Ẩn họa trong tai họa
Xe khách giường nằm mới xuất hiện ở nước ta ít năm trở lại đây. Phương tiện này nhanh chóng được hành khách chấp nhận bởi tính tiện nghi và dễ chịu. Nhưng, chỉ sau một thời gian ngắn, xe khách giường nằm đã khiến hành khách phải e dè bởi những nguy cơ tiềm ẩn. Trong đó, điều khiến người dân vô cùng sợ hãi là chẳng may có xảy ra rủi ro, hỏa hoạn mà cửa lên xuống duy nhất bị kẹt, hỏng thì họ coi như “cá nằm trong rọ”. Mới đây nhất, rạng sáng ngày 22/5, trên QL1, đoạn qua tỉnh Bình Thuận, 2 chiếc xe giường nằm BKS 38N - 5577 và 51B - 112.24 khi đâm trực diện vào nhau đã bốc cháy dữ dội. Hậu quả là 11 người bị chết cháy bên trong không thoát ra kịp. Theo lời kể của một nạn nhân, chỉ trong 1 - 2 phút, lửa đã bốc lên dữ dội, những hành khách xấu số còn chưa kịp tìm được lối thoát ra đã bị lửa bén vào người.
Bên trong xe khách giường nằm là không gian chật hẹp; các ô kinh thoát hiểm không đảm bảo kích thước tiêu chuẩn. Ảnh: Ngọc Hải |
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên cho biết: “Không phải đến bây giờ, mà từ năm 2012, những người làm vận tải lâu năm đã lên tiếng về chuyện xe giường nằm chỉ có một cửa lên xuống. Khi hỏa hoạn, mấy chục hành khách khó lòng mà thoát ra kịp từ cánh cửa duy nhất ấy”. Thực tế, sau vụ tai nạn giữa 2 chiếc xe giường nằm ở Bình Thuận khiến 11 người chết cháy, rất nhiều hành khách, thậm chí cả các lái xe khách cũng bắt đầu cảm thấy lo lắng. Anh Nguyễn Đức Trọng, lái xe khách lâu năm nhận định: “Cái cửa lúc bình thường chỉ đủ một người lên, xuống. Nếu va chạm mạnh, bị kẹt, móp hoặc khi xe đổ, lật úp phần cửa xuống đất, hành khách trong xe giường nằm sẽ lâm vào tình cảnh cực kỳ nguy hiểm. Đó là cái họa trong tai họa”. Cửa thoát khẩn cấp không an toàn Thông tư 87/2015/TT - BGTVT về Quy chuẩn kỹ thuật, an toàn đối với xe ô tô do Bộ GTVT ban hành, tại mục 2.18.1 ghi rõ: “Cửa sổ có thể được sử dụng làm cửa thoát khẩn cấp khi có diện tích không nhỏ hơn 0,4m² và cho phép đặt lọt một đường hình chữ nhật có kích thước cao 500mm, rộng 700mm”. Một chiếc xe giường nằm 2 tầng thông dụng hiện nay có khoảng 24 ô cửa sổ và một cửa kính phía sau. Nếu coi đây là những cửa thoát khẩn cấp thì cơ quan chức năng cần xem lại việc đảm bảo kích thước theo quy chuẩn. Bởi, mỗi ô kính này chỉ cao từ 300 - 400mm, hơn nữa, trên rất nhiều xe giường nằm hiện nay hầu như không có búa cứu nạn, dùng để đập vỡ kính cửa thoát theo quy định. Chị Nguyễn Thu Huyền (Quảng Ninh) cho biết: “Lên chiếc xe giường nằm, cảm giác đầu tiên là chật chội. Các giường đều làm từ khung kim loại, chặn ngang ô kính, khoảng không để một đứa trẻ chui qua còn rất khó chứ chưa nói đến người lớn”. Thực vậy, so với các xe khách ghế ngồi, không gian bên trong xe giường nằm rất hẹp, di chuyển trong điều kiện bình thường cũng thấy khó khăn. Mặt khác, xe ô tô luôn chở theo một lượng lớn xăng dầu và nhiều vật liệu dễ cháy khác. Khi đám cháy bùng phát lên, ô cửa sổ thì nhỏ, không tìm được búa cứu nạn; hành khách hoảng sợ, mất bình tĩnh, chen lấn nhau lại càng khiến họ khó thoát ra ngoài hơn. Do đó, thương vong cao là điều khó tránh khỏi đối với những người chẳng may bị “nhốt” trong xe giường nằm. Ông Liên cho rằng, cần xem xét lại các yếu tố an toàn của xe giường nằm. Thái Lan, đã cấm hẳn sản xuất loại xe này, Trung Quốc cũng đã có một số địa phương cấm lưu hành. “Để hạn chế tối đa thương vong về người khi xảy ra tai nạn, cháy nổ, mỗi chiếc xe giường nằm nên có 2 cửa lên xuống, đồng thời kích thước các ô cửa kính thoát hiểm phải đảm bảo đúng quy chuẩn, đầy đủ búa cứu nạn” - ông Liên đề xuất.
Ngày 18/8/2013, xe giường nằm BKS 27B - 001.30 phát hỏa trong lúc hoạt động trên tuyến Điện Biên - Cửa Lò, chỉ khoảng 30 phút, chiếc xe còn trơ lại khung sắt. Ngày 4/8/2014, chiếc xe giường nằm của nhà xe Quang Thanh khi đang lưu thông trên QL1A bất ngờ bốc cháy, chỉ sau 10 phút bị thiêu rụi hoàn toàn. |