh thông báo sẽ xuất 1,5 triệu thùng dầu từ kho dự trữ chiến lược.
Phát biểu với phóng viên ngày 24/11, Bộ trưởng Công nghiệp Nhật Bản Koichi Hagiuda cho biết Tokyo sẽ bán một phần kho dự trữ của mình, song chưa tiết lộ thời điểm giải phóng kho dự trữ dầu chiến lược. Trước đó, tờ Nikkei đưa tin Nhật Bản có thể sẽ bán khoảng 4,2 triệu thùng dầu.
Phía Seoul tuyên bố sẽ đưa ra quyết định cụ thể về việc xuất kho dầu dư trữ chiến lược sau khi thảo luận với Mỹ và các đồng minh khác.
Trong khi đó, Trung Quốc, nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, chưa đưa ra bất kỳ cam kết cụ thể nào. Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 24/11 tuyên bố Bắc Kinh sẽ "tổ chức đưa dầu ra thị trường từ nguồn dự trữ nhà nước và thực hiện các biện pháp cần thiết khác để duy trì sự ổn định của thị trường phù hợp với nhu cầu thực tế".
Việc xuất kho dự trữ dầu là một biện pháp quan trọng để hạ giá xăng, trong bối cảnh giá xăng tăng nhanh vì toàn cầu bắt đầu phục hồi sau đại dịch và tăng nhu cầu về nhiên liệu. Giá nhiên liệu tăng sẽ ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống, kéo theo tình trạng tăng giá thực phẩm và hàng tiêu dùng.
Hồi đầu tháng 11, các thành viên OPEC+ đã thống nhất bám sát kế hoạch nâng sản lượng dầu lên 400.000 thùng/ngày kể từ tháng 12, bất chấp lời kêu gọi của Tổng thống Mỹ Joe Biden về việc giải phóng kho dự trữ dầu thô và tăng đáng kể sản lượng dầu để kiềm chế đà tăng giá.
Theo kế hoạch, bộ trưởng dầu mỏ các nước OPEC+ sẽ có cuộc họp vào ngày 2/12 tới để thảo luận về chính sách sản lượng, song hiện chưa có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy liên minh sẽ tăng mạnh nguồn cung năng lượng./.