Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xem lại luận cứ ông Hoàng Xuân Quế khởi kiện cựu Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận

Theo Phapluatplus (PLVN)
Chia sẻ Zalo

Ông Hoàng Xuân Quế không công nhận 3 cuốn luận án mà tổ xác minh của Bộ GD&ĐT đã tiến hành thu thập trong quá trình giải quyết tố cáo, khẳng định đó là những cuốn luận án mạo danh tên nghiên cứu sinh Hoàng Xuân Quế.

Sự việc ông Hoàng Xuân Quế, nguyên Phó Viện trưởng Viện Ngân hàng – Tài chính, Trường Đại học KTQD khởi kiện Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về quyết định số 4674/QĐ-BGDĐT ngày 11/10/2013 hủy bỏ học vị Tiến sỹ đối với ông Quế do đạo văn 30,2% trong luận án tiến sỹ bảo vệ năm 2003 đã gây ra sự chú ý của công luận trong thời gian qua.

Sau khi hoãn phiên tòa từ ngày 28 tháng 7 năm 2014 đến nay, sau 3 năm, phiên tòa sơ thẩm tiếp tục diễn ra ngày 10/10 vừa qua và dự kiến nghị án kéo dài đến ngày 17/10/2016.

Ngay sau phiên xét xử ngày 10.10 diễn ra, đã có nhiều ý kiến khác nhau về những luận cứ mà ông Hoàng Xuân Quế, Luật sư của ông Quế và đại diện Viện Kiểm soát Nhân dân Tp. Hà Nội đưa ra để đề nghị Tòa chấp nhận một phần khởi kiện theo yêu cầu của ông Hoàng Xuân Quế), tuyên hủy Quyết định 4674/QĐ-BGDĐT ngày 11/10/2013 về việc thu hồi bằng Tiến sỹ đối với ông Quế.

 Bìa cuốn sách chuyên khảo có nội dung nguyên trạng từ Luận án bị tố cáo “đạo văn” của ông Hoàng Xuân Quế.

Ông Nguyễn Văn Nam, nguyên Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học KTQD cũng đã có Đơn kiến nghị khẩn cấp gửi Chánh án Tòa án Tối cao, Chánh án Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội, đại biểu Quốc hội và các cơ quan có liên quan đề nghị làm rõ những thông tin, luận điểm sai lệch nhằm bảo vệ ông Hoàng Xuân Quế diễn ra tại phiên xét xử vừa qua.

Việc ông Hoàng Xuân Quế không công nhận 3 cuốn luận án do Tổ xác minh của Bộ GD&ĐT thu thập

Tại phiên tòa, ông Quế không công nhận 3 cuốn luận án mà Tổ xác minh của Bộ GD&ĐT đã tiến hành thu thập trong quá trình giải quyết tố cáo, khẳng định đó là những cuốn luận án mạo danh tên nghiên cứu sinh Hoàng Xuân Quế. Tuy nhiên, theo đơn phản ánh của ông Nguyễn Văn Nam (Hiệu trưởng trường ĐH KTQD) thì điều này là không đúng sự thật vì 3 cuốn luận án trên (lưu tại Thư viện Quốc gia, Thư viện Trường Đại học KTQD, Thư viện Thành phố Hồ Chí Minh) là do ông Quế nộp sau khi hoàn thành thủ tục bảo vệ luận án để xin cấp bằng.

Nếu như ông Quế cho rằng mình "nộp nhầm" luận án cách đây 13 năm như bản giải trình ngày 1/7/2013 với Tổ xác minh của Bộ GD&ĐT thì căn cứ vào Quy chế đào tạo sau đại học ban hành kèm theo Quyết định số 18/2000/QĐ-BGDĐT ngày 8/6/2000 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Quy định quản lý văn bằng chứng chỉ, giáo dục phổ thông, giáo dục trung học chuyên nghiệp, giáo dục đại học và sau đại học ban hành kèm theo Quyết định số 52/2002/QĐ-BGDĐT ngày 26/12/2002, ông Quế phải bị thu hòi bằng Tiến sỹ do đã có dấu hiệu gian dối trong khi làm thủ tục cấp văn bằng.

Đồng thời, nếu như ông Quế cho rằng các cuốn trên bị mạo danh tên ông thì tạo sao nội dung 3 cuốn Luận án lại trùng khớp 99% với cuốn sách chuyên khảo “Bàn về các công cụ của chính sách tiền tệ ở Việt Nam hiện nay”, Nhà xuất bản Thống kê, năm 2004 (Số Giấy phép xuất bản 335-133/XB-QLXB Cục xuất bản cấp ngày 13/2/2004, in xong và nộp lưu chiểu tháng 4/2004). Đây là cuốn sách chuyên khảo được ông Hoàng Xuân Quế đứng tên một mình, xuất bản từ nội dung Luận án Tiến sỹ của mình bảo vệ năm 2003.

Luận án nộp lại sau 13 năm!

Sau khi giải trình nộp nhầm Luận án cách đây 13 năm, ông Hoàng Xuân Quế có nộp lại 3 bản Luận án "chính thức" cho Bộ GD&ĐT song các bản Luận án này đã có dấu hiệu không khách quan, sai lệnh như kết luận của A83.

Ba cuốn Luận án được gọi là "chính thức" được ông Quế nộp lại sau khi giải trình nộp nhầm cách đây 13 năm được A83 - Bộ Công an chuyển Viện Khoa học Kỹ thuật hình sự giám định cho thấy 3 cuốn luận án của ông Hoàng Xuân Quế nộp lại sau 10 năm được gỡ ghim đóng lại đến 76 lần (!), thực hiện tại nhiều máy photocopy khác nhau, phông chữ nhiều trang khác nhau, có hàng chục trang khác định dạng...”, đã thay các trang bị tố cáo sao chép y nguyên từ Luận án của ông Mai Thanh Quế (Học viện Ngân hàng).

Ngoài ra, nội dung các cuốn luận án này vẫn “đạo” y nguyên hàng chục trang từ hai nạn nhân mới. Cụ thể, nội dung mục 2.2.4 trong Luận án “chính thức”, ông Hoàng Xuân Quế đã sao chép 10 trang không ghi trích dẫn nội dung mục 2.2 trong Luận văn “Giải pháp đổi mới cơ chế điều hành tỷ giá hối đoái ở Việt Nam”của Thạc sỹ Nguyễn Văn Khách, Mã số LV60/03, bảo vệ năm 2002 (trước 1 năm so với thời điểm ông Hoàng Xuân Quế bảo vệ Luận án Tiến sỹ) tại Thư viện Học viện Ngân hàng.

Đồng thời, trong Luận án “chính thức” của mình, tại mục 2.2.3, ông Hoàng Xuân Quế đã “đạo” hoàn toàn khoảng 11 trang từ mục 2.2.1.1 của Luận văn Thạc sỹ, mã số 48/03, bảo vệ năm 2002 tại Thư viện Học viện Ngân hàng với đề tài “Giải pháp hoàn hiện sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ ở Việt Nam hiện nay”của Thạc sỹ Hoàng Thị Kim Thanh (Học viện Ngân hàng).

Trong đơn của mình, ông Nam nêu rõ, quá trình giải quyết tố cáo cũng như quá trình tham gia tố tụng, ông Quế liên lục yêu cầu Bộ cung cấp các cuốn luận án ông Quế đã nộp cho Bộ để thành lập Hội đồng song Bộ đã không thu thập được là hoàn toàn sai bản chất của vấn đề để định hướng sai lệch dư luận.

Thực tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có cuốn Luận án gốc của ông Hoàng Xuân Quế nộp Bộ để ra quyết định thành lập Hội đồng bảo vệ Luận án (lưu tại Thư viện Thành phố Hồ Chí Minh). Đồng thời, theo quy định của pháp luật, bản Luận án lưu tại Thư viện Quốc gia (do nghiên cứu sinh có trách nhiệm nộp) mới là sản phẩm cần đối chiếu, kiểm tra cuối cùng. Nghiên cứu sinh phải chịu trách nhiệm hoàn toàn với việc giao nộp luận án tại Thư viện trước khi làm thủ tục cấp bằng Tiến sỹ.

Theo đơn phản ánh, tại phiên xét xử luận điểm của bên bảo vệ ông Quế cho rằng Bộ GD&ĐT đã không đúng khi không xem xét ý kiến của các nhà khoa học trong Hội đồng chấm luận án trước đây của ông Hoàng Xuân Quế là hoàn toàn không đúng quy định của pháp luật vì Hội đồng chấm Luận án Tiến sỹ của ông Hoàng Xuân Quế đã giải tán sau khi hoàn thành nhiệm vụ năm 2003.

Việc Bộ GD&ĐT thành lập Hội đồng để thẩm định việc sao chép Luận án của ông Hoàng Xuân Quế theo kết quả xác minh, tố cáo chứ không phải là Hội đồng đánh giá lại Luận án của ông Quế. Đồng thời, luận điểm cho rằng phải thu thập các bản luận án do các thành viên Hội đồng đánh giá Luận án năm 2003 để đối chiếu, so sánh là không đúng với Quy chế đào tạo sau đại học.

Các thành viên Hội đồng không có trách nhiệm phải lưu luận án đã bảo vệ của nghiên cứu sinh. Nghiên cứu sinh sau khi bảo vệ phải có trách nhiệm nộp và chịu hoàn toàn trách nhiệm với bản Luận án nộp trên Thư viện Quốc gia và Thư viện của cơ sở đào tạo.

Cuối cùng, đơn phản ánh cho rằng luận điểm cho rằng Bộ GD&ĐT đã không đúng khi thành lập Hội đồng cấp Ngành, phải là Hội đồng cấp Nhà nước đánh giá lại Luận án ông Hoàng Xuân Quế là cố tình hiểu sai quy định của pháp luật vì Bộ trưởng Bộ GD&ĐT giao cho Hội đồng giáo sư Ngành để đánh giá về Kết luận giải quyết tố cáo việc sao chép của ông Hoàng Xuân Quế chứ không phải là Hội đồng đánh giá lại Luận án của ông Hoàng Xuân Quế. Nếu đúng là Luận án sao chép sẽ bị hủy bỏ kết quả theo quy định đào tạo sau đại học và quy chế cấp văn bằng.

Đơn phản ánh cũng cho rằng, vụ việc đạo luận án của ông Hoàng Xuân Quế đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo và A83 xử lý thận trọng, đúng quy định của pháp luật. Được hàng chục cơ quan báo chí phản ánh hàng chục bài viết để làm rõ hành vi ngụy tạo, gian dối của ông Hoàng Xuân Quế.

Vụ việc cũng đã được nhiều đại biểu Quốc hội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và Thanh thiếu niên Nhi đồng của Quốc hội vào cuộc, chuyển đơn đề nghị làm rõ.

Việc Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ra quyết định thu hồi bằng Tiến sỹ của ông Hoàng Xuân Quế là đúng quy định của pháp luật, nhận được sự đồng tình của xã hội nói chung và của đông đảo cán bộ, giảng viên Trường Đại học KTQD, góp phần ngăn chặn nạn đạo văn hiện nay. Do đó, xã hội đang trông chờ phán quyết công tâm, khách quan của Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội đối với vụ án này.

Phản bác

Chiều 12/10, trao đổi với PV ông Hoàng Xuân Quế vẫn giữ nguyên quan điểm khởi kiện ông Phạm Vũ Luận về việc thu hồi bằng tiến sĩ của ông Quế.

Ở diễn biến khác, ông Hoàng Xuân Quế không công nhận 3 cuốn luận án mà tổ xác minh của Bộ GD&ĐT đã tiến hành thu thập trong quá trình giải quyết tố cáo, khẳng định đó là những cuốn luận án mạo danh tên nghiên cứu sinh Hoàng Xuân Quế.

Luật sư Trần Hồng Phúc đại diện cho ông Quế cho rằng, có đầy đủ căn cứ để nghi ngờ cuốn luận án của ông Hoàng Xuân Quế đã bị đánh tráo vì mục đích xấu, vì tất cả những tài liệu quan trọng liên quan tới ông Quế đều bị mất.

Người tố cáo (ông Nguyễn Văn Nam) là Chủ tịch cả 3 Hội đồng chấm luận án của ông Hoàng Xuân Quế, từ Hội đồng chấm chuyên đề luận án, Hội đồng chấm luận án cấp cơ cở và Hội đồng chấm luận án cấp nhà nước, nhưng lại không hề có bất cứ tài liệu chứng cứ nào để minh chứng (kể cả quyển luận án mà ông Quế đã nộp cho ông Nam khi bảo vệ tại 3 Hội đồng).

Luật sư Trần Hồng Phúc cho hay, kết luận thanh tra 1254 của Bộ GD&ĐT, mà căn cứ vào đó để Bộ GD&ĐT ra quyết định 4674 là không khách quan, dựa trên những chứng cứ phiến diện; không xem xét ý kiến của các nhà khoa học trong hội đồng. Đồng thời, đề nghị HĐXX căn cứ vào quy định tại điểm b, khoản 2 Điều 193 Luật tố tụng hành chính chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của người khởi kiện: Tuyên hủy QĐ 4674/QĐ-BGDĐT ngày 11/10/2013 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo (tại tòa phần bồi thường ông Hoàng Xuân Quế và luật sư chưa đề cập đến).