Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xét xử đại án tại Oceanbank: Hà Văn Thắm không phải đồng phạm giúp sức?

Thiên Bình - Đạt Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 15/9, phiên tòa xét xử bị cáo Hà Văn Thắm (SN 1972) - nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank) cùng các đồng phạm do liên quan đến sai phạm xảy ra ở ngân hàng này được tiếp tục diễn ra với phần tranh tụng.

Tại phiên tòa này, luật sư Nguyễn Huy Thiệp đã tập trung bào chữa cho Hà Văn Thắm về 2 trong 4 tội danh mà bị cáo này bị truy tố là “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” và “Tham ô tài sản”.

Không đủ cơ sở quy kết là đồng phạm

Tại tòa, khi nêu quan điểm của mình, luật sư Thiệp cho rằng, chưa đủ cơ sở pháp lý để quy buộc Hà Văn Thắm là đồng phạm giúp sức cho bị cáo Nguyễn Xuân Sơn - nguyên Tổng Giám đốc Oceanbank về 2 tội danh nêu trên. Theo đó, luật sư Thiệp cho rằng cần phải xem xét lại các yếu tố cấu thành tội phạm đối với bị cáo Sơn. Nếu Nguyễn Xuân Sơn được kết luận phạm tội thì bị cáo Thắm mới có thể là đồng phạm.
Bị cáo Hà Văn Thắm tại phiên tòa. Ảnh: Thiên Bình.
Tuy nhiên, căn cứ vào cáo trạng truy tố và diễn biến tại phiên tòa, vị luật sư này nêu quan điểm, căn cứ buộc tội với bị cáo Sơn là không đủ. Bởi, theo tài liệu điều tra cũng như cáo trạng truy tố thì căn cứ để quy kết bị cáo Sơn phạm tội theo các Điều 280 và Điều 287 chỉ là việc Sơn nhận tiền để chi cho một số cá nhân ở Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN).

Thế nhưng, ngay cả căn cứ này cũng chưa được làm rõ vì bị cáo Sơn không khai ra việc chi tiền như thế nào, cho những ai và việc chăm sóc khách hàng (CSKH) ra sao. Chính điều này khiến cơ quan tố tụng quy kết bị cáo Sơn đã chiếm đoạt hơn 246 tỷ đồng. Trong khi đó, thực chất phần lớn hành vi của các bị cáo trong vụ án này chỉ là cùng mục đích và ý chí CSKH để Oceanbank huy động được vốn. Từ những phân tích này, luật sư Thiệp đưa ra nhận định, hành vi của bị cáo Sơn có cấu thành 2 tội danh trên hay không thì HĐXX cần xem xét thấu đáo.

Phân tích sâu hơn về hành vi của nguyên Tổng Giám đốc Oceanbank, luật sư bào chữa của Hà Văn Thắm cho rằng, bị cáo Sơn không chiếm đoạt tiền của PVN và cụ thể là số tiền hơn 49 tỷ đồng như đã quy kết. Bởi tại phiên tòa, chính đại diện của PVN được xác định là nguyên đơn dân sự nhưng cũng không tự nhận định được tập đoàn này có bị chiếm đoạt tiền hay không. Mặt khác, PVN cũng không có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại. Khi được xác định là nguyên đơn dân sự thì PVN cũng chỉ yêu cầu HĐXX căn cứ theo quy định của pháp luật để giải quyết vấn đề bồi thường.

Tiếp tục quan điểm cho rằng thân chủ của mình không thể là đồng phạm với Nguyễn Xuân Sơn, luật sư Nguyễn Huy Thiệp đưa ra giải thiết, nếu hơn 246 tỷ đồng bị Nguyễn Xuân Sơn chiếm đoạt (trong đó có hơn 49 tỷ đồng được xác định là tiền của PVN - PV) thì với tỷ lệ cổ phần chiếm hơn 62% tại Oceanbank, bị cáo Thắm đã bị mất hơn 155 tỷ đồng. “Bị cáo Thắm không bị điên khi để bị cáo Sơn chiếm đoạt số tiền rất lớn như vậy. Không bị hại nào lại đồng lòng cho người khác chiếm đoạt tiền của mình” - luật sư Thiệp lập luận.

Vẫn với quan điểm thân chủ không phạm vào các tội như cáo trạng xác định, luật sư Thiệp tiếp tục đặt giả thiết: “Cứ cho rằng bị cáo Sơn đã chiếm đoạt hơn 246 tỷ đồng của Oceanbank thì Hà Văn Thắm là người bị lừa. Điều này đồng nghĩa với việc khách hàng gửi tiền ở Oceanbank không nhận được tiền CSKH. Nếu vậy thì khách hàng sẽ nhanh chóng rút hết tiền gửi ở Oceanbank. Tuy nhiên, điều đó là không đúng vì trên thực tế trong suốt thời gian Oceanbank chi tiền để CSKH thì ngân hàng này vẫn luôn huy động được một lượng tiền rất lớn. Như vậy thì việc chi tiền CSKH của các bị cáo đã đem lại hiệu quả và giúp ngân hàng có thể tồn tại…”.

Về khoản tiền hơn 69 tỷ đồng thu phí qua Công ty BSC (công ty sân sau của Hà Văn Thắm - PV), luật sư Thiệp cho rằng, khách hàng ký hợp đồng dịch vụ với Công ty BSC là những khách hàng không đủ điều kiện giao dịch với ngân hàng vì thế họ phải trả chi phí dịch vụ. Nếu không thông qua Công ty BSC thì khách hàng phải thông qua các công ty khác. Vì vậy, không thể cho rằng phí của các công ty khác là hợp pháp còn của Công ty BSC lại bất hợp pháp. “Công ty BSC là doanh nghiệp có tư cách pháp nhân độc lập và Hà Văn Thắm là chủ sở hữu nên bị cáo này có quyền sử dụng vốn. Nếu là thiệt hại của Công ty BSC thì đó cũng là thiệt hại của chính Hà Văn Thắm…”- luật sư Thiệp giải thích.

“Trong sự việc này, việc bị cáo Sơn chiếm đoạt đã gây thiệt hại cho chính Hà Văn Thắm. Trong hơn 69 tỷ đồng chiếm đoạt theo cáo buộc có 68,9 tỷ đồng là của Công ty BSC và hơn 500 triệu đồng của Hà Văn Thắm. Tuy nhiên, cáo trạng quy kết số tiền 68,9 tỷ đồng này cũng không chính đáng. Bởi, nếu đây là doanh thu thì Công ty BSC cũng phải nộp thuế vì thế không thể còn nguyên 68,9 tỷ đồng. Vì vậy, phần tiền chuyển cho Sơn, bị cáo Thắm đều tự lo và là tiền cá nhân nên hành vi đồng phạm, chiếm đoạt tiền của chính mình không thể xảy ra” - luật sư Thiệp phân tích.
Luật sư Nguyễn Huy Thiệp (đứng) bào chữa cho bị cáo Hà Văn Thắm tại phiên tòa. Ảnh: Thiên Bình.
Từ những phân tích này, trước khi kết thúc phần bào chữa, luật sư Nguyễn Huy Thiệp tái khẳng định quan điểm rằng bị cáo Hà Văn Thắm không phạm vào hai tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” và “Tham ô tài sản” với vai trò giúp sức tích cực cho bị cáo Nguyễn Xuân Sơn như quy kết.

Đề nghị tử hình là nóng vội

Tại phiên tòa này, luật sư Nguyễn Minh Phương đã bào chữa cho bị cáo Nguyễn Xuân Sơn trước cáo buộc “Tham ô tài sản” với số tiền 49 tỷ đồng; “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” chiếm đoạt hơn 69 tỷ đồng từ Công ty BSC và 197 tỷ đồng trong khoản 246 tỷ đồng nhận để chi lãi suất ngoài hợp đồng cho PVN.

Theo luật sư Phương, thời gian diễn ra việc Nguyễn Xuân Sơn bị cáo buộc có những hành vi trên thì bị cáo này đã rời Oceanbank nên không thể rút tiền của ngân hàng. Bên cạnh đó, liệu PVN có để cho bị cáo Sơn bỏ túi dễ dàng hàng trăm tỷ đồng mà Hà Văn Thắm giao để đưa cho PVN không?

Về khoản tiền 69 tỷ đồng do Công ty BSC thu phí của khách hàng vay tiền tại Oceanbank, luật sư Phương cho rằng, con số cáo buộc bị cáo Sơn đã nhận là không chính xác. Theo luật sư, hai năm sau khi bị cáo Sơn rời Oceanbank thì Công ty BSC mới thu phí và “gom đủ” 69 tỷ đồng. Theo đó, luật sư cho rằng nguồn tiền 69 tỷ đồng mà Hà Văn Thắm đưa cho bị cáo Sơn để chi lãi suất ngoài hợp đồng cho khách hàng là tiền cá nhân.

Khi nhẩm tính từ lời khai những bị cáo khác về việc đưa tiền của Công ty BSC cho bị cáo Sơn, luật sư Phương thấy có sự vênh về con số. “Phải chăng, trong vụ án này cơ quan điều tra cố tình tìm những mảnh ghép khập khiễng để ghép thành bức tranh tham ô của Nguyễn Xuân Sơn?” - luật sư Phương nói. Sau cùng, với những lập luận này, luật sư Phương đề nghị HĐXX trả hồ sơ vụ án để xác minh lại hành vi tham ô đối với bị cáo Sơn.

Đồng quan điểm với luật sư Phương về điều này, trước đó khi được trình bày trước tòa, luật sư Nguyễn Huy Thiệp cũng cho rằng, việc Viện kiểm sát đề nghị án chung thân với Hà Văn Thắm và tử hình với Nguyễn Xuân Sơn là nóng vội và thiếu căn cứ pháp lý. Theo luật sư Thiệp, các cơ quan tố tụng đã không làm hết nhiệm vụ chứng minh tội phạm…
Trước đó, ngày 14/9, khi trình bày quan điểm luận tội và mức án đối với các bị cáo, đại diện Viện kiểm sát đã đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Xuân Sơn mức án tử hình về 3 tội: “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” và “Tham ô tài sản”. Đối với Hà Văn Thắm bị đề nghị tuyên phạt án chung thân về 4 tội: “Cố ý làm trái…”; “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”; “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn…” và “Tham ô tài sản”.