70 năm giải phóng Thủ đô

Xây dựng niềm tin

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo kế hoạch, giai đoạn 2021 - 2030 Việt Nam thu hút FDI hướng đến các dự án công nghệ cao, quản trị hiện đại, giá trị gia tăng cao và có tác động lan tỏa tích cực, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Theo chia sẻ của ông Cho Ji Tae - Phó chủ tịch Tập đoàn LG Innotek tại buổi trao giấy chứng nhận mở rộng đầu tư mới đây, những nỗ lực của Việt Nam nói chung và địa phương nói riêng trong cải cách môi trường kinh doanh chính là một trong những lý do hàng đầu giữ chân nhà đầu tư.

“Với xu thế hiện nay, dòng vốn đầu tư toàn cầu đang tập trung vào các lĩnh vực như công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển (R&D); kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn; năng lượng sạch… Đây cũng chính là những lĩnh vực mà Việt Nam đặt trọng tâm ưu tiên thu hút FDI và dành nhiều ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, qua đó sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác và phát triển cho các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư tại Việt Nam trong thời gian tới” - ông Cho Ji Tae nhấn mạnh.

Dù ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam trong cải thiện môi trường đầu tư để dòng vốn đầu tư dễ dàng chảy vào Việt Nam, song các nhà đầu tư nước ngoài cũng chỉ ra những điểm bất hợp lý của môi trường đầu tư Việt Nam trong thời gian qua.

Phó Chủ tịch Công ty đầu tư CME Solar Bùi Trung Kiên cho biết, để đón nhận dòng vốn mới chất lượng cao trong lĩnh vực năng lượng mặt trời áp mái, Việt Nam cần tăng cường đầu tư vào nghiên cứu và phát triển để đa dạng hóa các dự án và nâng cao chất lượng các dự án đã có.

Một trong những giải pháp đó là tăng cường hợp tác giữa các DN và các tổ chức nghiên cứu, giúp đưa ra các giải pháp mới để cải thiện hiệu suất và giảm chi phí đầu tư. Ngoài ra, Chính phủ cũng cần thúc đẩy các quy định pháp lý để bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư, đồng thời giảm thiểu rủi ro trong quá trình đầu tư.

Ông Nitin Kapoor - đồng Chủ tịch Liên minh Diễn đàn DN Việt Nam (VBF), Chủ tịch AstraZeneca Việt Nam mong muốn Chính phủ Việt Nam cần đẩy nhanh việc rà soát chính sách visa; đơn giản hóa quy định để thu hút lao động chất lượng cao, nhân tài từ khắp nơi trên thế giới "cập bến".

"Việt Nam phải loại bỏ các loại phí không chính thức và các DN cần xử lý thủ tục hành chính thông suốt và minh bạch" - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam Torben Minko đề nghị.

Trong khảo sát gần đây nhất của Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (Eurocham), khi được hỏi Việt Nam nên làm thế nào để cải thiện việc thu hút đầu tư đã có đến 70% thành viên trả lời là cần cải thiện thủ tục hành chính, 53% muốn nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, 47% đề xuất đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh, giấy phép lao động cho người nước ngoài.

Theo Eurocharm, để hấp dẫn nhà đầu tư, Việt Nam cần xây dựng các chính sách ưu đãi phù hợp, cạnh tranh để thu hút đầu tư, đặc biệt là trước quy định thuế tối thiểu toàn cầu sắp được áp dụng. Ngoài ra, việc hài hòa hóa thủ tục hành chính và chính sách thuế là rất quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng thương mại trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Trong khuôn khổ chuyến công tác, và làm việc tại Mỹ từ ngày 13 - 17/7, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng tại các cuộc tiếp xúc, tọa đàm với DN , tổ chức, tập đoàn lớn đã cho biết:

Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ thu hút được các dự án của nhà đầu tư chất lượng cao hơn, có giá trị gia tăng cao, liên kết và nâng cao năng lực của các DN Việt Nam để cùng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Bộ KH&ĐT cùng các bộ, ngành Việt Nam sẽ đồng hành, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các DN và tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ để cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư giúp các DN hoạt động kinh doanh, sản xuất có hiệu quả và thành công tại Việt Nam.