Bộ LĐTB&XH nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Nam Định đề nghị xem xét điều chỉnh mức trợ cấp hàng tháng tại Nghị định số 75/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 của Chính phủ.
Về nội dung kiến nghị này, Bộ LĐTB&XH cho biết, việc điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng từ ngày 1/7/2024 được thực hiện theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và Nghị quyết số 142/2024/QH15 ngày 29/6/2024 của Quốc hội. Theo đó, thực hiện điều chỉnh tăng 15% so với mức lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hiện hưởng (tháng 6/2024).
Ngày 30/6/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 75/2024/NĐ-CP điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng. Theo đó, từ ngày 1/7, điều chỉnh tăng thêm 15% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng của tháng 6 đối với người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động và trợ cấp hàng tháng.
Nghị định số 75/2024/NĐ-CP cũng quy định, từ ngày 1/7, người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng sau khi đã điều chỉnh theo quy định, có mức hưởng thấp hơn 3,5 triệu đồng/tháng thì được điều chỉnh tăng thêm.
Cụ thể, tăng thêm 300.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức hưởng dưới 3,2 triệu đồng/người/tháng. Tăng lên bằng 3,5 triệu đồng/người/tháng đối với những người có mức hưởng từ 3,2 triệu đồng/người/tháng, đến dưới 3,5 triệu đồng/người/tháng.
Bộ LĐTB&XH ghi nhận kiến nghị của cử tri để nghiên cứu trong quá trình hoàn thiện các quy định pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Trước đó, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2025, trong đó có một số nội dung về điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách nhà nước.
Về thực hiện chính sách tiền lương, một số chính sách xã hội, Quốc hội quyết nghị chưa tăng tiền lương khu vực công, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công trong năm 2025.
Các bộ, cơ quan trung ương, địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp tạo nguồn cải cách chính sách tiền lương theo quy định. Đồng thời, cho phép tiếp tục loại trừ một số khoản thu khi tính số tăng thu ngân sách địa phương dành để cải cách tiền lương như quy định tại khoản 2 Điều 3 của Nghị quyết số 34/2021/QH15 của Quốc hội.
Nghị quyết của Quốc hội cũng cho phép từ ngày 1/7 được mở rộng phạm vi sử dụng nguồn tích lũy cho cải cách tiền lương của ngân sách trung ương để điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và tinh giản biên chế.
Đồng thời, Nghị quyết của Quốc hội cho phép sử dụng nguồn cải cách tiền lương của ngân sách địa phương để thực hiện các chính sách an sinh xã hội do Trung ương ban hành và tinh giản biên chế.
Các địa phương sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư cho những dự án kết nối vùng, kết nối quốc gia, các công trình trọng điểm quốc gia thực hiện tại địa phương theo quy định của cấp có thẩm quyền trong trường hợp địa phương có nguồn dư lớn.
Bên cạnh đó, các địa phương cam kết bảo đảm nguồn kinh phí cải cách tiền lương và thực hiện những chính sách an sinh xã hội do Trung ương ban hành cho cả lộ trình đến năm 2030 và không đề nghị ngân sách trung ương hỗ trợ.