Bị cáo đầu vụ phủ nhận cáo trạng
Ngày 9/12, TAND TP Hồ Chí Minh tiếp tục xét xử vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Rửa tiền” đối với 23 bị cáo thuộc Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba (Công ty Alibaba) và các công ty con gây ra.
Bị cáo Nguyễn Thái Luyện (SN 1985, quê Gia Lai, ngụ TP Hồ Chí Minh) - Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) kiêm Tổng Giám đốc Công ty Alibaba, được xác định cầm đầu vụ án cùng 19 bị cáo bị Viện KSND truy tố tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo khoản 4 điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Trong phần xét hỏi, bị cáo Luyện khẳng định cáo trạng truy tố tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là không đúng, bị cáo không lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bị cáo Luyện nêu ra nhiều điểm như cáo trạng nêu bị cáo dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản là không đúng, vì việc mua bán công khai, có hợp đồng hẳn hoi, khách hàng được chở đi xem nền đất thực tế. Việc Công ty Alibaba và các công ty con mua lại đất khách hàng đã mua cũng không trái luật. Do đó, Viện KSND truy tố bị cáo tội lừa đảo là mâu thuẫn với điều 174 Bộ luật Hình sự.
Trong công việc, bị cáo chỉ đạo các bị cáo khác cũng không sai. Vì 22 công ty do bị cáo chỉ đạo thành lập, nhưng do năng lực của 22 giám đốc nên bị cáo phải điều hành. Mọi hoạt động của 22 công ty con này, bị cáo phải được báo cáo, do đó cáo trạng quy kết bị cáo chỉ đạo là sai. Đối với 58 dự án tại các tỉnh, thành được vẽ ra trên đất nông nghiệp, đất lúa, đất trồng cây lâu năm, bị cáo Luyện cho rằng theo Luật Đất đai thì chủ sở hữu có quyền chuyển nhượng, đồng thời đất nông nghiệp có quy hoạch đất ở, có thể lập dự án nên bị cáo mua lại để làm dự án.
Về việc tăng vốn điều lệ từ 1 tỷ đồng lên 1.600 tỷ đồng sau hơn 15 tháng thành lập Công ty Alibaba, bị cáo Luyện cho rằng lúc đầu công ty chỉ hoạt động môi giới nên vốn ít. Đến khi công ty làm chủ đầu tư dự án, tăng vốn lên 100 tỷ đồng, sau đó tăng lên 1.600 tỷ đồng ở lần thay đổi thứ 3.
Bị cáo Luyện cũng cho rằng, tất cả những quảng cáo về các dự án của Công ty Alibaba trên mạng xã hội, truyền thông là đúng sự thật, không gian dối. Về những khoản tiền đã thu của khách hàng tại 58 dự án bất động sản, bị cáo khai do chỉ có Công ty Alibaba có kế toán, 22 công ty con không có kế toán nên phải nộp tiền của người mua nền đất tại các dự án về cho Công ty Alibaba.
Vừa là bị cáo... vừa là bị hại
Cùng bị xét xử tội như Luyện, bị cáo Nguyễn Lê Hoàng Lan (SN 1991, Phó Tổng Giám đốc phụ trách truyền thông) khai, do tin tưởng Luyện và bộ phận pháp lý của công ty nên mỗi khi nghe có dự án thì đi chụp ảnh, quay clip đưa lên mạng quảng cáo.
“Cáo trạng truy tố bị cáo có trang youtube - Đất nền địa ốc Alibaba - là không đúng. Trong vụ án này, bị cáo và người thân cũng là nạn nhân. Vào ngày 20/11/2020, bị cáo đã nộp đơn tố cáo nhưng không có tên trong danh sách bị hại mà chỉ có em trai và dì. Bị cáo chỉ biết mình sai khi làm việc với cơ quan điều tra” - bị cáo Hoàng Lan khai nhận.
Còn bị cáo Nguyễn Huỳnh Tú Trinh (SN 1995) khai, vào công ty làm tại bộ phận truyền thông từ tháng 5/2017. Sau đó bị cáo được chuyển sang bộ phận pháp lý, đến tháng 6/2019 bị bắt trong vụ gây rối trật tự, hủy hoại tài sản và bị TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xử 54 tháng tù.
“Bị cáo được anh Luyện nhờ đứng tên một số thửa đất đã nêu trong cáo trạng. Sau một thời gian thì ủy quyền lại cho Võ Thị Thanh Mai và không biết gì nữa. Cáo trạng có nội dung cho rằng, bị cáo ký để thành lập 20/22 công ty là không đúng. Vì thủ tục pháp lý có nhiều nhân viên, bị cáo không đi đăng ký, vì tháng 6/2019 bị cáo đã bị bắt thì không thể nào ký hay đi nộp hồ sơ lập các công ty, đơn cử như lập Công ty Cổ phần địa ốc Sunny Land. Còn việc tìm quỹ đất hay tham gia soạn thảo văn bản, bị cáo cũng không tham gia vì văn bản được công ty soạn sẵn. Đối với 4 thửa đất khi được anh Luyện nhờ đứng tên nhận chuyển nhượng giúp, bị cáo đến Phòng công chứng và họ nói thủ tục hợp lệ nên đứng ra ký” - bị cáo Trinh khai nhận.
Trả tiền cho bạn, nhưng trước tòa không khai tên
Ngoài 20 bị cáo bị truy tố tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, hai bị cáo Võ Thị Thanh Mai (SN 1987, vợ Nguyễn Thái Luyện) cùng Nguyễn Thái Lực (SN 1999, em ruột Nguyễn Thái Luyện) cùng bị xét xử 2 tội danh. Riêng bị cáo Huỳnh Thị Kim Thắng (SN 1995, nhân viên kế toán) bị xét xử tội “Rửa tiền”.
Khi được chủ tọa hỏi cáo trạng truy tố tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” có đúng không? Bị cáo Mai cho rằng về hành vi là đúng, nhưng về số liệu mong HĐXX xem lại vì không biết con số thiệt hại có chính xác không. Đối với tội “Rửa tiền”, cáo trạng truy tố là oan. Vì số tiền 13 tỷ đồng là tiền của công ty thu từ khách hàng, bị cáo không chỉ đạo ai đi rút tiền.
“Cáo trạng nêu ngày 18/9/2019, bị cáo có mặt tại công ty nhưng bị cáo không biết vụ án đã được khởi tố. Lúc đó bị cáo có nhờ Thắng đứng tên 1 sổ tiết kiệm 30 tỷ đồng, do Thắng đang nợ 18 tỷ đồng tại ngân hàng nên chủ động chuyển lại tiền cho bị cáo. Sau khi Thắng tất toán số tiền 30 tỷ đồng và 18 tỷ đồng nợ, còn dư 13 tỷ đồng chuyển cho bị cáo để trực tiếp ra ngân hàng ACB rút. Số tiền 13 tỷ đồng sau khi rút ra, bị cáo đem trả cho ngân hàng HDBank 2 tỷ, trả cho một người bạn gần 2 tỷ đồng góp vốn vào công ty Alibaba. 9 tỷ đồng còn lại trả cho một người bạn khác, người bạn này bị cáo không tiện nêu tên” - bị cáo Mai khai.
Trái ngược với lời khai của bị cáo Mai, khi nói về cáo trạng truy tố tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, bị cáo Nguyễn Thái Lực cho rằng không biết hành vi của mình là đúng hay sai vì bản thân chưa được đào tạo qua trường lớp, nghe chỉ đạo của anh Luyện. Khi anh Luyện bảo cứ làm trợ lý, nhận thông tin từ phòng pháp lý rồi chuyển cho anh Luyện xử lý tất cả. Đối với tội “Rửa tiền”, bị cáo nhận lệnh của chị Mai ra ngân hàng rút 13 tỷ đồng rồi chuyển tiền lại cho chị Mai. Cáo trạng truy tố tội “Rửa tiền” là không đúng, vì bị cáo không biết đó là tiền phạm pháp, không có mục đích tư lợi, khi nhận về đều chuyển thẳng cho chị Mai.
“Ngày 22/10/2021, khi làm việc với điều tra viên có sự chứng kiến của 2 luật sư, bị cáo có ghi một bản cung. Bản cung này có chuyển lên Viện KSND, sau đó luật sư lên xin lại bản cung thì được trả lời bản cung… đã bị mất” - bị cáo Lực nói.
Đối với bị cáo Huỳnh Thị Kim Thắng khai, vào làm nhân viên kế toán từ 2017. Về khoản 13 tỷ đồng, bị cáo hoàn toàn không biết nguồn tiền, do chị Mai nhờ đứng tên trên tài khoản thì nhận. Sau khi công an khởi tố, bị cáo thấy có một khoản nợ mang tên mình thì khi chị Mai nói cần tất toán thì bị cáo chuyển từ tài khoản của mình sang chị Mai.
“Việc chuyển tiền qua tài khoản của Lực, bị cáo không biết hành vi đó là sai, nghe chị Mai nói rút và chuyển qua Lực thì bị cáo làm theo. Sau khi làm việc với cơ quan điều tra, bị cáo mới biết mình sai nhưng đó là vô tình chứ không có chủ đích” - bị cáo Thắng nói.