Di tích cấp Quốc gia bị “bao vây”
Trong đơn phản ánh của Ban Khánh tiết Cụm di tích đình làng La Phù và chùa Trung Hưng - chùa Cả (đình, chùa La Phù) cho biết, Cụm di tích là những công trình có lịch sử hàng trăm năm tuổi, các kiến trúc hiện còn có tuổi đời trên 500 năm. Cụm di tích do UBND huyện Hoài Đức quản lý trực tiếp theo phân cấp của UBND TP Hà Nội.
Đình làng La Phù thờ Tĩnh Quốc Đại vương là danh tướng từ thời vua Hùng dựng nước, chùa Trung Hưng thờ Phật và Tam vị Đức thánh Tổ là 3 vị quốc sư thời Lý có công lao hộ quốc an dân... Ngày 22/3/1988, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 191/VHQĐ công nhận di tích cấp 1uốc gia và khoanh vùng bảo vệ thể hiện bằng bản đồ tỷ lệ 1/1.000. Di tích còn lưu giữ ít nhất gần 30 đạo sắc phong của các triều đại khác nhau. Khuôn viên di tích có 3 cây đa trên 500 năm tuổi đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam xếp hạng Cây di sản Việt Nam.
Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, Cụm di tích này đã bị xâm hại. Trong khu vực vùng lõi tồn tại một số công trình như: chợ tạm; nhà cao tầng xây dựng sát chùa Trung Hưng, trường mầm non, nhà văn hóa xã… phá vỡ cảnh quan di tích gây mất vệ sinh môi trường.
Để làm rõ thông tin, ngày 20/7/2022 phóng viên đã tìm hiểu thực tế tại Cụm di tích. Ghi nhận cho thấy, bên trái của đình làng tồn tại khối Nhà văn hóa xã La Phù xây kiên cố cao 2 tầng, bên cạnh là trường mầm non. Đi qua cổng đình, bên phải là khu vực chợ tạm lợp mái tôn, nơi đây người dân buôn bán đủ các loại rau củ quả, thịt, cá,…
Ông Nguyễn Phan Đích, Trưởng Ban khánh tiết phản ánh: “Nhiều năm qua, xung quanh khu vực đình La Phù đều bị hàng quán án ngữ, rác xả bừa bãi, nước thải xả gây nên tình trạng mất vệ sinh môi trường. Trục đường chính của làng, chợ họp cả ngày gây ách tắc giao thông. Khoảng trống bên cạnh đình và trước cửa chùa được các tiểu thương làm nơi để xe máy… Những hình ảnh này tạo nên một khung cảnh nhếch nhác, phá vỡ không gian tôn nghiêm, thanh tịnh nơi thờ tự tâm linh tại di tích”.
Cũng theo ông Đích và người dân xã La Phù, tình trạng xâm hại di tích kéo dài nhiều năm qua, tiếp tục “khơi lại” bởi mới đây hộ gia đình ông Trịnh Đắc Trí xây nhà cao tầng sát với Tam Bảo - Chùa Trung Hưng. Khu đất của gia đình ông Trịnh Đắc Trí (đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) nằm trong khu vực khoanh vùng bảo vệ I của di tích. Đến nay, công trình đã xây 3 tầng, lợp mái tôn. Việc xây dựng này đã vi phạm quy định của Luật Di sản văn hóa, phá vỡ cảnh quan của Cụm di tích.
Về tình trạng xâm hại nêu trên, nhiều năm qua Ban Khánh tiết Cụm di tích La Phù liên tục có đơn gửi các cấp, đề nghị các cấp chính quyền có phương án ngăn chặn hành vi xâm hại đất đình, chùa; chuyển chợ; trả lại phần diện tích đất đang sử dụng để làm nhà văn hóa xã, trường mầm non; có biện pháp tôn tạo bảo vệ 3 cây đa hơn 500 tuổi…
Chính quyền “than khó”
Liên quan đến những vấn đề người dân kiến nghị, bà Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND xã La Phù cho biết: Khu vực I (vùng lõi) của Cụm di tích này gồm các thửa đất số từ 1130 đến 1133 được thể hiện trên bản đồ dải thửa (không có thông tin trích dẫn từ nguồn nào); khu vực II từ ranh giới khu vực I kéo dài ra mỗi phía 30m.
Đối với các công trình hiện đang tồn tại trong vùng lõi bảo vệ di tích như hiện nay, bà Bình cho biết, trường học, nhà văn hóa, chợ… đang đặt trên đất của Cụm di tích là do lịch sử để lại (từ những năm 50-60 của thế kỷ trước). Còn các hộ dân ở sát liền với khuôn viên chùa đã sinh sống ổn định từ nhiều đời nay, khiến việc giải quyết gặp nhiều khó khăn.
Theo bà Bình, khu đất của hộ gia đình ông Trịnh Đắc Trí và một số hộ dân khác cũng nằm trong vùng quản lý lõi của Cụm di tích. Những hộ dân này đã ở ổn định từ trước khi quy hoạch khoanh vùng bảo vệ di tích (thể hiện trên bản đồ từ năm 1936 và 1986). Sau khi có phản ánh, chính quyền xã đã yêu cầu hộ ông Trí tạm dừng việc thi công. Về phía ông Trí lại có kiến nghị về quyết định đình chỉ của xã... Vấn đề này UBND xã đã có báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội.
“Pháp luật phải đứng ra cứu di tích, di sản. Người thực thi pháp luật phải mạnh bạo và quyết liệt hơn nữa. Phải có ý thức và trí tuệ cao hơn nữa. Phải có sự hiểu biết lẫn nắm vững nền tảng pháp luật, tuyệt đối không được trốn tránh trách nhiệm...”.
GS. Trần Lâm Biền
“Còn chợ tạm được xác định hiện đang nằm trong vùng lõi bảo vệ của di tích. Nhiều năm về trước, chợ tạm đã có 2 lần di dời ra nơi khác nhưng sau đó các hộ lại quay về kinh doanh họp chợ tại đây. Hiện xã không tổ chức thu phí chợ, mà chỉ thu phí vệ sinh môi trường đối với mỗi hộ họp chợ. Xã cũng không có chủ trương xây ki-ốt quanh khu vực cụm di tích đình chùa La Phù. Trong danh mục các công trình dự án thực hiện trong quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030 của huyện Hoài Đức, khu chợ tạm tại cửa đình La Phù hiện nay sẽ được di dời ra khu Thửa - khu Gốc Dứa, xã La Phù”, bà Bình nói.
Cũng theo lãnh đạo UBND xã La Phù, hiện UBND TP Hà Nội đã chấp thuận về mặt chủ trương, nhưng để triển khai di dời các công trình đến vị trí mới rộng hơn; đáp ứng nhu cầu của người dân thì chính quyền cấp cơ sở vẫn đang phải chờ các cấp có thẩm quyền ra quyết định cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất, giải phóng mặt bằng, phân bổ vốn đầu tư công làm cơ sở để triển khai.
Cần sự vào cuộc của cơ quan pháp luật
Về những sai phạm tại Cụm di tích đình, chùa La Phù trước đó ngày 1/11/2021, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã có văn bản số 2758/SVHTT-QLDT chỉ đạo các đơn vị liên quan, UBND xã La Phù kiểm tra, xem xét giải quyết và trả lời công dân theo thẩm quyền, báo cáo UBND Thành phố những vấn đề vượt cấp; thông báo kết quả giải quyết về Sở Văn hóa và Thể thao trước ngày 10/11/2021.
Tiếp đó, ngày 3/12/2021, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội yêu cầu UBND huyện Hoài Đức chỉ đạo UBND xã La Phù đề xuất phương án, tháo gỡ tại Cụm di tích đình, chùa La Phù.
Mới đây, ngày 1/6/2022 Sở có văn bản số 1688/SVHTT-DTDT là do “Sở Văn hóa và Thể thao nhận được văn bản số 115/BC-UBND ngày 12/11/2021 của UBND xã La Phù báo cáo về việc “khó khăn, vướng mắc trong giải quyết công trình xây dựng của hộ gia đình ông Trịnh Đắc Trí liên quan đến di tích chùa Trung Hưng” (chùa La Phù); văn bản số 39/BC-UBND ngày 04/4/2022 của UBND xã La Phù về việc “báo cáo quá trình quản lý, sử dụng đất đai trong cụm di tích đình, chùa La Phù”…”. Điều này cho thấy, Sở Sở Văn hóa và Thể thao đã “làm việc theo tinh thần vượt cấp” khi ban hành văn bản vừa trả lời, vừa mang tính hướng dẫn UBND huyện Hoài Đức thực hiện để giải quyết vi phạm tại đình, chùa La Phù...
Theo GS. TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học, di sản thuộc về tài sản của xã hội, của nhân dân, phải bảo vệ đúng Luật Di sản Văn hóa. Qua các vụ việc liên tục xảy ra cho thấy sự phớt lờ luật... Sự thiếu hiểu biết về di sản cộng với sự thiếu trách nhiệm, làm theo phong trào đã dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng, khiến di tích càng ngày càng bị bóp méo, đánh mất những giá trị của nó. Cần có những chế tài, quy định chặt chẽ hơn về việc bảo tồn, trùng tu di tích, không để di tích rơi vào tình trạng "sự đã rồi" mới đổ lỗi trách nhiệm. Hiện đã có những văn bản pháp luật như Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Luật Di sản văn hóa năm 2001, sửa đổi, bổ sung 2009, Luật Di sản văn hóa 2013, Bộ Luật Hình sự năm 2015, Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa.
Dưới góc độ pháp lý, về vụ việc trên Luật sư Bùi Quang Thu, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: Trước những căn cứ vi phạm di tích cấp Quốc gia, cơ quan quản lý di tích đầu ngành là Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch, cần vào cuộc thanh tra kiểm tra làm rõ. Khi phát hiện thấy sai phạm, cần ra quyết định xử lý, trường hợp nếu thấy vi phạm pháp luật hình sự thì cần chuyền cho cơ quan bảo vệ pháp luật tại Hà Nội, tiến hành khởi tố vụ án và điều tra làm rõ sai phạm.
Bởi lẽ, căn cứ tại Điều 345 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội vi phạm các quy định về bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử - văn hóa, danh lam, thắng cảnh gây hậu quả nghiêm trọng như sau: “Người nào vi phạm các quy định về bảo vệ và sử dụng các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam, thắng cảnh, gây hư hại di tích lịch sử - văn hóa, danh lam, thắng cảnh có giá trị từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng; hủy hoại, làm thay đổi yếu tố gốc cấu thành di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh cấp tỉnh hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”.
Tại Điều 178 cũng quy định hình phạt cao nhất đến 20 năm tù cho tội hủy hoại những tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại; tài sản bảo vật quốc gia…
"Như vậy, Bộ luật Hình sự đã dự liệu những tội phạm xâm hại di tích và quy định tội danh, hình phạt chặt chẽ. Đến lúc cơ quan pháp luật phải khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các đối tượng xâm hại di tích để tăng tính răn đe, ngăn ngừa. Những người có trách nhiệm quản lý di tích ở các địa phương để xảy ra những vụ xâm hại di tích nghiêm trọng cần phải được xem xét xử lý nghiêm minh", Luật sư Bùi Quang Thu nhấn mạnh.