Xây dựng cơ chế điều phối vùng trong thời gian tới là quan trọng và cần thiết để phát huy tốt nhất tiềm năng, vị thế của cả vùng và từng địa phương trong vùng, TS Cấn Văn Lực bày tỏ quan điểm.
Ông đánh giá thế nào về tiềm năng và hạn chế của vùng ĐBSH?
- Mặc dù đạt nhiều thành tựu nhưng vùng ĐBSH còn rất nhiều bất cập, hạn chế đối với sự phát triển của mỗi địa phương và cả vùng. Hệ thống giao thông có sự phát triển mạnh nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, còn tồn tại những điểm nghẽn, thách thức lớn như tính liên kết vùng còn hạn chế, kết nối hạn chế giữa các tuyến hành lang kinh tế, vùng động lực và các cực tăng trưởng của vùng, hoạt động kết nối đa phương thức vận tải chưa hiệu quả, nguy cơ ùn tắc giao thông tại các cửa ngõ thủ đô, phát triển giao thông công cộng tại đô thị chưa có đột phá.
Vẫn còn tình trạng bất cập về quy hoạch không gian phát triển, chưa mang tính liên kết chặt chẽ; thiếu kết nối, chưa bền vững. Quản lý đất đai, tài nguyên chưa đáp ứng yêu cầu; ô nhiễm môi trường còn diễn ra ở nhiều nơi.
Kinh tế vùng ĐBSH tăng trưởng khá cao trong những năm qua, nhưng chưa dựa vào tiến bộ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Trong vùng mới có TP Hà Nội, các tỉnh Quảng Ninh, Ninh Bình tập trung phát triển du lịch bài bản, đóng góp đáng kể cho ngân sách, còn lại các địa phương khác vẫn còn khá hạn chế. Trong lĩnh vực công nghiệp, hiện vẫn có tình trạng mạnh tỉnh nào, tỉnh đó làm, thậm chí, TP Hà Nội còn đang phải cạnh tranh với các tỉnh Hà Nam, Bắc Ninh... trong thu hút các dự án vào các khu, cụm công nghiệp do sự chênh lệnh về giá đất, diện tích mặt bằng sản xuất...
Chương trình hành động của Chính phủ đã cụ thể hóa Nghị quyết 30-NQ/TW của Bộ Chính trị, đề ra các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển vùng ĐBSH. Ông kỳ vọng gì ở điều này?
- Đây là cơ hội đột phá cho vùng ĐBSH phát huy tiềm năng, lợi thế dẫn dắt nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của đất nước. Việc cấp bách cần làm hiện nay là phải cụ thể hóa Nghị quyết bằng các cơ chế, chính sách, kế hoạch, đề án, dự án và nguồn lực cụ thể, có tính khả thi cao. Những nhiệm vụ trọng tâm cần giải quyết trên cơ sở thế mạnh về địa chính trị, địa kinh tế, điều kiện tự nhiên, các giá trị văn hóa, lịch sử để huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhất là đất đai, nhân lực chất lượng cao, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, cải cách thủ tục hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế…
Một trong những yếu tố then chốt phải coi liên kết phát triển vùng là xu thế tất yếu, là động lực kết nối và dẫn dắt sự phát triển. Làm rõ liên kết trong từng lĩnh vực như giao thông vận tải, giáo dục, du lịch… Cuối cùng, muốn liên kết vùng thành công, cần thiết thí điểm lập ban chỉ đạo điều phối vùng để khắc phục tình trạng tỉnh này không nói được tỉnh kia.
TP Hà Nội đã ban hành Chương trình hành động số 23 ngày 3/2/2023 về triển khai Nghị quyết số 30 ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị. Trong đó mục tiêu GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2025 từ 7,5 đến 8%, cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước; giai đoạn 2026 - 2030 tăng từ 8 đến 8,5%/năm; GRDP bình quân đạt 12.000 -13.000USD/người/năm… Ông nhận xét sao về các chỉ tiêu trên?
- Với vai trò là đầu tàu, là hạt nhân có tính chất lan tỏa của vùng nói riêng và khu vực Bắc Bộ nói chung trên hầu hết các lĩnh vực, Thủ đô Hà Nội xác định trọng trách của mình đối với phát triển vùng và cả nước, đặc biệt chú ý đến tính kết nối không gian, liên kết phát triển. Không chỉ trong nước, Hà Nội phấn đấu phát triển kinh tế có sức cạnh tranh cao trong khu vực và thế giới.
Tôi đánh giá cao việc TP Hà Nội triển khai các dự án về phát triển giao thông kết nối nội vùng và liên vùng theo quy hoạch; triển khai các đề án phát triển các trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo; phối hợp thực hiện hiệu quả hơn nữa trong công tác bảo vệ môi trường, cải thiện chất lượng không khí, các biện pháp giảm thiểu tác hại và thích ứng với biến đổi khí hậu...; đồng thời tạo đột phá về thể chế, chính sách phát triển Thủ đô, tạo động lực phát triển của vùng.
Tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ, TP Hà Nội và các địa phương đã trao chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án lên gần 10.000 tỷ đồng. Con số này cho thấy sức hút, cơ hội đầu tư kinh doanh của Hà Nội và các tỉnh, TP trong vùng ĐBSH.
Xin cảm ơn ông!