Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xét xử phúc thẩm Giang Kim Đạt trong đại án Vinashinlines

Đạt Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - TAND Cấp cao tại Hà Nội cho biết, ngày 17/8 sẽ tiến hành phiên xét xử phúc thẩm đối với Giang Kim Đạt cùng 3 đồng phạm trong vụ án xảy ra tại Vinashinlines theo kháng cáo của các bị cáo.

Trước đó, sau 5 ngày xét xử và nghị án, ngày 22/2, TAND TP Hà Nội đã lần lượt tuyên phạt Giang Kim Đạt (SN 1977) - nguyên quyền Trưởng phòng kinh doanh Công ty TNHH Một thành viên Vận tải viễn dương Vinashin (Vinashinlines) tử hình về tội “Tham ô tài sản”, theo Điều 278-BLHS.
Cùng tội danh trên, Trần Văn Liêm (SN 1955) - nguyên Tổng giám đốc Vinashinlines bị tuyên phạt tử hình. Tổng hợp hình phạt với 19 năm tù bị cáo đang phải thi hành về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, nguyên Tổng giám đốc Vinashinlines phải chấp hành mức án chung là tử hình.
Đồng phạm với 2 bị cáo nêu trên, Trần Văn Khương (SN 1950) - nguyên Kế toán trưởng Vinashinlines cũng phải nhận án chung thân. Và bị cáo Giang Văn Hiển (SN 1950, bố đẻ Giang Kim Đạt) bị tuyên phạt 12 năm tù tội “Rửa tiền”, quy định tại khoản 3, Điều 251- BLHS.
Bị cáo Giang Kim Đạt cùng các đồng phạm tại phiên tòa sơ thẩm.
Theo cáo trạng truy tố, năm 2006, Vinashinlines được thành lập theo quyết định của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin). Ngày 18/4/2006, bị can Liêm được bổ nhiệm giữ chức Tổng Giám đốc. Sau đó, Đạt được tiếp nhận vào công tác tại Phòng Khai thác 2 một thời gian ngắn rồi bị chấm dứt hợp đồng lao động. Tuy nhiên, đến năm 2008, Đạt lại được Liêm đưa về Vinashinlines và bổ nhiệm vị trí cố vấn cao cấp của Tổng Giám đốc rồi sau đó là quyền Trưởng phòng Kinh doanh.
Trong vòng 2 năm (từ tháng 5/2006 - 6/2008), Liêm và Đạt đã rút của Vinashinlines hàng trăm tỷ đồng từ việc trích tiền hoa hồng mua và cho thuê tàu. Cụ thể, các bị can đã chiếm đoạt tiền hoa hồng mua 3 tàu Vinashin Summer, Vinashin Island và Vinashin Phoenix hơn 711.000 USD và số tiền gửi giá cước ngoài hợp đồng cho thuê 9 tàu biển hơn 15,2 triệu USD. Ngoài ra, để bỏ túi riêng, Đạt còn nâng tỷ lệ phần trăm tiền gửi nhằm chiếm hưởng cá nhân. Số tiền này, Đạt thông đồng với Khương để ngoài sổ sách. Tổng số tiền các bị can chiếm đoạt của Vinashinlines hơn 260 tỷ đồng.
Để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, Đạt nhờ bố đẻ trực tiếp đứng tên mở 22 tài khoản ngoại tệ tại 4 ngân hàng trong nước để nhận và rút tiền hoa hồng. Mỗi lần thông báo có tiền, Đạt chủ động cân đối và cung cấp số tài khoản của bị can Hiển cho các công ty nước ngoài chuyển về. Tổng cộng, các công ty nước ngoài có 92 lần chuyển tiền vào tài khoản của Hiển với số tiền hơn 259 tỷ đồng. Bên cạnh số tiền trên, các công ty bán tàu còn nhiều lần chuyển số tiền tổng cộng hơn 1,3 triệu USD vào tài khoản bị can Hiển và số tiền 1 triệu USD vào tài khoản đứng tên Nguyễn Thị Ngân (mẹ đẻ Đạt). Toàn bộ số tiền chiếm đoạt, Đạt dùng mua bất động sản tại Việt Nam, nước ngoài và một phần chi tiêu cá nhân...
Trước đó, tại phiên tòa sơ thẩm, trong phần xét hỏi, các bị cáo không thừa nhận nội dung bản cáo trạng, cho rằng mình không chiếm đoạt tiền của Nhà nước. Các luật sư cho rằng có nhiều điểm thiếu sót trong cáo trạng và yêu cầu tòa trả hồ sơ điều tra bổ sung nhưng tòa bác yêu cầu này. HĐXX nhận định, lợi dụng việc thực hiện dự án mua - cho thuê tàu biển, các bị cáo Liêm, Đạt và Khương đã chiếm hưởng tiền hoa hồng mua tàu, tiền gửi cước giá thuê tàu tổng cộng hơn 260 tỷ đồng.
Để che giấu nguồn tiền bất hợp pháp, bị cáo Giang Văn Hiển trực tiếp tham gia giao dịch tài chính, mở nhiều tài khoản rồi nhận gần 16 triệu USD do các công ty nước ngoài gửi về. Sau đó, Hiển rút ra chuyển cho Đạt để Đạt chuyển cho Liêm còn lại mua tài sản đứng tên mình và người thân... Trong vụ án này, Trần Văn Liêm giữ vai trò chính, chủ mưu và chiếm đoạt số tiền hơn 3,1 tỷ đồng. Giang Kim Đạt là đồng phạm tích cực trong vụ án, chiếm hưởng hơn 255 tỷ đồng. Còn kế toán trưởng Trần Văn Khương chiếm đoạt hơn 1,7 tỷ đồng. HĐXX cũng kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét hoạt động mua và cho thuê tàu biển của các doanh nghiệp nhất là Vinashin.
Sau phiên tòa sơ thẩm, cả 4 bị cáo đã làm đơn kháng cáo do không đồng tình với bản án của tòa sơ thẩm.