Xét xử vụ án Công ty Alibaba: Nguyễn Thái Luyện lĩnh án chung thân

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau thời gian nghị án kéo dài, TAND TP Hồ Chí Minh đã tuyên án đối với 23 bị cáo trong vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Rửa tiền” tại Công ty Cổ phần bất động sản Alibaba (Công ty Alibaba). 

Chiều 29/12, HĐXX phiên sơ thẩm TAND TP Hồ Chí Minh đã tuyên án đối với 23 bị cáo thuộc Công ty Alibaba.

Trong vụ án này, bị cáo Nguyễn Thái Luyện (SN 1985, quê Gia Lai, ngụ TP Hồ Chí Minh), Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) kiêm Tổng Giám đốc Công ty Alibaba, được xác định cầm đầu cùng 19 bị cáo khác bị xử tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo khoản 4 điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Theo đó, bị cáo Nguyễn Thái Luyện bị tuyên phạt mức án tù chung thân; 19 bị cáo cùng chung tội với Luyện bị tuyên từ 10-20 năm tù.

Bị cáo Nguyễn Thái Luyện bị tuyên phạt tù chung thân.
Bị cáo Nguyễn Thái Luyện bị tuyên phạt tù chung thân.

Đối với bị cáo Võ Thị Thanh Mai (SN 1987, vợ Nguyễn Thái Luyện) bị tuyên án 20 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và 12 năm tù về tội “Rửa tiền”, tổng hợp mức hình phạt là 30 năm tù. Cùng bị xét xử 2 tội danh như Mai là bị cáo Nguyễn Thái Lực (SN 1999, em ruột Nguyễn Thái Luyện) bị tuyên án 27 năm tù.

Riêng bị cáo Huỳnh Thị Kim Thắng (SN 1995, nhân viên kế toán) bị tuyên ná 3 năm tù về tội “Rửa tiền”, nhưng được hưởng án treo, thời gian thử thách là 5 năm.

Về trách nhiệm dân sự, HĐXX tuyên bị cáo Nguyễn Thái Luyện và Võ Thị Thanh Mai phải liên đới bồi thường số tiền 2.446 tỷ đồng cho 4.548 bị hại. Các cơ quan chức năng tiếp tục kê biên 698 thửa đất, tiếp tục giữ 455 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do các bị cáo dùng tiền lừa đảo mua được nhằm đảm bảo thi hành án.

Trong vụ án này, cáo trạng truy tố các bị cáo đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền hơn 2.446 tỷ đồng. Sau khi Công ty Alibaba được thành lập và được cấp giấy chứng nhận vào ngày 5/5/2016, với vốn điều lệ đăng ký 1 (một) tỷ đồng; trụ sở tại 321 Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh. Đến ngày ngày 26/9/2017, Công ty Alibaba thay đổi lần thứ 3, vốn điều lệ tăng lên 1.600 tỷ đồng, do Nguyễn Thái Lĩnh làm Giám đốc, các cổ đông gồm: Nguyễn Thái Lĩnh (49,5%); Nguyễn Thái Luyện (anh trai Lĩnh), Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc điều hành (1%), Võ Thị Thanh Mai (vợ Luyện) giữ 49,5%.

Các bị cáo trong vụ án Công ty Alibaba.

Để phục vụ cho hoạt động lừa đảo, Nguyễn Thái Luyện chỉ đạo lập thêm 22 công ty trực thuộc Công ty Alibaba, hoạt động ở các lĩnh vực: bất động sản, truyền thông, vận tải… Giám đốc các công ty là người thân trong gia đình Luyện (gồm em ruột, vợ, một số thân nhân khác).

Công ty Alibaba có phần vốn góp vào hầu hết các công ty: Công ty Alibaba Law Firm, Công ty vận tải Alibaba, Công ty Tia Chớp…; Nguyễn Thái Luyện đứng tên Chủ tịch HĐQT Công ty Alibaba và Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và phát triển địa ốc Ali; Võ Thị Thanh Mai đứng tên Tổng Giám đốc Công ty CP Alibaba Law Firm và Công ty TNHH Xây dựng Maluna; Nguyễn Thái Lực (em trai Luyện) đứng tên Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư thương mại Địa ốc Xanh, Công ty CP địa ốc Long Thành Ali và có phần góp vốn trong đa số các công ty. Các công ty còn lại do các cá nhân khác trong hệ thống Công ty Alibaba đứng tên Giám đốc, đại diện pháp luật.

Các pháp nhân nêu trên được Luyện lập ra để cùng đồng phạm làm phương tiện lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nhằm tạo niềm tin cho nhà đầu tư, Nguyễn Thái Luyện đưa ra các thông tin không có thật về các “dự án” do Luyện tự đặt tên trên đất nông nghiệp.

Để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Luyện chỉ đạo các đồng phạm thực hiện 5 bước để bị hại tin tưởng, nộp tiền cho Luyện qua các pháp nhân.

Bước 1, Luyện dùng phần nhỏ tiền cá nhân và phần lớn tiền chiếm đoạt từ khách hàng, chỉ đạo các cá nhân là người thân, nhân viên thân tín thuộc Công ty Alibaba đứng tên nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp với số lượng lớn, tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Thuận.

Bước 2, những cá nhân đứng tên nhận chuyển nhượng đất như nêu trên lập hợp đồng ủy quyền cho các pháp nhân do Luyện thành lập để các công ty này tự vẽ “dự án” không có thật trên đất nông nghiệp, phân lô, tách thửa trái quy định theo chỉ đạo của Luyện (tất cả các dự án đều không đăng ký với cơ quan quản lý đất đai chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc tách thửa đất; không thực hiện các thủ tục theo quy định pháp luật về việc thành lập dự án).

Bước 3, sau khi nhận ủy quyền, các pháp nhân nêu trên với tư cách là chủ đầu tư các dự án “ma”, phân lô (tách thửa từ 100m2 đến dưới 400m2 trái quy định, có ghi rõ đất thổ cư, thời hạn sử dụng lâu dài...), rồi dùng truyền thông quảng cáo bán sản phẩm.

Bước 4, Luyện chỉ đạo các chủ đầu tư ký hợp đồng hợp tác kinh doanh phân phối bán đất nền trong dự án tự vẽ với Công ty Alibaba để Công ty Alibaba trở thành đại lý phân phối đất nền cho các khách hàng, nhằm mục đích che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của các dự án; đồng thời tạo ra giao dịch ảo để khách hàng tin tưởng các dự án có đủ tính pháp lý, đủ điều kiện chuyển nhượng theo Luật Kinh doanh bất động sản, rồi đồng ý mua.

Bước 5, sau khi khách hàng đồng ý mua, Luyện chỉ đạo các pháp nhân đứng tên nêu trên ký hợp đồng thỏa thuận, chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ) cho khách hàng, nhưng tiền được nộp về Công ty Alibaba để Luyện quản lý, sử dụng.

Để tạo lòng tin và thu hút khách hàng, Luyện sử dụng thủ đoạn bán hàng như: cam kết mua lại với giá cao hơn từ 30% sau 12 tháng hoặc 38% sau 15 tháng kể từ ngày nộp tiền; hoặc thuê lại với giá 2%/tháng kể từ ngày ký và thanh toán 95% giá trị hợp đồng.

Với phương thức này, hầu hết khách hàng nhận chuyển nhượng đất dưới dạng nền thổ cư do Công ty Alibaba chào bán đều không nhận được giấy chứng nhận QSDĐ dưới dạng thổ cư như cam kết khi đến hạn, mà sẽ được Công ty Alibaba chuyển sang hình thức trả lãi hoặc thu mua trở lại theo các hợp đồng quyền chọn hoặc phụ lục hợp đồng kèm theo.

Sáng mai 30/12, HĐXX tiếp tục tuyên phần bồi thường tại các phụ lục hợp đồng mà các bị cáo ký với nhiều bị hại.