Xe ghép, xe tiện chuyến: người dân hứng chịu rủi ro

Minh Tường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xe ghép, xe tiện chuyến đang được ưa chuộng, nhất là trong giới trẻ. Nhưng ít ai nghĩ tới những rủi ro mà chính họ phải gánh chịu khi lựa chọn loại hình xe vận chuyển khách “chui” này; thậm chí họ còn sẵn sàng tiếp tay cho nhà xe để qua mặt lực lượng chức năng.

Chị Nguyễn Thị Hằng (phường Mộ Lao, quận Hà Đông) chia sẻ: “Tôi thường xuyên đặt xe ghép để đi các tỉnh gần như Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương. Ưu điểm là nó đưa đón tận nơi, xe con cá nhân nên không quá chật chội. Giá cước có hơi cao nhưng vẫn chấp nhận được”.

Đó cũng là tâm lý chung của nhiều người dân ưa chuộng loại hình xe ghép, xe tiện chuyến bởi những tiện ích nó mang đến. Tuy nhiên khi được hỏi: "Nếu đi xe ghép bị tai nạn, hoặc có rủi ro như bị bỏ lại giữa đường, bị hành hung chẳng hạn chị có tin chủ xe sẽ có trách nhiệm bồi thường không?", chị Nguyễn Thị Hằng lại cho biết không cầm chắc.

Anh Phan Thanh Tùng (phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm) cho hay: “Đặt xe ghép có lúc may được tài xế tử tế đi rất dễ chịu. Nhưng có lúc vớ phải lái xe cục cằn, chạy ẩu cũng bức xúc lắm. Nhắc nhở thì họ bảo: ra mà đi xe tuyến”.

Quảng cáo xe ghép, xe tiện chuyến xuất hiện nhiều trên mạng xã hội.
Quảng cáo xe ghép, xe tiện chuyến xuất hiện nhiều trên mạng xã hội.

Thực tế là hầu hết tài xế chạy xe ghép, xe tiện chuyến không được đào tạo bài bản về chuyên môn phục vụ hành khách. Thậm chí nhiều nhà xe cho rằng họ đang “ban ơn” cho hành khách, nhưng không ít người dân vẫn cắn răng lựa chọn.

Điều đó phản ánh một bất cập rất lớn trong lĩnh vực kinh doanh vận tải khách. Đó là chất lượng dịch vụ của xe khách liên tỉnh thực sự chưa đáp ứng được mong mỏi của người dân dù giá vé rẻ hơn. Các phương thức kết nối người dân với xe khách liên tỉnh cũng còn rất hạn chế, dẫn đến nhiều người chấp nhận rủi ro, bức xúc để đi xe “chui”. Nếu các DN kinh doanh vận tải khách liên tỉnh không nhanh chóng đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ họ sẽ dần thua trắng vào tay xe “dù”.

Tuy nhiên, người dân cũng cần nâng cao nhận thức, không nên lựa chọn loại hình xe “chui”, vì để được thoải mái hơn một chút mà phải đánh cược bằng chính an toàn và lợi ích của mình.

Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Lê Trung Hiếu phân tích: “Đối với một DN vận tải hoặc một hộ kinh doanh cá thể có xe đăng ký kinh doanh vận chuyển khách, nếu xảy ra rủi ro, cơ quan chức năng sẽ truy cứu được, đòi hỏi hoặc bảo vệ được quyền lợi cho người dân. Nhưng xe ghép, xe tiện chuyến thì không đủ căn cứ, cơ sở pháp lý, không có người chịu trách nhiệm với những rủi ro đó”.

Đại diện Đội CSGT số 3, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội chia sẻ: rất khó để xử phạt xe ghép, xe tiện chuyến. Nhiều trường hợp cán bộ, chiến sĩ mật phục bắt quả tang xe đón khách, nhưng chính hành khách lại tiếp tay cho nhà xe, khẳng định là người thân, bạn bè, đi nhờ…

Kết quả là lực lượng buộc phải để cho xe đi hoặc chỉ xử phạt được lỗi dừng đỗ không đúng nơi quy định. Nhiều người dân không biết rằng họ đang cùng vi phạm pháp luật với nhà xe, gây cản trở công tác của lực lượng chức năng.

“Muốn xử lý được xe “dù”, xe “chui”, thiết nghĩ phải có cả quy định xử phạt hành khách trong những trường hợp vi phạm” - vị đại diện Đội CSGT số 3 nói.

Thạc sĩ Lê Trung Hiếu cho rằng, cuộc cách mạng Công nghệ 4.0 đã ảnh hưởng sâu rộng, làm thay đổi toàn diện nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội. Người dân luôn giữ tâm lý chung là: có lợi thì làm.

“Xe ghép, xe tiện chuyến suy cho cùng cũng là một loại dạng thức kinh doanh mới, mang đến lợi ích cho người dân. Vấn đề cần quan tâm là cơ quan quản lý Nhà nước phải định danh được nó, đưa nó vào quản lý một cách hiệu quả, trật tự; đồng thời người dân phải hết sức tỉnh táo với lựa chọn của mình, không vì cái lợi nhỏ mà góp phần tạo nên những hệ lụy lớn cho cộng đồng xã hội” - ông Lê Trung Hiếu nói.