“Xanh hóa” nền kinh tế

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính, biến đổi khí hậu sẽ làm giảm 3,5% GDP của Việt Nam vào năm 2050. Trong bối cảnh đó, tài chính xanh đang là chủ trương được các tổ chức tài chính trong và ngoài nước ưu tiên để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế bền vững.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo ước tính, Việt Nam cần khoảng 30 tỷ USD để thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh đến năm 2030. Trong đó, nguồn Ngân sách Nhà nước ước tính chỉ đáp ứng tối đa 30% nguồn lực, do đó cần coi trọng tăng cường huy động nguồn tài chính từ các định chế tài chính, các quỹ và các nhà đầu tư tư nhân quốc tế. Thông điệp này được đưa ra trong hội nghị quốc tế "Tăng cường hợp tác với các quỹ đầu tư nhằm huy động tài chính xanh phục vụ tăng trưởng bền vững và cơ cấu lại DN Nhà nước" vừa được tổ chức tại Hà Nội.

Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính, biến đổi khí hậu sẽ làm giảm 3,5% GDP của Việt Nam vào năm 2050. Trong bối cảnh đó, tài chính xanh đang là chủ trương được các tổ chức tài chính trong và ngoài nước ưu tiên để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế bền vững.

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, giai đoạn 2017 - 2021, dư nợ cấp tín dụng xanh tăng trưởng bình quân đạt hơn 25%/năm. Đến 30/6/2022, dư nợ cấp tín dụng đối với các dự án xanh đạt hơn 474.000 tỷ đồng (chiếm 4,1% tổng dư nợ toàn nền kinh tế), tăng 7,08% so với năm 2021. Vốn chủ yếu tập trung vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (47%), nông nghiệp xanh (32%).

Ngoài nguồn vốn từ ngân hàng, thị trường tài chính xanh còn được thể hiện ở các hoạt động phát hành trái phiếu xanh. Thương vụ phát hành trái phiếu xanh đáng chú ý gần đây nhất mà DN Việt Nam thực hiện là việc EVNFinance đã phát hành 1.725 tỷ đồng trái phiếu xanh kỳ hạn 10 năm, với lãi suất 6,7%/năm vào tháng 7/2022.

Các hoạt động tài chính xanh mặc dù đã có những bước chuyển biến tích cực thời gian qua, nhưng theo các chuyên gia, một số mặt hạn chế vẫn còn tồn tại. Với hoạt động ngân hàng, các dự án xanh thường có thời gian hoàn vốn dài nên các ngân hàng cũng vẫn còn gặp khó khăn trong việc bố trí nguồn hỗ trợ vốn cho các dự án, bởi vốn ngân hàng chủ yếu là vốn ngắn hạn. Ngoài ra, nghiệp vụ đánh giá rủi ro riêng cho các dự án đầu tư xanh của các ngân hàng còn nhiều hạn chế.

Vì thế, giai đoạn 2021 - 2030, để thực hiện tăng trưởng xanh, ngoài ngân sách Nhà nước hay các chính sách ưu đãi về thuế, ODA, vốn hỗ trợ và vay ưu đãi, Việt Nam sẽ tập trung phát huy nguồn lực từ nguồn vốn vay thương mại và đầu tư tư nhân... Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050”, đặt ra mục tiêu chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế.

Các giải pháp được đưa ra là: Áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng dựa trên nền tảng KH&CN, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số; Phát triển kết cấu hạ tầng bền vững để nâng cao chất lượng tăng trưởng… Muốn làm được như vậy, tăng cường hợp tác với các Quỹ đầu tư nhằm huy động tài chính xanh phục vụ cơ cấu lại DN Nhà nước và tăng trưởng bền vững đang được nhiều chuyên gia đề xuất.

Bên cạnh dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, Việt Nam cần đẩy mạnh thu hút nguồn tài chính xanh và nguồn vốn từ các quỹ đầu tư nhằm phục vụ cơ cấu lại nền kinh tế, với trọng tâm là cơ cấu lại các DN Nhà nước, và tận dụng các động lực tăng trưởng mới về chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh.

Đọc tiếp

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần