>>> [Phát triển nguồn nhân lực về công nghiệp văn hóa] Bài 1: Nhân lực dồi dào nhưng chưa đồng đều
Trọng tâm trong việc xây dựng thành phố sáng tạo năm 2022 của TP Hà Nội: Thiết kế và công nghệ. Trong đó, yếu tố công nghệ được ứng dụng, kết hợp sáng tạo với giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên những không gian văn hóa đa sắc, vừa mang tính hiện đại, vừa có những nét đặc trưng của TP Hà Nội. Thông qua việc trải nghiệm các không gian đó, công chúng nhìn nhận văn hóa với góc nhìn đa chiều hơn, gợi mở nhiều ý tưởng có thể vốn hóa sức mạnh mềm thành nguồn lực kinh tế, góp phần phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô.
“Chắp cánh” cho thành phố sáng tạo
Lễ hội Thiết kế sáng tạo năm 2022 đã khép lại sau 2 tuần diễn ra sôi nổi. Điểm nhấn của lễ hội năm nay không chỉ ở quy mô tổ chức, sự tham gia của đông đảo chuyên gia mà còn tạo ra ấn tượng với công chúng bởi những không gian, chương trình ứng dụng công nghệ hiện đại.
Như ở Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật 22 Hàng Buồm, công chúng đến đây không chỉ có những người quan tâm về văn hóa mà còn có cả những em nhỏ 4 - 6 tuổi tương tác với không gian sắp đặt game 3D “AirSkylen” của họa sĩ Lâm Ngọc Quang. Khách tham quan có cơ hội trải nghiệm không gian game với ý tưởng lèo lái những máy bay trong không gian mô phỏng của Thủ đô Hà Nội.
Cùng với đó, không gian sắp đặt cũng trưng bày những đồ vật kỷ niệm nhắc nhớ đến bầu trời, ký ức, hàng không và cả những ước mơ. Họa sĩ Lâm Ngọc Quang chia sẻ: “Tôi kết hợp công nghệ với sáng tạo để làm một chiếc bản đồ to với chi tiết đòi hỏi nhiều công nghệ. Kết hợp hàng không và đô thị, mình sẽ thấy một Hà Nội phát triển nhưng thiếu mảng xanh của cây cối. Nghệ thuật cần cho người ta tỉnh hơn”.
Ngoài ra, một trong những ứng dụng công nghệ tại Lễ hội Thiết kế sáng tạo năm nay được công chúng hưởng ứng là chương trình trải nghiệm di sản bằng thực tế ảo: “Đưa di sản tới đương đại”. Người sử dụng công nghệ được chơi các trò chơi dựa trên nền tảng văn hóa như: “Hứng dừa”, “Cung thủ Long thành”; hay trở thành chiến binh tương lai chiến đấu trong không gian thời Lý; du lịch thực tế ảo ngắm nhìn Thăng Long xưa, tham quan chùa Một Cột; trải nghiệm các tác phẩm tranh Hàng Trống, đồ trang sức vàng bạc, vật phẩm thiết kế sáng tạo theo phong cách thời Lý.
Nhà sáng lập ra Hội quán di sản Trần Thanh Tùng cho biết: “Việc kết hợp giữa di sản văn hóa với công nghệ là do hiện nay công nghệ vừa là một xu hướng, vừa là cầu nối cho những người tìm hiểu, người làm văn hóa có cơ hội có thể giả lập trên cái thực tế ảo nhằm rút ngắn thời gian cho những người làm nghề hướng tới công chúng để họ hiểu hơn, có cách nhìn đa dạng hơn về văn hóa. Và thông qua những khoa học công nghệ đó sẽ góp phần nhìn nhận về văn hóa di sản có yếu tố thời đại, phản ánh rõ góc nhìn của nhiều đối tượng vì văn hóa nói chung cũng giống như lịch sử nói riêng thì nó chỉ đúng một phần và phần còn lại do nhận thức xã hội của từng người tạo nên".
Tôn vinh bản sắc văn hóa nhờ công nghệ
Những năm gần đây, ứng dụng công nghệ vào các hoạt động văn hóa, nghệ thuật tại Hà Nội ngày càng phổ biến. Hiện nay, nhiều địa phương và các điểm đến du lịch, di tích lịch sử tại Hà Nội đã bắt đầu thực hiện công tác bảo tồn di sản dựa trên nền tảng công nghệ số như: Huyện Đan Phượng, huyện Gia Lâm, Làng cổ Bát Tràng, Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội. Trong đó nổi bật hơn cả phải kể đến Hoàng thành Thăng Long. Trung tâm này đã sử dụng công nghệ một cách sáng tạo, nâng tầm công nghệ lên mức nghệ thuật, khẳng định bản sắc riêng của Thủ đô.
Tiêu biểu gần đây, với công nghệ 3D mapping, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với Viện Nghiên cứu Kinh thành đã tái tạo những hoa văn, họa tiết bị mất để khách tham quan nhận diện rõ hơn vẻ đẹp, tính sang quý của đồ gốm của Hoàng cung Thăng Long xưa.
Thông qua việc nhìn được trọn vẹn những hiện vật tiêu biểu, đặc sắc tại trưng bày cho thấy chặng đường nỗ lực không ngừng của các nhà khoa học để từng bước nghiên cứu, đánh giá, tìm hiểu giá trị di sản và bảo tồn lâu dài cho thế hệ mai sau; đồng thời cũng là dịp để công chúng thấy được vẻ đẹp và giá trị đặc biệt của những báu vật hoàng cung - những bằng chứng sinh động phản ánh lịch sử huy hoàng của Kinh đô Thăng Long hơn một ngàn năm về trước.
Cũng nhờ có ứng dụng công nghệ sáng tạo, Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đang dần hiện thực hóa mong muốn đưa không gian Văn Miếu - Quốc Tử Giám trở thành không gian văn hóa hoạt động cả ngày và đêm. Cụ thể, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã cho chạy thử trình diễn công nghệ 3D Mapping trên mái nhà Thái Học. Dù nội dung hoàn chỉnh, nhưng hình ảnh về thầy Chu Văn An, về bia Văn Miếu, về không gian của Văn Miếu - Quốc Tử Giám cách đây vài trăm năm đã được tái hiện, gợi lại những hình ảnh tiêu biểu của đạo học Việt Nam, gây ấn tượng mạnh với người xem.
Bên cạnh việc các di tích, danh thắng, cơ sở văn hóa ở Hà Nội chủ động sáng tạo trong việc ứng dụng công nghệ, thời gian qua, TP Hà Nội đã có nhiều sáng kiến để gắn kết, cung cấp nền tảng vững chắc cho tri thức sáng tạo phát triển, trong đó tập trung vào các chiến lược cốt lõi gồm: Kiến tạo Trung tâm thiết kế sáng tạo; xây dựng và củng cố các không gian sáng tạo; dự án chuỗi truyền hình tài năng sáng tạo.
Ở đó, Trung tâm thiết kế sáng tạo chính là nơi ươm mầm tài năng trong các lĩnh vực liên quan đến thiết kế sáng tạo, củng cố mạng lưới thiết kế sáng tạo tại Hà Nội, hỗ trợ các dự án sáng tạo tiềm năng và thúc đẩy hợp tác quốc tế.
Mặt khác, việc xây dựng và củng cố các không gian sáng tạo đã đánh thức tiềm năng, lợi thế, hình thành nên mạng lưới không gian sáng tạo phong phú và hấp dẫn. Đơn cử, khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm sẽ được điều chỉnh phù hợp để kết nối không gian đi bộ với các địa danh văn hóa gần đó như: Phố bích họa Phùng Hưng, khu phố cổ - phố cũ, phố ẩm thực, các di tích văn hóa - lịch sử..., đồng thời tích hợp thiết kế sáng tạo, thủ công và nghệ thuật, đưa không gian này trở thành điểm đến của nghệ thuật sắp đặt, biểu diễn, tổ chức các hoạt động sáng tạo chất lượng.
Có thể thấy, trong những năm qua, với thế mạnh là một trung tâm văn hóa lớn, nơi hội tụ tinh hoa của cả nước, Hà Nội là nơi đi đầu trong tiếp nhận và phổ biến tri thức, công nghệ mới. Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 giúp, sáng tạo trong công nghệ góp phần giúp Hà Nội khẳng định vị thế, thương hiệu của mình với thế giới và đạt được mục tiêu phát triển bền vững; đồng thời, tạo ra “bệ đỡ” vững chắc để vươn tầm trở thành “Kinh đô sáng tạo” của Đông Nam Á.
Hà Nội, với di sản văn hóa nổi bật và số lượng lớn những người sáng tạo đang sở hữu những tiềm năng to lớn để sáng tạo làm chất xúc tác cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Lễ hội đặc biệt trong tháng 11 này (Lễ hội Thiết kế sáng tạo năm 2022), với các cuộc triển lãm, hội thảo, talk show và biểu diễn nghệ thuật trên toàn TP, là cơ hội tuyệt vời để chúng ta đến với nhau và tôn vinh thành quả của sự sáng tạo. Các nhân tài Việt Nam đang cho chúng ta thấy một lần nữa tinh thần đổi mới của họ, đóng góp cho việc dựng xây TP, vì lợi ích của mỗi công dân nơi đây như thế nào.
Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội Christan Manhart
Hà Nội hội tụ nhiều trường văn hóa - nghệ thuật, trong đó có Đại học Mỹ thuật Việt Nam có gần 100 năm truyền thống, hay các ngành nghệ thuật mới của Đại học FPT, RMIT đã có những thương hiệu, dấu ấn riêng của mình, cùng những tên tuổi của các nghệ sĩ với những bộ phim, bài hát, dòng tranh riêng cho Hà Nội. Những không gian sáng tạo được thử nghiệm với Manzi, Nhà sàn Collective, Complex 01… hay một số chương trình nghệ thuật, sáng tạo, dưới sự hỗ trợ của đại sứ quán nhiều nước tại Việt Nam như Đức, Pháp, Anh đã giúp tạo ra môi trường sáng tạo cho TP.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội
(Còn nữa)