Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xây dựng thương hiệu để phát triển bền vững

Ngọc Anh thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Duy trì, và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ là một trong những yếu tố quan trọng để phát triển, nâng cao sức cạnh tranh… là những chia sẻ của Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, Chủ tịch Hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội Hà Thị Vinh với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị bên lề Hội thảo “Hỗ trợ Phát triển Thương hiệu cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ”.

 
Công cụ phát triển sản phẩm

Bà có đánh giá như thế nào với nhận định của Bộ Công Thương về tầm quan trọng của việc phát triển thương hiệu sản phẩm?

- Tôi cho rằng nhãn hiệu và thương hiệu là những vấn đề hết sức quan trọng để phát triển sản phẩm của mình. Đây là một công cụ hữu hiệu để phát triển thị trường cho sản phẩm của các DN sản xuất. Khi nói đến thương hiệu thì bản thân các DN cũng tự hiểu, nhãn hiệu là định vị cho thương hiệu. Nếu thiết kế được một nhãn hiệu và được bảo hộ thì thông qua đó sẽ xây dựng và phát triển được thương hiệu cho doanh nghiệp. Đặc biệt, khi các sản phẩm được đem ra thị trường với nhãn hiệu đã được ấn định, người tiêu dùng trong và ngoài nước sẽ hiểu được đấy là sản phẩm của công ty nào và chất lượng ra sao để tin tưởng lựa chọn.

Thực tế, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam có nhiều ưu thế về xây dựng thương hiệu nhờ vào danh tiếng truyền thống, nhưng vẫn còn nhiều DN chưa biết cách phát huy lợi thế riêng, bà đánh giá như thế nào về vấn đề này?

- Để không bị nhầm lẫn giữa các sản phẩm của doanh nghiệp này với doanh nghiệp khác, giữa các nước hay các vùng miền khác nhau, mỗi DN phải tự ý tức được rằng việc xây dựng nhãn hiệu và thương hiệu riêng cực kỳ quan trọng. Bởi vậy, tôi cho rằng, vấn đề thiết

 Dưới góc độ doanh nghiệp, các sản phẩm của Quang Vinh luôn được thiết kế để đáp ứng được thị hiếu và nhu cầu của thị trường trong nước lẫn quốc tế. Khi họ nhìn vào sản phẩm của chúng tôi họ sẽ nhận ra ngay giá trị của Quang Vinh với những sản phẩm bền, đẹp mà thiết kế lại mới mẻ. Đấy chính là cách khách hàng thể hiện sự tín nhiệm dành cho Quang Vinh.

Bà Hà Thị Vinh

Tổng Giám đốc Công ty gốm sứ mỹ nghệ xuất khẩu Quang Vinh

kế nhãn hiệu riêng của từng doanh nghiệp là một vấn đề cần thiết và đây là công cụ hữu hiệu để phát triển sản phẩm và doanh nghiệp một cách bền vững. Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ là những sản phẩm luôn tiềm tàng tâm hồn và những câu chuyện trong nó. Nếu kèm theo cùng nhãn hiệu và thương hiệu của từng DN thì nó sẽ tạo nên câu chuyện của từng sản phẩm và của từng DN. Đây là cách phát triển DN phát triển bền vững trên thị trường trong nước cũng như quốc tế.

Bà đỡ để phát triển

Thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đã có những sự phát triển nhất định nhưng trong quá trình đó có những thuận lợi và khó khăn gì, thưa bà?

- Hiện nay chúng tôi cho rằng các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam nói chung, hay của Hà Nội và từng DN nói riêng, có những cái rất lợi thế. Ví dụ như chúng tôi nằm trong làng nghề truyền thống hàng ngàn năm tuổi, chúng tôi làm theo thế hệ cha truyền con nối, đời này qua đời khác. Đó là lợi thế về mặt thương hiệu truyền thống nhưng chỉ dựa vào đó mà không có sự đầu tư về mặt xây dựng thương hiệu bằng việc nâng cao chất lượng, mẫu mã thiết kế kèm theo cả KHCN, những vấn đề trong sản xuất như chế biến nguyên liệu, công cụ cho tạo hình thì không DN nào có thể phát triển được.

- Nếu như có thêm sự trợ giúp của cơ chế chính sách của Nhà nước, của Bộ Khoa học Công nghệ, của sở Công thương cho những xúc tiến mới thì chúng tôi cho rằng sản phẩm sẽ được phát triển tốt, thủ công mỹ nghệ của Việt Nam sẽ thăng hoa trên thị trường thế giới.

Thưa bà, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay, để nâng cao sức cạnh tranh, doanh nghiệp cần những yếu tố gì trong chính sách?

- Khi Việt Nam hội nhập rất sâu rộng với thế giới như hiện nay, doanh nghiệp rất cần sự trợ giúp của Nhà nước với vai trò như một “bà đỡ”, một tay vịn để cho các hiệp hội ngành nghề, cũng như các doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ. Theo tôi, để có thể cạnh tranh được với thị trường thế giới thì các sản phẩm phải có sự độc đáo và đổi mới sáng tạo trong thiết kế sản phẩm. Làm sao phải đánh trúng thị hiếu khách hàng tại thị trường nước ngoài những vẫn giữ được hồn cốt của văn hóa Việt, thể hiện sự sắc sảo, sự khéo léo của đôi bàn tay Việt trong khi sáng tạo các sản phẩm. Có như vậy, sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam mới có thể đứng vững và tổn tại được tại thị trường nước ngoài cũng như cả ở thị trường trong nước.

Vậy còn quy hoạch làng nghề, nhiều năm nay vẫn là một vấn đề được đem ra bàn luận để tìm hướng giải quyết, với vai trò của mình, bà có suy nghĩ gì về vấn đề này?

- Quy hoạch làng nghề là một trong những vấn đề rất cần thiết, bởi nói đến phát triển làng nghề thì tôi cho rằng, công nghiệp địa phương là điều rất quan trọng. Trong các làng nghề, đây là cái nôi thu hút được rất nhiều những lao động trẻ và đặc biệt trong chương trình xây dựng nông thôn mới, làm sao giữ chân con em làng nghề để họ không phải di chuyển ra các thành phố lớn nhằm mưu sinh. Do đó, quy hoạch làng nghề là vấn đề cấp thiết phải thực hiện sao cho thật ngăn nắp. Cần đưa ra những lộ trình và giải pháp thiết thực để trợ giúp cho các thế hệ trẻ trong các làng nghề để họ thấy yêu nghề hơn và họ tự thấy được rằng mình có thể làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.

Vấn đề này là vấn đề quan trọng, theo tôi, lộ trình đó rất cần Chính phủ và các bộ ban ngành liên quan, đặc biệt là TP Hà Nội hay các tỉnh thành khác cần hết sức quan tâm nghiên cứu để thực hiện. Chúng ta cần phải đưa ra lộ trình thật chi tiết và cụ thể kèm theo những chính sách thực hiện thật tốt cùng với kế hoạch truyền thông sâu rộng để các các nhà sản xuất ngay trong làng nghề họ có thể ngấm được ngay và vận dụng cho sự phát triển nghề của họ. Hi vọng, Hiệp hội sẽ là “cánh tay nối dài” của của bộ máy công quyền để làm sao trợ giúp cho chính sách ở trên “thấm” được xuống đến làng nghề. Đây cũng là vai trò của các Hiệp hội để trợ giúp cho các hội viên của mình trong việc tiếp cận nhanh nhất đến các chính sách của nhà nước để phát triển nghề một cách bền vững.

Xin cảm ơn bà!.