Xe quá tải cày nát mặt đê: Gắn trách nhiệm với địa phương

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước tình trạng xe quá tải cày nát mặt đê, kèm theo đó là những hệ lụy khôn lường, nhiều giải pháp tiến tới xử lý triệt để đã được đại diện các sở, ban, ngành, địa phương đề xuất. Trong đó, trách nhiệm của các địa phương là vấn đề được nhiều người quan tâm, mổ xẻ.

Kinhtedothi - Trước tình trạng xe quá tải cày nát mặt đê, kèm theo đó là những hệ lụy khôn lường, nhiều giải pháp tiến tới xử lý triệt để đã được đại diện các sở, ban, ngành, địa phương đề xuất. Trong đó, trách nhiệm của các địa phương là vấn đề được nhiều người quan tâm, mổ xẻ.
 
Một điểm khai thác cát trên địa bàn huyện Đông Anh. 	Ảnh: Lâm nguyễn
Một điểm khai thác cát trên địa bàn huyện Đông Anh. Ảnh: Lâm nguyễn
Áp dụng đồng thời nhiều giải pháp

Nhằm giảm thiểu vi phạm xe quá tải chạy trên đê, bên cạnh tập trung cho công tác thông tin tuyên truyền, các giải pháp công trình, quản lý phương tiện, điểm khai thác cát, tập kết vật liệu xây dựng được các đơn vị quản lý Nhà nước lưu tâm.

Theo ông Đỗ Đức Thịnh - Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão (Sở NN&PTNT Hà Nội), từ đầu năm đến nay, đơn vị đã dựng bổ sung biển cấm hạn chế tải trọng, biển chỉ dẫn và mố hạn chế chiều ngang ở những vị trí hợp lý để lái xe thực hiện. Tuy nhiên, trên nhiều tuyến đê, các mố này bị di chuyển, lấy trộm. Có những biển hạn chế tải trọng thậm chí bị tác động làm nghiêng, đổ… Theo đó, bên cạnh việc tiếp tục bố trí lắp đặt, quản lý hệ thống hạ tầng hạn chế tải trọng, chiều ngang, ông Thịnh kiến nghị Sở GTVT nâng cao hiệu quả công tác đăng kiểm, tuyệt đối không cấp giấy phép khai thác cát cho các phương tiện có thiết kế tải trọng trên 10 tấn (khả năng chịu tải của các tuyến đê ven sông Hồng, sông Đuống thuộc địa bàn TP quản lý là 10 tấn - PV). Với các trường hợp cố tình vi phạm, cần xử phạt thật nặng, kiên quyết thu hồi giấy phép kinh doanh để tăng sức răn đe.

Liên quan tới kiến nghị của ông Thịnh về việc xử phạt nguội các trường hợp xe chở quá tải lưu thông trên đê bị ghi hình, Thượng tá Nguyễn Thanh Hải - Phó trưởng Phòng CSGT (Công an TP Hà Nội) cho biết, sẽ nghiên cứu, xây dựng lộ trình cụ thể cho vấn đề này. Ông Hải cũng kiến nghị TP tiếp tục quan tâm, quản lý chặt chẽ các điểm khai thác cát, tập kết vật liệu xây dựng – những điểm được xem là “có liên quan chặt chẽ” tới tình trạng xe quá tải. Cùng chung quan điểm, ông Trần Đăng Hải – Phó chánh Thanh tra Sở GTVT kiến nghị, các cơ quan chức năng địa phương cần “thẳng tay” giải tỏa các bãi tập kết, khai thác cát ven sông. Có như vậy mới mong xử lý dứt điểm tình trạng xe quá tải chạy trên đê.

Phối hợp chặt chẽ trong xử lý

Dù TP đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt nhằm từng bước hạn chế, giải quyết triệt để các vi phạm pháp luật về đê điều, nhưng hiệu quả xử lý thực tế đến nay vẫn còn nhiều điều đáng bàn. Trong đó, không thể không đề cập tới vai trò trách nhiệm của các địa phương trực tiếp quản lý các tuyến đê.

Liên quan tới vấn đề này, ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, tình trạng vi phạm diễn biến phức tạp nhưng việc xử lý còn nhiều bất cập có nguyên nhân quan trọng từ việc một số địa phương chưa quan tâm chỉ đạo việc ngăn chặn, xử lý. Dù việc phân định trách nhiệm giữa chính quyền và các cơ quan quản lý đê điều đã được quy định cụ thể tại “Quy chế phối hợp trong công tác phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn TP”, ban hành kèm theo Quyết định số 14/2014/QĐ-UBND của UBND TP, tuy nhiên trên thực tế, các địa phương thực hiện và phối hợp thực hiện chưa tốt.

Trước vấn đề xe quá tải đang rất “nóng” hiện nay, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt đã chủ trì nhiều buổi tiếp xúc, làm việc với các đơn vị liên quan nhằm tìm giải pháp xử lý triệt để tình trạng xe quá tải trên đê. Theo đó, Phó Chủ tịch UBND TP cho rằng, trách nhiệm xử lý vi phạm đê điều nói chung, xe quá tải nói riêng trước tiên phải thuộc về các địa phương. Thực tế, các huyện đều có đầy đủ lực lượng gồm CSGT, Thanh tra GTVT để có thể vây bắt, thu giữ các trường hợp xe quá tải vi phạm; khi cần cũng có thể đề nghị Công an TP hỗ trợ. Có chăng là các địa phương chưa thực hiện, hoặc chưa vào cuộc thực sự quyết liệt.

Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt đề nghị các sở, ban, ngành và các địa phương cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ trong xử lý xe quá tải đi trên đê, hạn chế thấp nhất tái vi phạm, vi phạm mới phát sinh. Giao Sở NN&PTNT chủ trì phối hợp với các đơn vị xây dựng kế hoạch tổ chức giải tỏa các vi phạm đê điều nói chung, trong đó có vấn đề xe quá tải, để đầu tháng 8 có thể tiến hành thanh kiểm tra, xử lý dứt điểm các vi phạm này.

Cũng trong một diễn biến liên quan, đại điện Thanh tra TP Hà Nội cho biết, đang nghiên cứu đề xuất UBND TP cho phép tiến hành thanh tra toàn diện đối với các địa phương còn tồn đọng nhiều vi phạm pháp luật về đê điều nói chung, trong đó có vấn đề xe quá tải; không loại trừ các cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực đê điều. Với những động thái cụ thể, mạnh mẽ nêu trên, hy vọng thời gian tới, tình trạng xe quá tải chạy trên đê nói riêng, vi phạm đê điều nói chung sẽ từng bước được xử lý dứt điểm.
Ông Hoàng Mạnh Phú - Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ bày tỏ quan điểm, TP nên nghiên cứu, đề xuất Bộ NN&PTNT nghiêm cấm việc khai thác cát trên lòng sông Hồng, sông Đuống. Đây được xem là một trong những giải pháp ngăn ngừa từ gốc tình trạng xe quá tải chạy trên đê.