Xây dựng bãi, điểm đỗ xe công cộng: quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp - Ảnh 1

Vào tháng 11/2023, tại buổi giám sát của Thường trực HĐND TP Hà Nội về việc thực hiện các quy định của pháp luật trong lĩnh vực giao thông đô thị tại Sở GTVT Hà Nội, lãnh đạo Sở này cho biết, theo quy hoạch, thành phố có 1.620 bãi đỗ xe công cộng (gồm 73 bãi xe ngầm), nhưng hiện tại mới triển khai đầu tư 96 dự án, trong đó 18 dự án đã hoàn thành xây dựng. Để hiểu rõ hơn về tồn tại nêu trên, cần nhìn nhận từ bước đi đầu là công tác quy hoạch, tổ chức thực hiện quy hoạch. Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm về vấn đề này.

Xây dựng bãi, điểm đỗ xe công cộng: quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp - Ảnh 2

Trong Luật Giao thông đường bộ đã nêu đồng bộ các yêu cầu về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và có riêng 1 điều về bến, bãi đỗ xe. Trong Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng xác định các loại quy hoạch (quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết…) đều có nội dung về giao thông, trong đó có bến, bãi đỗ xe. Vậy với Hà Nội công tác quy hoạch đã giải quyết những nội dung trên như thế nào, thưa ông?

-  Ngay sau Quy hoạch chung Thủ đô năm 1992, TP đã quan tâm và tổ chức nghiên cứu và đến năm 1996 đã phê duyệt Quy hoạch các điểm đỗ xe công cộng với định hướng xây dựng mới, cải tạo điểm đã có và phương án sử dụng tạm hè, phố. Đến năm 1998, điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2020 đã xác định chỉ tiêu đất giao thông là 25m2/người; đất xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông bao gồm cả giao thông động và giao thông tĩnh phải đạt bình quân 25% đất đô thị, trong đó nhấn mạnh bố trí đồng đều hệ thống các bãi đỗ xe…

Xây dựng bãi, điểm đỗ xe công cộng: quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp - Ảnh 3

Trên cơ sở từ quy hoạch chung nêu trên, Hà Nội đã triển khai phủ kín quy hoạch chi tiết toàn TP và thiết kế đô thị một số khu đặc thù. Trong các quy hoạch chi tiết đã xác định cụ thể quy mô, vị trí các bến bãi đỗ xe. Cụ thể như, trong quy hoạch chi tiết quận Đống Đa đã xác định 11 vị trí bãi đỗ xe công cộng với tổng diện tích gần 55.000m2; quận Hoàn Kiếm có 2,3ha; quận Hai Bà Trưng 12,7ha; quận Tây Hồ có 7,3ha… dành cho bãi đỗ xe. Trong quy hoạch chi tiết các khu đô thị mới, đồ án thiết kế các công trình công cộng đều xác định diện tích dành cho đỗ xe phục vụ nội bộ. Điểm nổi bật trong giai đoạn này là đã đề xuất bãi đỗ xe ngầm (tại các vị trí như Quảng trường Ngân hàng Nhà nước, vườn hoa Hàng Đậu…) và kết hợp với công viên như công viên Thống Nhất dành 1,2ha, công viên Tuổi trẻ dành 1,2ha…

Xây dựng bãi, điểm đỗ xe công cộng: quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp - Ảnh 4

Sau mở rộng địa giới năm 2008, Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2030 được phê duyệt năm 2011, trong đó đã định hướng cụ thể hệ thống giao thông, riêng về giao thông tĩnh đã định hướng tăng cường hệ thống bãi đỗ xe ngầm tại các công viên, vườn hoa và dưới các tổ hợp công trình quy mô lớn. Đặc biệt, quy hoạch đã lưu ý về việc bố trí bãi đỗ xe tập trung kết hợp chức năng khác khi chuyển đổi các cơ sở công nghiệp, trụ sở cơ quan.

Xây dựng bãi, điểm đỗ xe công cộng: quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp - Ảnh 5

Để cụ thể hóa các định hướng này, năm 2016 Thủ tướng Chính phủ đã phê quyệt Quy hoạch Giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến 2030, trong đó đã xác định cụ thể hạ tầng bến, bãi đỗ xe, các đô thị vệ tinh và trong nội đô phải dành 1706ha đất để xây dựng các điểm trong giữ xe công cộng, dành quỹ đất hợp lý trong các khu đô thị mới để bố trí bãi đỗ xe (ngầm hoặc nhiều tầng). Giai đoạn lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết đã xác định vị trí quy mô cụ thể từng địa phương. Từ các định hướng trên, đầu năm 2022 TP đã có điều chỉnh cục bộ và quy hoạch, kế hoạch xây dựng các bến bãi đỗ xe. Để cụ thể Luật Thủ đô 2013, HĐND TP cũng đã ban hành Nghị quyết 03/2013/NQ-HĐND về phát triển vận tải hành khách công cộng, khuyến khích đầu tư xây dựng, khai thác bến xe, bãi đỗ xe ô tô và các phương tiện cơ giới khác.

Qua khái quát nêu trên có thể khẳng định, việc xây dựng bến bãi đỗ xe là vấn đề được TP quan tâm trong quy hoạch không chỉ là định hướng mà còn cụ thể hóa cả về vị trí, quy mô và chính sách đặc thù. Song đến nay kết quả thực hiện chưa cao, tổ chức thực hiện chưa hiệu quả và chưa tạo được sự hấp dẫn với doanh nghiệp.

Xây dựng bãi, điểm đỗ xe công cộng: quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp - Ảnh 6

 Như ông nói, tiến độ xây dựng các bãi đỗ xe công cộng theo quy hoạch còn quá chậm. Vậy theo ông nguyên nhân là do đâu? Bài học kinh nghiệm cần rút ra là gì để tạo đột phá cho giai đoạn tới?

- Để tìm nguyên nhân tạo nên áp lực về giao thông trong đó có giao thông tĩnh như hiện nay cần nhìn nhận tổng thể. Trước hết là từ thực trạng hệ thống giao thông do lịch sử để lại cùng với việc gia tăng nhanh về dân số và phương tiện. Từ nghiên cứu thực trạng Hà Nội và bài học kinh nghiệm từ nước ngoài cho thấy để bảo đảm hệ thống giao thông thông suốt cần có 20 - 25% diện tích đất tự nhiên dành cho giao thông, trong đó cần 3 - 4% dành cho giao thông tĩnh. Song hiện nay Hà Nội chỉ đạt khoảng 12% diện tích cho mạng đường giao thông, giao thông tĩnh chỉ đạt hơn 0,3% diện tích (chỉ đáp ứng 10% yêu cầu).

Xây dựng bãi, điểm đỗ xe công cộng: quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp - Ảnh 7

Tiếp đến là tốc độ phát triển đầu tư xây dựng mạng đường giao thông không tương ứng với tốc độ phát triển phương tiện (bình quân gần 12%/năm). Cùng đó, cấu trúc phương tiên giao thông chưa hợp lý, thông thường với đô thị trên 1 triệu dân phải đảm bảo 50% là vận tải công cộng (đường sắt đô thị, xe buýt, xe buýt nhanh, monorail…) nhưng thực trạng Hà Nội hiện chỉ đạt hơn 20%. Từ nguyên nhân này cho thấy cần tạo đổi mới về cơ cấu giao thông, tăng nhanh phương tiện giao thông công cộng để góp phần giảm phương tiện cá nhân là yếu tố tác động đến giao thông tĩnh.

Có ý kiến cho rằng, nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng chậm trễ xây dựng điểm, bãi đỗ  là do các quy hoạch mới chỉ mang tính định hướng mà chưa có quy hoạch chi tiết, chưa xác định cụ thể vị trí điểm đỗ xe, bãi đỗ xe, một số vị trí thậm chí chưa được cập nhật trong quy hoạch 1/2.000 của quận, huyện. Ông nhận định như thế nào về ý kiến này?

- Có thể khẳng định rằng ý kiến trên là chưa có cách nhìn nhận, tiếp cận tổng thể nên thiếu chính xác. Căn cứ cơ sở pháp lý hiện hành thì hệ thống quy hoạch đô thị bao gồm: quy hoạch chung, quy hoạch phân khu được lập cho khu vực thị xã, khu đô thị mới và quy hoạch chi tiết được lập cho khu vực theo yêu cầu phát triển, yêu cầu quản lý, cho dự án đầu tư…

Xây dựng bãi, điểm đỗ xe công cộng: quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp - Ảnh 8

Từ nhìn nhận đồng bộ hệ thống quy hoạch của Hà Nội như trên có thể khẳng định quy hoạch mạng lưới các bến bãi, điểm đỗ xe là nội dung luôn được xác định trong quy hoạch và cụ thể hơn trong kế hoạch, quy hoạch chuyên ngành về giao thông. Sau Quy hoạch chung được duyệt năm 2011, TP đã quyết liệt, linh hoạt trong lập hệ thống quy hoạch để cụ thể hóa. Sơ bộ cho thấy Hà Nội đã có gần 1.200 đồ án quy hoạch, cụ thể: có 55 đồ án quy hoạch chung, các đô thị vệ tinh, thị trấn, phủ kín toàn bộ TP. Riêng quy hoạch chuyên ngành đã có 12 đồ án tập trung vào hạ tầng kỹ thuật như nghĩa trang, chất thải rắn, bến bãi đỗ xe. Đã hoàn chỉnh 35 đồ án quy hoạch phân khu, phủ kín 100% đô thị trung tâm; gần 400 đồ án quy hoạch chi tiết để làm căn cứ triển khai dự án đầu tư…

Như vậy có thể khẳng định, hệ thống quy hoạch đã thực sự là căn cứ pháp lý cho triển khai các dự án bến, bãi đỗ xe. Còn những tồn tại, chậm trễ hiện nay là do tổ chức thực hiện quy hoạch và thanh tra, giám sát thực hiện cũng như chính sách đặc thù để thu hút đầu tư.

Xây dựng bãi, điểm đỗ xe công cộng: quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp - Ảnh 9

Để đẩy nhanh đầu tư xây dựng các điểm, bến bãi đỗ xe công cộng, theo ông TP cần chú trọng đến những vấn đề gì? Nhất là trong lĩnh vực quy hoạch?

- Trước hết cần sớm thực hiện rà soát lại các định hướng về giao thông tĩnh trong cả hệ thống quy hoạch, đối chiếu với thực tiễn đã làm và các đề xuất trong Quy hoạch Thủ đô, điều chỉnh Quy hoạch chung để lập đề án riêng về phát triển hạ tầng giao thông và giao thông tĩnh. Theo quy hoạch, đến năm 2030 TP cần hơn 1.600 bãi đỗ xe nhưng đến 2023 mới có hơn 120 bãi (đạt gần 8%), đây thực sự là thách thức cần nhiều đổi mới trong triển khai.

Xây dựng bãi, điểm đỗ xe công cộng: quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp - Ảnh 10

Thứ hai là rà soát lại cơ chế chính sách, xây dựng cơ chế chính sách đặc thù, cụ thể hơn theo Luật Thủ đô sửa đổi và kế thừa có chọn lọc Nghị quyết 03/2013/NQ-HĐND để xây dựng Nghị quyết điều chỉnh. Cùng với đó tiếp thu các đổi mới trong một số luật gần đây như khai thác không gian ngầm, chính sách ưu đãi về nguồn vốn để thu hút doanh nghiệp.

Một vấn đề quan trọng nữa là phát triển mạnh giao thông công cộng, tuyên truyền để người dân hưởng ứng. Nội dung này đang được TP Hà Nội quan tâm cần thực hiện quyết liệt như đường sắt đô thị, mô hình TOD, mạng lưới BRT, giao thông thủy… Cụ thể hóa nội dung đã được đề cập trong đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, Quy hoạch Thủ đô đến năm 2030 sau khi được phê duyệt.

Xây dựng bãi, điểm đỗ xe công cộng: quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp - Ảnh 11

Trong quá trình tổ chức triển khai các vấn đề trên cần song hành xây dựng quy chế quản lý các phương tiện giao thông cá nhân có tính thực tiễn, lấy người dân làm trọng tâm, gắn với phát triển kinh tế, văn hóa. Nội dung này đã được đề cập thời gian qua song cần nâng cao chất lượng và tính thực tiễn với sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, cũng như các tổ chức xã hội nghề nghiệp.

Xây dựng đồng bộ các yêu cầu trên chắc chắn sẽ đạt được đột phá về phát triển giao thông tĩnh.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Xây dựng bãi, điểm đỗ xe công cộng: quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp - Ảnh 12
Xây dựng bãi, điểm đỗ xe công cộng: quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp - Ảnh 13

10:38 04/05/2024