Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xóa bỏ ám ảnh đầu tư trái phiếu doanh nghiệp

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đã "rã đông" nhưng vẫn chưa thực sự khởi sắc bởi tâm lý nhà đầu tư chưa thoát khỏi nỗi ám ảnh. Xếp hạng tín dụng được xem là một giải pháp tăng niềm tin đầu tư, nâng bền vững thị trường.

Thị trường vẫn ảm đạm

Theo báo cáo mới nhất công bố vào tháng 4/2024 của Công ty xếp hạng tín nhiệm đầu tư Việt Nam (VIS Rating), thị trường TPDN trong nước ghi nhận nhiều diễn biến tích cực trong tháng 3, nhờ triển vọng tín nhiệm cải thiện với giá trị chậm trả gốc, lãi phát sinh mới giảm. Đồng thời, tình hình tái cơ cấu nợ và giá trị phát hành mới tăng so với tháng 2 (8.800 tỷ đồng). Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, mặc dù thị trường đã "rã đông", nhưng không khí phát hành vẫn ảm đạm.

Tính cả quý I/2024, tổng giá trị phát hành mới TPDN chỉ đạt 18,75 nghìn tỷ đồng và giảm 36% so với cùng kỳ năm trước. Trong 9 tháng còn lại của năm 2024, ước tính sẽ có khoảng 239.480 tỉ đồng trái phiếu đáo hạn, trong đó phần lớn là trái phiếu bất động sản với 101.145 tỉ đồng, tương đương 42,2%. Đã có 7 doanh nghiệp công bố chậm trả gốc, lãi trong tháng với tổng trị giá khoảng 4.851 tỉ đồng (gồm lãi và dư nợ còn lại của trái phiếu) và 27 mã trái phiếu được gia hạn thời gian trả lãi, gốc hoặc thời gian mua lại trái phiếu trước hạn. Trái phiếu phải đáo nợ đang là gánh nặng lên nhiều doanh nghiệp.

Trái phiếu doanh nghiệp là kênh dẫn vốn quan trọng của thị trường.
Trái phiếu doanh nghiệp là kênh dẫn vốn quan trọng của thị trường.

Để thị trường này là kênh dẫn vốn quan trọng cho doanh nghiệp khi Chính phủ đặt mục tiêu tăng quy mô của thị trường trái phiếu lên mức 20% GDP vào năm 2025 và 30% vào năm 2030 có thể xa tầm với, bởi ước tính quy mô thị trường đến cuối năm 2023 mới đạt 11% GDP.

Chỉ ra những điểm nghẽn của thị trường, Trưởng bộ phận Xếp hạng Tín nhiệm Doanh nghiệp FiinRatings Nguyễn Nhật Hoàng cho rằng, điểm mấu chốt chính là niềm tin của nhà đầu tư về chất lượng tín dụng của tổ chức phát hành. Nhà đầu tư tương đối thờ ơ, hoài nghi với TPDN do niềm tin và chất lượng của các tổ chức phát hành sau những lùm xùm vừa qua.

Theo chuyên gia từ FiinRatings, rủi ro liên quan tới các tổ chức phát hành chưa đầy đủ và rõ ràng, hạn chế khi đưa ra quyết định đầu tư. Hiện, thị trường thiếu sự chuẩn hóa thông tin và hệ tham chiếu về tương quan giữa mức xếp hạng tín nhiệm và rủi ro vỡ nợ. Bên cạnh đó, hạn chế về thông tin rủi ro tín dụng, dẫn đến hạn chế trong khả năng xác định tỷ lệ lợi tức yêu cầu của trái phiếu, hay hạn chế về phân tích độ biến động và sự tương quan của chênh lệch lợi suất giữa các tài sản, tạo ra khó khăn cho việc quản lý rủi ro tập trung.

Chia sẻ thực tế phát hành, Tổng Giám đốc Công ty chứng khoán Techcombank (TCBS) Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết, việc phát hành TPDN trong năm vừa qua rất khó khăn khi nhà đầu tư mất niềm tin. “Chúng tôi đã phải phát hành trái phiếu có kỳ hạn ngắn chỉ khoảng 13 tháng, đi kèm với bảo lãnh TPDN để tiếp cận đối tượng nhà đầu tư có tiền nhưng niềm tin của họ vẫn chưa đủ” - bà Hiền chia sẻ.

Tổng Giám đốc TCBS cho rằng, để lấy lại niềm tin của thị trường TPDN thì quan trọng nhất là sự minh bạch.

Minh bạch phải đi liền hiệu quả hoạt động

Nỗ lực của Chính phủ và Bộ tài chính đã đưa ra được cơ sở rất tốt cho thị trường, từ việc có sàn giao dịch trái phiếu riêng lẻ tập trung đến các quy định tăng tính minh bạch của thị trường. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để lấy lại niềm tin nhà đầu tư, việc phát triển những dịch vụ bảo lãnh tín dụng cũng được xem là giải pháp quan trọng phần nào giúp xóa nhòa khoảng cách giữa nhà cung ứng vốn và nhà đầu tư. Nhà đầu tư cũng thoát khỏi ám ảnh khi đầu tư trái phiếu, từ đó, khai thông nguồn vốn cho doanh nghiệp.

Tổng Giám đốc thương mại toàn cầu S&P Global Ratings Lynn Maxwell cho rằng, cần thêm những cơ chế thu hút đầu tư dài hạn thực sự hấp dẫn. “Nhà đầu tư nước ngoài dù không tham gia nhiều như thị trường chứng khoán (vốn ngoại chiếm khoảng 20% vốn hoá toàn thị trường) nhưng với kênh TPDN thì chỉ cần 5-10% cũng đã rất tốt bởi quy mô thị trường vốn nợ sẽ lớn hơn nhiều lần thị trường vốn cổ phiếu”.

Để thị thị trường TPDN có thể đón được dòng vốn này, Tổng Giám đốc Lynn Maxwell đề xuất, một trong những giải pháp là thiết lập văn hóa xếp hạng tín dụng lành mạnh và phát triển các thể chế thị trường như các tổ chức xếp hạng tín dụng.

“Xếp hạng tín dụng mang lại sự minh bạch cho thị trường, mang lại tính thanh khoản mạnh mẽ hơn và là nền tảng để xây dựng niềm tin của nhà đầu tư cũng như đảm bảo tính bền vững lâu dài của thị trường TPDN. Đây không chỉ đơn thuần là các biện pháp quản lý mà còn là công cụ then chốt để đánh giá và quản lý rủi ro, giúp các nhà đầu tư đưa ra quyết định sáng suốt đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn hiệu quả hơn” -  bà Lynn Maxwell nhận định.

 

Để phát triển thị trường TPDN hút được vốn ngoại, yếu tố hàng đầu là các doanh nghiệp cần cung cấp thông tin đa dạng, minh bạch cho các nhà đầu tư. Đồng thời, thúc đẩy ổn định nền kinh tế, chia sẻ rủi ro tài chính với nhà đầu tư. Làm sao để thị trường TPDN minh bạch thông qua việc định giá thị trường rõ ràng, phân biệt tín dụng, thường liên quan đến các xếp hạng tín dụng, cả thị trường TPDN cơ bản và thứ cấp - Tổng Thư ký VBMA Đỗ Ngọc Quỳnh nếu quan điểm. 

Đồng quan điểm, Tổng Thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) Đỗ Ngọc Quỳnh, cho rằng, để thúc đẩy thị trường vốn, cần phải có hai yếu tố quan trọng. Yếu tố thứ nhất sẽ tạo ra sự hấp dẫn đối với nhà đầu tư đó chính là hiệu quả hoạt động kinh doanh của các tổ chức phát hành, đây là yếu tố cần. Còn yếu tố đủ để tạo ra niềm tin cho nhà đầu tư và tạo ra sự phát triển lành mạnh và bền vững cho thị trường chính là sự minh bạch.

“Nếu như hiệu quả hoạt động kinh doanh của tổ chức phát hành đi liền với sự minh bạch thì sẽ thúc đẩy được niềm tin, sự kết nối giữa các tổ chức phát hành với các nhà đầu tư, góp phần giúp thị trường vốn nợ phát triển bền vững, đem lại lợi ích cho tất cả các thành phần tham gia thị trường, không chỉ với nhà đầu tư mà còn với cả tổ chức phát hành cũng như các cơ quan quản lý nhà nước” - ông Quỳnh nhìn nhận.

Tổng Thư ký VBMA cũng nhấn mạnh, bên cạnh việc xếp hạng tín nhiệm cũng phải nâng cao các hạ tầng khác ví dụ như kiểm toán, các hệ thống báo cáo bắt buộc đối với các tổ chức phát hành, các hình thức kiểm tra và giám sát khác nhau của cơ quan quản lý để thúc đẩy tính minh bạch của thị trường, tăng niềm tin và phản ánh đúng hiệu quả hoạt động của tổ chức phát hành.