Chưa tương xứng tiềm năng
Hà Nội hiện chỉ có 13 tuyến xe buýt kế cận, kết nối đến 7 tỉnh, TP với 157 phương tiện do 18 DN vận hành, khai thác. Đặc biệt, trong đó chỉ có 3 DN vận tải của Hà Nội, còn lại 15 DN là của địa phương khác.
Con số này chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong mạng lưới vận tải hành khách (VTHK) nói chung và VTHK công cộng nói riêng của Thủ đô cũng như một số địa phương lân cận. Điều đó cũng cho thấy sự thờ ơ, chưa đánh giá đúng vai trò và tiềm năng xe buýt kế cận của các DN vận tải Hà Nội.
Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Đỗ Cao Phan chia sẻ, xe buýt kế cận đã trở thành một trong những phương tiện VTHK chính ở nhiều đô thị phát triển trên thế giới. “Nó đã thay thế hoàn toàn xe khách liên tỉnh, độc chiếm thị trường VTHK liên tỉnh bằng đường bộ với nguồn lợi thu được không nhỏ cả về kinh tế và giao thông” - thạc sĩ Đỗ Cao Phan nói.
Vị chuyên gia này đánh giá, xe buýt kế cận là một phương tiện VTHK văn minh, phù hợp với những đô thị lớn, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại liên tỉnh cho người dân trong cự ly không quá dài.
Đồng quan điểm, Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Tuyển cho rằng, xe buýt kế cận có nhiều lợi thế để phát triển thành một loại hình VTHK liên tỉnh ưu việt trong cự ly khoảng dưới 100km: “Khác với xe khách liên tỉnh chỉ gói gọn hành trình trong hai đầu bến, xe buýt kế cận được đón trả khách tại nhiều điểm dừng, thuận tiện hơn hẳn. Mặt khác giá vé của xe buýt kế cận, dù không được trợ giá cũng rẻ hơn xe khách rất nhiều, phù hợp với mọi tầng lớp Nhân dân”.
Hà Nội vừa điều chỉnh giá vé xe buýt có trợ giá để giảm gánh nặng cho ngân sách cũng như tạo điều kiện cho DN có thêm nguồn lực đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ. Xe buýt kế cận cũng cần được xem xét tăng giá vé.
Thực chất xe buýt kế cận không được trợ giá nên nếu không bảo đảm doanh thu sẽ khó khuyến khích DN vận tải tham gia đầu tư. Muốn xe buýt kế cận phát triển, tất yếu phải có sự tham gia của DN. Cho phép tăng giá vé phù hợp với thực tế sẽ giúp xe buýt kế cận thu hút được nguồn lực đầu tư của DN.
Thạc sĩ quản lý kinh tế Hoàng Thị Thu Phương
Nhưng thực tế là xe buýt kế cận tại Hà Nội cũng như nhiều địa phương trên cả nước chưa phát triển đúng với tiềm năng và vai trò, chưa đáp ứng được mong mỏi của người dân. Anh Nguyễn Văn Cường (xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì) cho biết: “Đôi lần tôi đã chọn đi tuyến buýt kế cận số 206 để về quê Hà Nam. Xe khá thuận tiện, trả khách tại điểm dừng gần nhà, nhưng chất lượng dịch vụ thì tôi chưa hoàn toàn hài lòng”.
Anh Nguyễn Văn Cường liệt kê một số hạn chế của xe buýt kế cận như: thời gian đi lại lâu; chất lượng phương tiện chưa cao… Đó cũng là thực trạng chung của một số tuyến buýt kế cận tại Hà Nội hiện nay. Phần lớn dàn phương tiện cũ, xấu; nhiều đơn vị chưa chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ; dù đi xa nhưng có lúc hành khách vẫn phải đứng, dẫn đến mất an toàn và gây mệt mỏi.
Trong khi đó, nhiều loại hình xe tự phát đang ngày càng nở rộ, cạnh tranh khốc liệt với cả VTHK liên tỉnh lẫn xe buýt kế cận. Đáng kể nhất là xe ghép, xe tiện chuyến, xe khách trá hình với phương tiện tốt hơn hẳn, đưa đón tận cửa… nên dù giá vé cao gấp nhiều lần, vẫn được không ít người dân ưu tiên lựa chọn.
Thạc sĩ Đỗ Cao Phan phân tích, nhu cầu của người dân rất cao, xe khách liên tỉnh, xe buýt kế cận không đáp ứng được tất yếu sẽ nảy sinh ra các loại hình xe khác cạnh tranh tốt hơn, chiếm lĩnh thị phần VTHK. Có những thời điểm như lễ, Tết, giá vé xe không phải là vấn đề với người dân, họ sẵn sàng mua vé đắt hơn để có xe về quê. Hay với những chuyến đi dài mệt mỏi, người dân chấp nhận chi nhiều tiền hơn để được đi xe tiện nghi, thoải mái hơn.
“Vì vậy, dù đắt đỏ hơn, xe ghép, xe trá hình vẫn thu hút được khách, khiến thị phần của xe buýt kế cận bị bóp nghẹt. Xe buýt kế cận càng chậm phát triển, chất lượng càng thấp thì càng khó cạnh tranh” - ông Đỗ Cao Phan nói.
Mở rộng vùng phục vụ
Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Tuyển cho rằng, xe buýt kế cận còn nhiều dư địa để phát triển, hơn nữa rất phù hợp với các tuyến ngắn, đủ sức cạnh tranh với xe ghép, xe khách trá hình.
“Hà Nội đã xác định các tuyến VTHK liên tỉnh dưới 100km sẽ được chuyển đổi thành xe buýt kế cận. Với tính cơ động và thuận tiện, xe buýt kế cận sẽ đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của Nhân dân” - ông Nguyễn Tuyển nói.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, Hà Nội và các địa phương lân cận cần tập trung đầu tư mở rộng vùng phục vụ, gia tăng số lượng, nâng cao chất lượng xe buýt kế cận để đáp ứng mong mỏi của người dân, đồng thời góp phần đẩy lui các loại hình xe kinh doanh VTHK tự phát.
Xe buýt kế cận cần được cải thiện về chất lượng cũng như thay đổi về loại hình phương tiện để phù hợp hơn với công năng sử dụng. Thực chất xe buýt kế cận là một dạng thức của xe khách tuyến cố định. Với quãng đường di chuyển xa hơn, cần có xe toàn bộ là chỗ ngồi để bảo đảm an toàn cũng như hấp dẫn hơn với hành khách.
Giả sử phải đứng trên xe suốt quãng đường vài chục cây số, chắc chắn nhiều người dân sẽ ngần ngại, không muốn lựa chọn xe buýt kế cận. Mặt khác, tần suất hoạt động rất quan trọng. Xe buýt kế cận càng có tần suất dày đặc, với giá vé rẻ hơn, chắc chắn sẽ hút khách hơn xe ngoài luồng.
Nguyên Trưởng phòng Điều độ, HTX vận tải Tín Lợi Vương Văn Kha
Nguyên Trưởng phòng Điều độ, HTX vận tải Tín Lợi Vương Văn Kha nhận định, người dân bao giờ cũng ưu tiên lựa chọn xe buýt, xe khách tại các bến vì họ cảm thấy an toàn hơn, tin tưởng vào những đơn vị vận tải được cấp phép, được Nhà nước quản lý hơn. Đó là một lợi thế sẵn có để xe buýt kế cận chiếm lĩnh thị phần.
“Nhưng thời gian qua không ít người lại chọn xe ngoài luồng, đó là vì được phục vụ tốt hơn, đưa đón tận nơi. Xe buýt kế cận phải nâng cao chất lượng dịch vụ, đặc biệt là gia tăng số lượng trên hầu hết các tuyến ngắn mới có thể cạnh tranh được” - ông Vương Văn Kha nói.
Về phía các DN vận tải, cần nhận định rõ hơn về tiềm năng phát triển của xe buýt kế cận. Sớm hay muộn, đây cũng sẽ là mô hình được ưu tiên khai thác trên các tuyến VTHK liên tỉnh cự ly ngắn. DN cần đón đầu xu thế để dần chuyển đổi cho phù hợp với định hướng chung; ngay từ bây giờ phải tăng cường sức mạnh cho các tuyến buýt kế cận.
Hiện nhiều tỉnh, TP như: Ninh Bình, Hà Nam, Nam Định, Hòa Bình, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Dương… xuất hiện hàng nghìn xe limousine, xe ghép, xe tiện chuyến. Điều đó cho thấy nhu cầu đi lại của người dân rất cao. Nhưng nghịch lý là không ít người còn chưa biết đến loại hình xe buýt kế cận.
Chị Nguyễn Thị Hương (TP Nam Định) cho biết, cần đi từ nhà đến Hà Nội chị sẽ gọi xe limousine đón với giá vé khoảng 120.000 đồng. Trong khi đó chị Nguyễn Thị Hương lại không hè biết đến tuyến buýt kế cận số 215 Mỹ Đình - Trực Ninh (Nam Định) với giá vé chỉ 90.000 đồng. Điều này cho thấy, không chỉ thiếu về số lượng, xe buýt kế cận còn chưa chú trọng vào quảng bá, tiếp cận hành khách.
Mặt khác, nhiều người dân bày tỏ không lựa chọn xe buýt kế cận vì sợ phải đứng trên hành trình dài, nhiều điểm dừng nên thời gian đi lại lâu. Đây cũng là những hạn chế mà xe buýt kế cận cần tập trung khắc phục nếu muốn mở rộng vùng phục vụ, thu hút được nhiều hành khách hơn.
Các chuyên gia cho rằng, định hướng phát triển xe buýt kế cận trên các tuyến VTHK cự ly dưới 100km của Hà Nội là đúng đắn và phù hợp với hoàn cảnh hiện tại cũng như định hướng trong tương lai. Nhưng để xe buýt kế cận thực sự trở thành “món hàng tốt”, được người dân ưu tiên lựa chọn, cần có một bộ tiêu chí, tiêu chuẩn cao với loại hình này. Đồng thời, TP cũng cần quan tâm hỗ trợ hơn nữa để xe buýt kế cận có điều kiện phát triển.
Có thể khẳng định, sự phát triển chưa tương xứng với tiềm năng của xe buýt kế cận cũng là một trong những nguyên nhân gây phát sinh xe dù, xe tiện chuyến, xe khách trá hình. Và việc phát triển mạng lưới buýt kế cận với năng lực mạnh, chất lượng cao sẽ là một trong những giải pháp hữu hiệu để đẩy lùi xe dù, bến cóc, xe khách trá hình, góp phần vãn hồi trật tự trên thị trường VTHK.
Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Đỗ Cao Phan