Vụ án đã khởi tố, tiền vẫn “bốc hơi”?
Luật sư Trần Vũ Hải (bảo vệ bị cáo Lê Quang Trí, Nguyễn Hồng Sơn), hỏi các hợp đồng của 4 nhân viên Navibank gửi tiền tại Vietinbank, có thiệt hại không, Hội đồng tín dụng (HĐTD) Navibank có chủ trương gửi tiền không…? Bị cáo Trí khẳng định 4 nhân viên của Navibank gửi tiền tại Vietinbank là hoạt động bình thường. Số tiền 500 tỷ đồng tại chi nhánh Vietinbank Nhà Bè đã thu hồi nên không thiệt hại.
“Tôi có nhận 2 cáo trạng, bản cáo trạng sau lại cho rằng việc mất 200 tỷ đồng xảy ra tại chi nhánh Vietinbank Nhà Bè là mâu thuẫn giữa kết luận điều tra (KLĐT) với cáo trạng và thực tế khách quan vì việc gửi tiến tại chi nhánh nêu trên đã kết thúc nên không có hậu quả. Còn việc gửi sang Vietinbank chi nhánh TP Hồ Chí Minh là giao dịch hoàn toàn mới. HĐTD không khuyến khích gửi tiền. Các nhân viên gửi tiền sang Vietinbank đã thực hiện đúng cam kết. Vietinbank đã ký hợp đồng thì phải có trách nhiệm. Ngày 28/9/2011, khởi tố vụ án thì Huyền Như không thể thực hiện những công việc tiếp theo tại Vietinbank. Vì đã khởi tố thì phải giữ nguyên hiện trạng”.
Luật sư cũng hỏi các nhân viên Navibank về việc tất toán các khoản vay tại Vietinbank chi nhánh Nhà Bè chưa? Các nhân viên này đều khẳng định đã tất toán và khi gửi tiền vào Vietinbank họ chưa bao giờ ủy quyền cho bất cứ ai. Đến khi gửi tiền sang Vietinbank chi nhánh TP Hồ Chí Minh, số tiền cũng thể hiện trên hợp đồng và trên lệnh chuyển tiền.
Vietinbank mâu thuẫn trong câu trả lời
Thế nhưng ông Nguyễn Tiến Hùng (đại diện theo ủy quyền của Vietinbank) khẳng định các hợp đồng giữa các nhân viên Navibank với Vietinbank… không có hiệu lực. Tuy tiền đã vào tài khoản (TK) thanh toán của 4 người mở tại Vietinbank chi nhánh TP Hồ Chí Minh, nhưng bản chất của 4 người này không có nhu cầu mở TK. Họ làm theo sự chỉ đạo của Navibank. 47 hợp đồng của 14 nhân viên Navibank gửi trên 1.500 tỷ đồng sang Vietinbank, bản chất là Navibank mở và nhân viên là người thực hiện. Riêng số tiền 200 tỷ thì chưa chắc chắn. “Các hợp đồng đó cũng chưa bao giờ phát sinh hiệu lực vì chưa giải ngân, chưa có tiền thì làm sao có hiệu lực. Vietinbank chưa chi trả bất kỳ một hợp đồng cũng như lãi nào cho Navibank. Các bị cáo trả lời chưa đúng bản chất”, đại diện Vietinbank nói. Trước câu trả lời này, luật sư Trần Vũ Hải “vặn” lại: “Vậy cáo trạng không đúng”? Ông Hùng không thể trả lời được.
Luật sư Hải cũng hỏi đại diện Navibank vì sao khẳng định số tiền 200 tỷ đồng không mất? Đại diện ngân hàng này cho biết vì có hợp đồng cầm cố nên không thể mất. Luật sư cũng gọi bị cáo Nguyễn Giang Nam (nguyên Phó Tổng Giám đốc Navibank) để hỏi cáo trạng cho rằng chủ trương tiền gửi phải thông qua Hội đồng (HĐ) Alco? HĐ này có chức năng cho vay và có chỉ đạo HĐTD không? Bị cáo Nam tái khẳng định HĐ Alco chỉ định hướng. HĐ Alco không có thẩm quyền cho vay hay gửi tiền vay. HĐ này cũng không thể chỉ đạo HĐTD vì 2 HĐ hoàn toàn khác nhau. Mỗi cuộc họp của HĐ đều có biên bản, các thành viên phải ký vào, nội dung họp thường có các phòng, ban nhằm báo cáo lãi suất, tỷ giá trong và ngoài nước.
Phòng giao dịch chưa ra đời, nhưng khách đã có TK!
Luật sư Huỳnh Phước Hiệp (bảo vệ bị cáo Nguyễn Giang Nam, Nguyễn Hồng Sơn) gọi bị án Huỳnh Thị Huyền Như để hỏi vì sao không làm ở Vietinbank chi nhánh Nhà Bè, nhưng vẫn chuyển được tiền từ đây? Bị án Như trả lời không thể chuyển.
Đặc biệt, luật sư Hiệp đưa ra chi tiết vào ngày 8/4/2011 phòng giao dịch Vietinbank Võ Văn Tần mới khai trương. Thế nhưng vào ngày 19/8/2010, bà Lê Thị Thu Phương (nhân viên Navibank) đã có TK tại đây! Điều này có nghĩa TK của bà Phương được mở từ trước khi phòng giao dịch này được “đẻ” ra đến 7 tháng! Luật sư Hiệp hỏi đại diện Vietinbank trong ngành ngân hàng nếu chưa mở phòng giao dịch thì có thể mở TK được không, thì đại diện Vietinbank cũng không trả lời được.
Đối với việc ký lệnh chi tiền, chủ TK có phải đến trực tiếp ngân hàng và cần thủ tục gì, các nhân viên Navibank có ký lệnh chi khống? Bị cáo Trí, nói: “Trước kia chủ TK phải trực tiếp đến ngân hàng. Nhân viên ở đây sẽ kiểm tra CMND, đối chiếu hình ảnh khách, nếu thấy đúng mới làm tiếp các thủ tục như xem chữ ký. Vì vậy 14 nhân viên Navibank khi đến Vietinbank thì đi đủ 14 người. Ngoài ra, các ngân hàng còn có biện pháp kiểm tra chéo nhằm tránh việc một người có thể tự tung tự tác. Nếu nhân viên ngân hàng thực hiện đúng chức trách thì người khác không thể chuyển tiền của khách. Cáo trạng cho rằng chữ ký trên các lệnh chi của nhân viên Navibank là chữ ký khống là sai vì các nhân viên này khẳng định họ chưa bao giờ ký khống trên bất cứ lệnh chi nào”.
Có giám sát nhưng vẫn để “mất” tiền trăm tỷ!
Còn luật sư Đào Kim Lân (bảo vệ bị cáo Đoàn Đăng Luật, Nguyễn Giang Nam) hỏi đại diện Vietinbank về khoản tiền 4 nhân viên Navibank gửi có đúng không? Tiền vào có được ghi nhận lưu trên hệ thống? Tất cả giao dịch (thu – chi) của khách ở các chi nhánh, Hội sở Vietinbank phải quản lý và nắm đúng không? Ông Nguyễn Tiến Hùng, trả lời: “Tiền đã vào TK của Vietinbank. Hội sở không nắm chi tiết từng chi nhánh vì đã có phân cấp cụ thể và các chi nhánh đều có quy chế kiểm tra giám sát. Đối với những nghiệp vụ phát sinh ở từng chi nhánh thì Hội sở có giám sát”.
Luật sư Lân cũng hỏi bị cáo Đoàn Đăng Luật về việc có quen biết với Huyền Như từ trước? Navibank gửi tiền sang Vietinbank một lần hơn 1.500 tỷ đồng? 200 tỷ đồng hiện nằm ở đâu, có mất không? Bị cáo Luật khai: “Tôi giao dịch với Vietinbank chi nhánh Nhà Bè trước. Năm 2010, tôi đứng tên một TK nên có đến Vietinbank chi nhánh Điện Biên Phủ mở TK. Lúc đó chỉ gặp Huyền Như mở TK, không nói gì đến lãi suất cũng như không liên lạc gì với Như. Tổng số tiền trên 1.500 tỷ đồng mà nhân viên Navibank gửi sang Vietinbank chi nhánh Nhà Bè là cộng dồn nhiều lần gửi chứ không phải một lần. Sau khi đã tất toán hết các hợp đồng ở chi nhánh Nhà Bè, các nhân viên mới gửi 500 tỷ đồng ở Vietinbank chi nhánh TP Hồ Chí Minh rồi tất toán 300 tỷ đồng, số tiền 200 tỷ đồng còn lại do chưa tới hạn tất toán thì tất nhiên phải nằm trong Vietinbank chi nhánh TP Hồ Chí Minh”.