Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xây dựng "3 chữ An" trong ngành giáo dục Hà Nội

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 19/10, Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức phát động thi đua xây dựng “Trường học hạnh phúc” năm học 2024 - 2025. Chương trình này góp phần tích cực trong việc thực hiện mục tiêu đưa Hà Nội trở thành Thành phố học tập do UNESCO công nhận.

Các đại biểu tại lễ phát động thi đua xây dựng “Trường học hạnh phúc” năm học 2024 - 2025.
Các đại biểu tại lễ phát động thi đua xây dựng “Trường học hạnh phúc” năm học 2024 - 2025.

Với mục đích xây dựng môi trường giáo dục Thủ đô an toàn, lành mạnh, thân thiện, hạnh phúc; khuyến khích sự sáng tạo và đổi mới; nâng cao chất lượng dạy học, Sở GD&ĐT đã xây dựng và ban hành Bộ tiêu chí Trường học hạnh phúc cho các trường mầm non, phổ thông trên địa bàn.

Trường học hạnh phúc là nơi mỗi học sinh được tôn trọng, lắng nghe và cảm nhận sự yêu thương từ thầy cô, bạn bè. Để xây dựng trường học hạnh phúc, cần tạo ra môi trường an toàn, thân thiện và tích cực. Điều này bao gồm việc giảm thiểu áp lực học tập, khuyến khích sự sáng tạo và khám phá, cũng như phát triển kỹ năng xã hội cho học sinh.

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương phát biểu tại lễ phát động.
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương phát biểu tại lễ phát động.

Tại Trường học hạnh phúc, thầy cô giáo là những người dẫn dắt, người truyền cảm hứng cho học sinh. Các thầy cô cần thiết kế những giờ học thú vị, để học sinh được tiếp thu kiến thức, kỹ năng, được bày tỏ suy nghĩ và cảm xúc của mình.

Đối với học sinh, mỗi ngày đến trường không chỉ là một bậc thang trong hành trình học tập, mà còn là cơ hội để khám phá bản thân và xây dựng những kỷ niệm đẹp với thầy cô, bạn bè. 

Khảo sát của Sở GD&ĐT Hà Nội cho thấy, các nhà trường hiện nay rất tích cực hưởng ứng xây dựng Trường học hạnh phúc với nhiều mô hình sáng tạo, nhiều giải pháp hay; xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp, an toàn; đổi mới phương pháp dạy học; bồi dưỡng phát triển kỹ năng, nghiệp vụ cho giáo viên, nhân viên; tạo nhiều sân chơi đổi mới, sáng tạo cho học sinh…

“Mong rằng, bên cạnh các tiêu chí về môi trường xanh, sạch, đẹp, an toàn, các cơ sở giáo dục sẽ tổ chức tốt việc thực hiện quy chế dân chủ, lan tỏa sự yêu thương, chia sẻ, tôn trọng, để mỗi ngày đến trường là một ngày vui, thầy cô và học sinh hạnh phúc. Hãy cùng nhau phấn đấu để xây dựng lớp học hạnh phúc, trường học hạnh phúc; cùng góp phần xây dựng thành công Thành phố học tập toàn cầu được Unesco công nhận", Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương nhắn nhủ. 

Học sinh thỏa sức sáng tạo trong khuôn khổ lễ phát động.
Học sinh thỏa sức sáng tạo trong khuôn khổ lễ phát động.

Chia sẻ tại buổi lễ, bà Miki Nozawa, Trưởng ban Giáo dục của UNESCO Việt Nam nhấn mạnh: Phong trào Trường học hạnh phúc do Sở GD&ĐT Hà Nội phát động phù hợp với khuôn khổ toàn cầu của UNESCO về Trường học hạnh; thúc đẩy giáo dục toàn diện, công bằng và chất lượng cho tất cả mọi người, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc về Giáo dục.

Đại diện 30 phòng GD&ĐT và các nhà trường tham dự lễ phát động hứa sẽ quyết tâm xây dựng môi trường học tập toàn diện, để ở đó học trò được an toàn, thầy cô được an lòng và phụ huynh được an tâm; đồng thời và lan toả "3 chữ An" trong toàn xã hội.

Được biết, cùng với các nhà trường, trong năm học này, Sở GD&ĐT sẽ tổ chức nhiều hoạt động, phong trào thi đua để đẩy mạnh hơn nữa xây dựng trường học hạnh phúc. Sau Lễ phát động, các quận huyện, thị xã, trường học cũng phát động và triển khai sâu rộng phong trào thi đua xây dựng trường học hạnh phúc.

 

Phong trào Trường học hạnh phúc ​​bắt đầu như một sáng kiến ​​khu vực tại Châu Á năm 2014. Khung Trường học hạnh phúc khu vực sau đó phát triển thành khung toàn cầu.

Khung Trường học hạnh phúc cung cấp bốn trụ cột: con người, quá trình dạy và học, nơi chốn (môi trường học tập) và các nguyên tắc bao trùm, cùng 12 tiêu chí có thể điều chỉnh theo bối cảnh quốc gia và địa phương. Khung này được xây dựng dựa trên cơ sở bằng chứng ngày càng tăng về sự liên kết giữa hạnh phúc với việc học tập, giảng dạy, sự khỏe khoắn về thể chất và tinh thần cũng như khả năng thích ứng tốt hơn của toàn bộ hệ thống giáo dục.