WEF cam kết hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 28/11, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp ông Philipp...

Kinhtedothi - Ngày 28/11, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp ông Philipp Rosler - Giám đốc điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đang có chuyến thăm làm việc và tham dự Hội thảo "Vai trò DN trong nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong hội nhập quốc tế" do Bộ Ngoại giao Việt Nam phối hợp với Bộ KH&ĐT, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, WEF tổ chức tại Hà Nội.

Tâm điểm của giới đầu tư toàn cầu

Tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị WEF phối hợp chặt chẽ với Việt Nam để tiến hành đánh giá năng lực cạnh tranh quốc gia hàng năm, nhất là chỉ ra được các hạn chế, yếu kém, nguyên nhân và các phương hướng, giải pháp để khắc phục và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam. Thủ tướng đề nghị WEF hỗ trợ và tổ chức các sự kiện của Việt Nam với sự tham dự của các chính khách và DN hàng đầu thế giới để Việt Nam thông tin và đối thoại về tình hình, triển vọng, định hướng phát triển của kinh tế Việt Nam cũng như triển vọng của Cộng đồng ASEAN. 

 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Giám đốc điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Philipp Rosler.        Ảnh: Đức Tám
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Giám đốc điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Philipp Rosler. Ảnh: Đức Tám
 
Nhận định kinh tế Việt Nam với kết quả và tiềm năng phát triển trong tương lai, nhất là trong tương quan hình thành Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015, ông Philipp Rosler cho rằng, vai trò tiên phong của Việt Nam trong xây dựng và hình thành Cộng đồng ASEAN đang là tâm điểm chú ý của giới đầu tư, kinh doanh toàn cầu. Do vậy, những ý tưởng, tầm nhìn, thông tin về Việt Nam và ASEAN, thông điệp của lãnh đạo Việt Nam rất được cộng đồng DN quốc tế quan tâm. Với ý nghĩa đó, trong cuộc họp tại Davos (Thụy Sĩ) diễn ra vào tháng 1/2015, WEF sẽ tập trung tổ chức các sự kiện lớn về Việt Nam, trong đó có sự kiện "Đêm Việt Nam" với sự tham gia của nhiều chính khách và các DN hàng đầu thế giới. Về vấn đề năng lực cạnh tranh (NLCT) quốc gia, ông Philipp Rosler khẳng định, WEF sẽ phối hợp và hỗ trợ Việt Nam trong đánh giá cũng như nâng cao NLCT quốc gia; sẵn sàng hỗ trợ và tham gia các sự kiện và diễn đàn kinh tế quan trọng của Việt Nam và khu vực được tổ chức trong những năm tới.

Nhiều yếu tố NLCT quốc gia

Cùng ngày, tại Hội thảo "Vai trò DN trong nâng cao NLCT quốc gia trong hội nhập quốc tế", các đại biểu đã tập trung thảo luận một số nội dung chính, như mối quan hệ giữa năng lực cạnh tranh của DN và NLCT quốc gia; khuyến nghị chính sách với Việt Nam về nâng cao NLCT tranh cấp quốc gia và DN... TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ, NLCT của DN hiện còn hạn chế là nguyên nhân chính khiến cho Việt Nam bị chấm điểm thấp trong các báo cáo NLCT toàn cầu do Diễn đàn WEF công bố những năm gần đây. Theo Chủ tịch VCCI, các nguyên nhân lý giải thực trạng  này có thể kể đến: Khả năng hoạch định chiến lược, phát triển thị trường và thương hiệu kém, năng lực quản trị yếu và đặc biệt là năng suất lao động thấp. Ngoài ra, các rào cản về thủ tục hành chính từ môi trường đầu tư, kinh doanh còn nhiều bất cập.  

Bàn về năng suất lao động của Việt Nam, ông Ko Tae Yeon - Tổng Giám đốc LG Electronic Việt Nam cho rằng, chi phí tiền lương ở Việt Nam ngày càng cao trong khi năng suất lao động chậm cải thiện, điều này đang làm ảnh hưởng đến lợi thế cạnh tranh của Việt Nam. "Lực lượng lao động của Việt Nam thiếu nhiều kỹ năng, những người có khả năng điều hành kinh doanh, kỹ sư chuyên ngành không nhiều. Do đó, Chính phủ cần quan tâm hơn nữa đến đào tạo nguồn nhân lực. Cần có thêm các trung tâm đào tạo, các trường dạy nghề..." - đại diện LG Electronic khuyến nghị. 

Ông Philipp Rosler khẳng định: "Việt Nam có quyền tự hào về những thành tựu đạt được trong gần 30 năm đổi mới. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn có thể làm tốt hơn nữa và tất nhiên sẽ phải làm tốt hơn khi áp lực cạnh tranh đang hiện hữu từ các nước trong khu vực cũng như từ quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng". Để xử lý tất cả các thách thức trong tương lai và trở thành một trong những nền kinh tế tốt nhất trong khu vực, theo ông Philipp Rosler, Việt Nam cần có một khuôn khổ tài chính ổn định, hạ tầng cơ sở vững mạnh, hạ tầng số hiện đại, và đặc biệt là đầu tư đào tạo nguồn nhân lực, đồng thời giảm bớt các thủ tục quan liêu, nhằm thúc đẩy được tinh thần kinh doanh, bởi DN chính là đại sứ góp phần nâng cao NLCT quốc gia.

Đồng tình với các quan điểm này, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, những nỗ lực của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh xét cho cùng là nhằm tạo môi trường thuận lợi cho các DN phát huy sức sáng tạo và đổi mới để có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Do đó, nâng cao NLCT  quốc gia đòi hỏi không chỉ quyết tâm của Chính phủ mà cần cả sự nỗ lực vươn lên của chính các DN.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần