WHO: Mỹ cắt giảm viện trợ, y tế toàn cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng
"Có những hành động mà Chính phủ Mỹ đang thực hiện... khiến chúng tôi lo ngại đang có tác động nghiêm trọng đến y tế toàn cầu," Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết trong một cuộc họp báo trực tuyến từ Geneva (Thụy Sĩ) ngày 12/2.
Theo ông Ghebreyesus, quyết định này đang ảnh hưởng đến nhiều chương trình y tế quan trọng, bao gồm các chương trình phòng chống HIV, bại liệt, đậu mùa khỉ và cúm gia cầm.
Trong đó, tác động nghiêm trọng nhất được ghi nhận là việc đình chỉ tài trợ cho Kế hoạch Cứu trợ AIDS khẩn cấp của Tổng thống Mỹ (PEPFAR), buộc chương trình này phải dừng ngay lập tức các dịch vụ điều trị, xét nghiệm và phòng ngừa HIV tại 50 quốc gia.
Dù một lệnh miễn trừ được ban hành ngay sau đó, qua đó cho phép một số dịch vụ cứu sống được tiếp tục hoạt động, nhưng theo giám đốc WHO, những nỗ lực phòng ngừa cho các nhóm bệnh nhân có nguy cơ cao vẫn chưa được khôi phục. Hậu quả trực tiếp là nhiều phòng khám đã phải đóng cửa và nhiều nhân viên y tế bị buộc phải nghỉ việc.
Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus còn cảnh báo, cả việc tạm ngừng cấp vốn và sự rút lui của các tổ chức từ Mỹ cũng ảnh hưởng đến nỗ lực giải quyết bệnh bại liệt và ứng phó với bệnh đậu mùa khỉ. Ngoài ra, gần 60.000 người tại Myanmar đã không được tiếp cận các dịch vụ cứu sinh.
"Chúng tôi yêu cầu Mỹ xem xét tiếp tục tài trợ ít nhất cho đến khi có thể tìm ra giải pháp (cho các vấn đề trên)", Tổng giám đốc WHO đưa ra lời kêu gọi. Ông cũng đề cập đến việc WHO đang xem xét các phương án tài trợ mới, bao gồm việc huy động quỹ 50 tỷ USD và khả năng thu phí cho một số dịch vụ đối với các tổ chức hoặc cá nhân có khả năng chi trả.

Dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden, Mỹ là nhà tài trợ lớn nhất cho WHO. Tính riêng năm 2023, Mỹ đã đóng góp tới gần 1/5 ngân sách của cơ quan này.
Trong đó, một phần không nhỏ số tiền Mỹ tài trợ WHO đến từ Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) Cơ quan này đã chi khoảng 40 tỷ USD – tương đương khoảng 0,6% tổng chi tiêu hàng năm của chính phủ Mỹ - cho viện trợ nhân đạo, phần lớn trong số đó dành cho các chương trình y tế.
Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thực hiện các bước để đóng cửa USAID, sau khi chỉ trích cơ quan này "vô năng và tham nhũng". Ngoài việc đóng băng viện trợ, ông Trump còn có động thái rút Mỹ khỏi WHO.
Điều này, theo WHO, ảnh hưởng đến sự hợp tác quốc tế trong việc đối phó với các mối đe dọa sức khỏe mang tính toàn cầu. Một trong những hậu quả từ vấn đề này là WHO bị hạn chế nhận thông tin về sự lây lan của dịch cúm gia cầm ở Mỹ.
Theo Maria Van Kerkhove - Giám đốc phụ trách phòng chống và chuẩn bị ứng phó với dịch bệnh và đại dịch của WHO, cơ quan này không nhận được bất kỳ báo cáo nào về tình hình cúm gia cầm từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ kể từ khoảng ngày 24/1.
Để đối phó với tình hình này, WHO đã áp dụng các biện pháp khẩn cấp tương tự như trong đại dịch Covid-19 để lấp đầy khoảng trống thiếu hụt, đặc biệt là về thuốc kháng virus điều trị HIV. Meg Doherty, Giám đốc Chương trình HIV, viêm gan và STI toàn cầu của WHO, cho biết cơ quan đang cố gắng điều phối việc chia sẻ nguồn cung dược phẩm thiết yếu giữa các quốc gia, nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời.

WHO nâng cao cảnh báo về dịch cúm gia cầm H5N1
Kinhtedothi - Một quan chức từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm thứ Năm (28/11) đã kêu gọi tăng cường giám sát các trường hợp nhiễm cúm gia cầm H5N1 ở động vật nhằm hạn chế sự lây lan của virus.

WHO cảnh báo dịch bệnh do virus Marburg gây ra bùng phát ở châu Phi
Kinhtedothi - Một đợt bùng phát dịch bệnh bị nghi ngờ là do virus Marburg (MVD) tại Tanzania đã khiến tám trong số chín trường hợp tử vong, theo WHO. Nguy cơ lây lan trong khu vực được đánh giá "cao" do yếu tố địa lý và di chuyển qua biên giới.

WHO thắt chặt chi tiêu khi Mỹ rút khỏi tổ chức
Kinhtedothi - Tổ chức Y tế thế giới (WHO) sẽ thực hiện các biện pháp cắt giảm chi phí và xem xét lại các chương trình ưu tiên sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút nước này khỏi cơ quan này hôm 20/1.