WTO dự báo thương mại toàn cầu giảm tốc, cảnh báo rủi ro lan rộng
Kinhtedothi - Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vừa điều chỉnh dự báo năm 2025, theo đó khối lượng thương mại hàng hóa toàn cầu dự kiến sẽ giảm 0,2%, thay vì tăng trưởng như dự báo trước đó.
Đây là sự thay đổi đáng kể so với mức dự báo tăng trưởng 2,7% đưa ra hồi đầu năm, phản ánh những ảnh hưởng từ chính sách thuế quan mới của Mỹ và bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều biến động.
Theo WTO, nguyên nhân chính dẫn đến sự điều chỉnh dự báo là do các chính sách thương mại mới của Mỹ, trong đó bao gồm việc áp thuế nhập khẩu cao từ 10% đến hơn 100% đối với nhiều mặt hàng như thép, nhôm và hàng hóa từ Trung Quốc. Dù nhằm mục tiêu thúc đẩy sản xuất nội địa, các biện pháp này đang làm gián đoạn dòng chảy thương mại toàn cầu.

Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vừa điều chỉnh dự báo cho năm 2025, theo đó khối lượng thương mại hàng hóa toàn cầu dự kiến sẽ giảm 0,2%. Ảnh: Unsplash
WTO dự báo Bắc Mỹ sẽ chịu tác động mạnh nhất, với xuất khẩu giảm 12,6% và nhập khẩu giảm 9,6%. Trong khi đó, châu Á và châu Âu vẫn tăng trưởng nhưng ở mức khiêm tốn, phản ánh tâm lý dè dặt của doanh nghiệp trước môi trường thương mại kém ổn định.
WTO cảnh báo thương mại toàn cầu có thể giảm tới 1,5% nếu Mỹ khôi phục các mức thuế sau thời gian tạm hoãn 90 ngày. Sự thiếu ổn định trong chính sách thương mại đang gây ảnh hưởng rõ rệt đến đầu tư và kế hoạch dài hạn của doanh nghiệp.
Tổng giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala bày tỏ lo ngại về tác động tới các nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu, đồng thời nhấn mạnh vai trò của một hệ thống thương mại minh bạch và ổn định trong thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
Trung Quốc, đối tác thương mại lớn của Mỹ, đang chịu tác động mạnh từ thuế suất cao tới 145% đối với một số mặt hàng. Nước này đang tìm cách thích ứng bằng việc mở rộng thị trường xuất khẩu sang các khu vực khác, đặc biệt trong lĩnh vực dệt may, thiết bị điện và may mặc.
WTO dự báo thương mại Mỹ - Trung sẽ chuyển hướng rõ rệt, với xuất khẩu Trung Quốc tăng ở các khu vực ngoài Bắc Mỹ. Đồng thời, Mỹ sẽ tìm nguồn cung thay thế, tạo cơ hội cho các nền kinh tế đang phát triển mở rộng thị phần tại thị trường Mỹ.
Dù không chịu thuế trực tiếp, lĩnh vực dịch vụ – chiếm hơn 25% thương mại toàn cầu – cũng bị ảnh hưởng gián tiếp do chuỗi cung ứng gián đoạn và tâm lý thận trọng, theo WTO. Các ngành như tài chính, tư vấn, du lịch và giáo dục có thể tăng trưởng chậm lại.
Cũng trong ngày công bố báo cáo của WTO, Cơ quan Thương mại và Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNCTAD) đánh giá tăng trưởng toàn cầu năm 2025 sẽ chậm lại, chỉ đạt khoảng 2,3%, thấp hơn mức 2,8% của năm trước. Tổ chức này nhấn mạnh tác động từ các cú sốc chính sách, biến động tài chính và sự không rõ ràng trong môi trường kinh doanh đang tạo ra áp lực lên hoạt động sản xuất và thương mại quốc tế.
Ông Ralph Ossa, Kinh tế trưởng của WTO, cho rằng thương mại đang bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi nhanh chóng trong chính sách, đặc biệt khi các mức thuế mới được áp dụng một cách đột ngột. Ông cho rằng các nước, đặc biệt là trong khu vực châu Âu và châu Á, cũng đang đối mặt với thách thức khi phải tìm thị trường mới cho hàng hóa truyền thống.
WTO cho biết thêm sự gián đoạn trong thương mại Mỹ - Trung sẽ làm thay đổi mạnh mẽ dòng chảy thương mại toàn cầu. Các quốc gia có năng lực sản xuất tương đồng với Trung Quốc trong các lĩnh vực như dệt may, điện tử có thể tận dụng cơ hội để gia tăng thị phần xuất khẩu sang thị trường Mỹ, tuy nhiên điều này cũng đồng nghĩa với việc gia tăng áp lực cạnh tranh tại các thị trường khu vực.
Đọc thêm: Ấn Độ - Trung Quốc tăng cường hợp tác thương mại giữa biến động toàn cầu
Mặc dù vẫn còn nhiều ẩn số, WTO dự báo khối lượng thương mại hàng hóa toàn cầu có thể phục hồi nhẹ trong năm 2026, với mức tăng trưởng khoảng 2,5%, nếu các chính sách được điều chỉnh theo hướng ổn định hơn. Tuy nhiên, tổ chức này cảnh báo những rủi ro từ chính sách thương mại vẫn còn tồn tại, và việc phối hợp chính sách giữa các nền kinh tế lớn sẽ là yếu tố then chốt để duy trì ổn định thị trường toàn cầu.

Việt Nam, Mỹ sẽ sớm đàm phán thỏa thuận thương mại đối ứng
Kinhtedothi - Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đã gặp Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer nhằm khởi động đàm phán một thỏa thuận thương mại đối ứng, trong đó có các điều khoản thuế và sự tham gia của các cấp kỹ thuật liên quan.

Việt Nam, Mỹ nhất trí đàm phán thỏa thuận thương mại song phương
Kinhtedothi - Ngày 10/4/2025 (giờ địa phương), trong khuôn khổ chuyến thăm Mỹ với tư cách Đặc phái viên của Tổng Bí thư Tô Lâm, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đã có các cuộc làm việc với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent và Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick.

Ấn Độ - Trung Quốc tăng cường hợp tác thương mại giữa biến động toàn cầu
Kinhtedothi - Trước xu hướng bảo hộ thương mại gia tăng, Ấn Độ và Trung Quốc đang tìm cách tái thiết quan hệ kinh tế để mở rộng động lực phát triển và giảm thiểu rủi ro bên ngoài.