Theo thông tin phản ánh của bạn đọc, phóng viên đã về xã Phú Túc kiểm chứng nội dung, qua đó nhận thấy sự việc là có thật. Tìm hiểu được biết, từ năm 1990 - 2012, do chính quyền địa phương buông lỏng quản lý nên các hộ dân thôn Lưu Thượng, Phú Túc và Lưu Đông đã đua nhau chiếm dụng lòng mương tưới, tiêu thủy lợi trục đường liên xã Phú Túc - Hoàng Long để xây dựng công trình, rồi sinh sống, buôn bán tại đây. Trong những năm đó, đã có 52 công trình với hàng trăm cột trụ làm bằng bê tông, sắt được đóng, chôn xuống dưới lòng mương làm cản trở dòng chảy nước sản xuất nông nghiệp và công tác phòng chống lụt bão, úng trên địa bàn.
Qua khảo sát thực tế tại hiện trường nhận thấy, đa phần nền nhà của các công trình được làm bằng bê tông cốt thép, nằm gối trên các cột trụ dưới lòng mương rộng 7m. Khung nhà được làm bằng sắt hoặc xây tường bao quanh bằng gạch phủ kín lòng mương, mái các công trình chủ yếu lợp bằng tôn. Toàn bộ các công trình này nằm kéo dài 600m trên lòng mương theo đường trục trung tâm của xã. Trong số này, có 4 công trình được xây dựng kiên cố 2 tầng. Hàng chục năm qua, toàn bộ nước thải của các hộ dân ở đây không qua xử lý đã được xả thẳng xuống lòng mương gây ô nhiễm môi trường cho khu vực.
Liên quan đến nội dung này, Chủ tịch UBND xã Phú Túc Bùi Hồng Luyến thừa nhận, do lãnh đạo UBND xã các nhiệm kỳ trước không quyết liệt xử lý vi phạm ngay từ ban đầu nên các trường hợp mới có cơ hội xây dựng công trình trên lòng mương tưới, tiêu nước phục vụ sản xuất. Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện Phú Xuyên về việc giải tỏa công trình vi phạm, hoàn trả mặt bằng cho lòng mương thủy lợi, đầu năm 2016, UBND xã Phú Túc kiểm tra và xác định có 52 công trình vi phạm. Theo đó, công trình nhỏ nhất khoảng 30m2, rộng nhất hơn 50m2, trong đó có 4 công trình nhà 2 tầng xây dựng kiên cố bằng gạch, bê tông cốt thép. “UBND xã cùng các cơ quan chuyên môn đã nhiều lần giải thích, tuyên truyền, vận động các chủ hộ tự giác tháo dỡ công trình vi phạm, hoàn trả mặt bằng. Đồng thời, khẳng định 52 công trình không thuộc diện được đền bù, hỗ trợ GPMB là đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, đến nay các hộ vẫn chưa chấp hành, gây khó khăn cho việc xử lý” - ông Luyến cho biết thêm.
Lý giải việc vì sao đến nay địa phương vẫn chưa xử lý dứt điểm 52 công trình vi phạm, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Hữu Bảo cho biết, ngày 12/4/2017, UBND huyện có Thông báo số 83/TB-UBND về việc giao nhiệm vụ cho Đội Thanh tra xây dựng huyện, Phòng TN&MT, Phòng Tư pháp và UBND xã Phú Túc phối hợp rà soát, thiết lập, hoàn thiện hồ sơ các trường hợp có công trình vi phạm tồn tại trên mương thủy lợi xong trước ngày 14/4. Đồng thời, tập trung tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ mức độ vi phạm và sự ảnh hưởng trong sản xuất của công trình “tọa lạc” trên lòng mương. Đến nay, việc củng cố hồ sơ 52 công trình vi phạm đã thực hiện xong. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khách quan nên UBND huyện chưa tiến hành xử lý công trình vi phạm. Trường hợp các hộ không chấp hành tự tháo dỡ, UBND huyện sẽ tổ chức cưỡng chế 52 công trình này vào thời điểm cuối năm 2017.