Xe điện - bước ngoặt của thị trường taxi

Đặng Sơn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Sáng 14/4/2023, hãng taxi thuần điện đầu tiên của Việt Nam - Xanh SM chính thức đưa 500 xe vào hoạt động, đánh dấu bước ngoặt tạo nên sự thay đổi toàn diện về chất của loại hình taxi. Đây cũng là động lực mạnh mẽ để các hãng taxi dần thay đổi tư duy kinh doanh.

 Xu thế tất yếu
Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành GTVT đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022. Mục tiêu tổng quát của Chương trình là Phát triển hệ thống GTVT xanh, hướng tới phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050.

 

Chương trình coi việc chuyển đổi năng lượng xanh là nhiệm vụ cơ bản và quan trọng nhất trong quá trình thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh, cũng như thực hiện các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26). Đồng thời cũng là cơ hội để ngành GTVT có sự phát triển đồng bộ theo hướng hiện đại hóa, bền vững, bắt kịp với xu thế và trình độ phát triển tiên tiến của thế giới.

 

Đối với Hà Nội, Chương trình đã đề ra lộ trình cụ thể là đến năm 2030, tỷ lệ phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt tối thiểu 50%; 100% xe taxi thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh; đến năm 2050, 100% xe buýt, xe taxi sử dụng điện, năng lượng xanh.


Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, TP hiện có khoảng 11.000 xe taxi truyền thống chạy xăng, taxi Xanh SM là đội ngũ đầu tiên sử dụng hoàn toàn xe chạy điện, thân thiện với môi trường. Trong bối cảnh số lượng taxi sụt giảm đến 40% sau những năm điêu đứng vì đại dịch Covid-19, sự xuất hiện của taxi thuần điện, xe buýt điện đã khởi đầu một xu thế mới cho thị trường vận tải hành khách công cộng (VTHKCC).

 

Việc triển khai dịch vụ taxi điện tại Hà Nội đã khẳng định quyết tâm của TP và sự hưởng ứng, chung tay của các DN trong việc thúc đẩy phát triển giao thông bền vững. Đồng thời góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam trong việc giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền

 

Đây cũng chính là cơ hội để các hãng taxi truyền thống đầu tư, thay thế phương tiện, đổi mới chiến lược kinh doanh theo hướng dịch vụ tốt hơn, văn minh hơn, thân thiện với môi trường hơn.


Xanh hoá phương tiện VTHKCC là chủ trương được triển khai xuyên suốt nhiều năm qua của Hà Nội. Xe buýt điện, xe buýt sử dụng khí CNG đã được đưa vào vận hành trên một số tuyến và đạt được những thành công ban đầu, đảm bảo phục vụ Nhân dân cũng như giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tới nay, taxi thuần điện đang bước đầu giành được sự tin tưởng của người dân.


Phát biểu tại lễ khai trương Taxi Xanh SM, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền chia sẻ, taxi điện là một trong những giải pháp tiên tiến, mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng, góp phần giảm thiểu ô nhiễm không khí và tiếng ồn, đồng thời tiết kiệm năng lượng và giảm chi phí cho người dùng.
Nhiều người dân đánh giá, taxi điện đã mang đến lựa chọn phương thức di chuyển mới với chất lượng dịch vụ rất khác biệt. Xe taxi không có mùi xăng dầu, không tiếng ồn động cơ, tốt cho sức khỏe người dùng và bảo vệ môi trường. Đồng thời được trang bị nhiều tính năng giải trí thông minh, giúp hành khách có trải nghiệm thú vị trên mỗi hành trình.


Ngoài ra, taxi điện Xanh SM đã đưa ra một chiến lược kinh doanh rõ ràng, hướng đến chất lượng phục vụ vượt trội, làm hài lòng hành khách. Tổng Giám đốc Công ty GSM Nguyễn Văn Thanh khẳng định, taxi Xanh SM với đội ngũ tài xế được tuyển chọn kỹ càng, khắt khe, được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, đảm bảo mang đến dịch vụ tốt nhất cho người dùng.


Hướng đến sự hài lòng của hành khách


Ngay khi taxi thuần điện bước vào vận hành, các hãng taxi truyền thống đã cảm nhận được áp lực rõ rệt. Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng nhận định: “Taxi truyền thống hiện chỉ còn hơn taxi điện về số lượng, độ bao phủ thị trường mà thôi. Nếu taxi điện tăng nhanh về số lượng, kết cục tất yếu là taxi xăng sẽ phải thay đổi hoặc thua thiệt, thậm chí thất bại”.


Nhiều chuyên gia đồng quan điểm khi cho rằng, xét tương quan về chất lượng phương tiện, dịch vụ cũng như tiềm lực, taxi điện đang vượt trội so với taxi truyền thống. Nhưng nếu nhìn nhận sự thay đổi một cách tích cực có thể thấy cơ hội cho các hãng taxi truyền thống còn rất nhiều.

Những chiếc ô tô điện Vinfast tạo xu hướng mới trên thị trường taxi
Những chiếc ô tô điện Vinfast tạo xu hướng mới trên thị trường taxi

Việc đầu tư lượng lớn phương tiện taxi điện thay thế ngay thời điểm này là khó khăn vô cùng lớn đối với nhiều DN. Nguyên nhân chủ yếu do thiếu vốn đầu tư, hạ tầng dành cho xe điện còn khó khăn. Bởi vậy nếu mạnh dạn thay đổi, các DN taxi truyền thống cần có được sự ủng hộ quan trọng của chính quyền TP và cơ quan chức năng. Các chính sách ưu đãi cho taxi “xanh” cần được làm rõ hơn nữa, thiết thực và hấp dẫn hơn nữa, đặc biệt với việc đầu tư trạm sạc, hạ tầng dành riêng cho xe điện.


Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng phân tích, Hà Nội cần phải bắt tay với các nhà sản xuất xe điện, xây dựng thật nhiều trạm sạc khắp TP, đây là tiền đề quan trọng nhất để khuyến khích xe điện phát triển, trong đó có loại hình taxi. “Với vai trò tham mưu cho UBND TP, Sở GTVT Hà Nội phải nhanh chóng xây dựng một kịch bản với những cơ chế, chính sách, điều kiện tốt nhất nhằm khuyến khích DN chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện” - ông Nguyễn Mạnh Thắng nói.


Hà Nội có quy hoạch số lượng taxi tối đa 23.000 xe nhưng hiện mới có gần 12.000 xe, bao gồm cả taxi điện. Cơ hội để taxi điện tiếp tục vươn ra thị trường còn rất nhiều. Nếu các hãng taxi truyền thống không bắt kịp xu thế, Taxi Xanh SM hoặc những DN khác sẽ nhanh chóng đầu tư, tạo nên một làn sóng taxi điện văn minh hơn, chất lượng hơn, dần chiếm lĩnh thị phần.


Thạc sĩ quản lý kinh tế Hoàng Thị Thu Phương chia sẻ, nếu khó khăn trong nguồn vốn đầu tư thay thế phương tiện, các hãng taxi truyền thống có thể tìm phương án hợp tác với nhà sản xuất xe điện. “Cần phải đột phá ngay từ tư duy kinh tế. Không cứ phải là taxi G7, Mai Linh… mà có thể  là G7 - Xanh, Mai Linh - Xanh. Việc liên kết trên nguyên tắc cùng có lợi là xu thế của toàn thế giới nhiều năm qua”. Ngay cả khi không liên kết với các nhà sản xuất xe điện, DN taxi truyền thống cũng đã có sự liên kết với cá nhân dưới hình thức góp vốn từ lâu nay.


Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận rõ rằng, không phải cứ thay thế xe xăng bằng xe điện là taxi sẽ được ưa chuộng hơn. Xã hội ngày càng văn minh, yêu cầu về chất lượng dịch vụ của người dân ngày càng cao. Dù là taxi xăng hay taxi điện, phải hướng đến sự hài lòng của hành khách, lấy đó làm mục tiêu kinh doanh mới có thể tồn tại và phát triển. Song song với việc đầu tư xe điện, các DN taxi truyền thống cũng phải nỗ lực hơn nữa để mang đến sự hài lòng cho hành khách giống như taxi Xanh SM đã cho thấy trong giai đoạn đầu hoạt động vừa qua.

 

Taxi truyền thống đang đứng trước thử thách lớn, đòi hỏi họ phải tự thay đổi mình, định hướng lại chiến lược kinh doanh. Trong thời đại này không chỉ rẻ, tiện, mà còn phải vừa rẻ, vừa tiện, vừa đẹp, vừa hài lòng khách hàng.

Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng



 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần