Xóa đi một cảm nhận đáng buồn

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ít ngày trước, chương trình thời sự của VTV có đưa ý kiến của những vị khách du lịch nước ngoài đến từ Ấn Độ, Scotland… về tình trạng đáng phàn nàn của nhà vệ sinh công cộng ở Hà Nội.

Nhân đó, phóng viên cũng nhắc lại một thông tinh đáng buồn: Cuối tháng 1/2023, hãng tin Nikkei Asia, Nhật Bản, đã dẫn một khảo sát của tổ chức QS Supplies của Anh quốc đã xếp hạng điều kiện nhà vệ sinh công cộng tại 69 TP du lịch trên thế giới.

Trong đó, điều kiện nhà vệ sinh công cộng (NVSCC) ở hai đô thị lớn nhất Việt Nam là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh xếp gần áp chót bảng xếp hạng, chỉ đứng trên Johannesburg của Nam Phi và Cairo của Ai Cập.


Câu chuyện đáng buồn này có vẻ không đáng ngạc nhiên đối với người dân Thủ đô cũng như du khách đến từ mọi miền đất nước. Điều đáng ngạc nhiên là tình trạng trên đã diễn ra trong thời gian dài, đã được nhận diện, thậm chí đã từng có những giải pháp khắc phục… nhưng rồi vẫn đâu vào đấy.

Thực ra không phải Hà Nội không quan tâm đến vấn đề NVSCC. Chỉ có điều, sự quan tâm đó chưa đến nơi đến chốn và quan trọng nhất là chưa thường xuyên, liên tục.

Hà Nội là đô thị với 8 triệu dân, là nơi thu hút mỗi năm hàng chục triệu lượt du khách, nhưng hiện nay trên địa bàn TP chỉ có khoảng hơn 400 NVSCC. Số lượng đã ít, nhưng đáng buồn hơn là chất lượng NVSCC rất kém.

Hầu hết trong cảnh nhếch nhác, bẩn thỉu. Không khó khăn gì để chứng kiến tình trạng các NVSCC trên địa bàn Hà Nội ô nhiễm, xuống cấp, vỡ, hỏng, thiếu các thiết bị cần thiết như vòi xịt, bồn nước rửa tay, mùi hôi khai bốc lên nồng nặc. Nhiều nơi, NVSCC đóng cửa im ỉm.

Như trên đã nói, câu chuyện NVSCC không phải không được quan tâm. Quãng 6 năm trước, UBND TP Hà Nội đã có Quyết định số 2856/QĐ-UBND ngày 18/5/2017 về chủ trương đầu tư xây dựng hệ thống NVSCC, theo đó Công ty CP Thương mại và truyền thông Vinasing (Công ty Vinasing) cam kết lắp đặt 500 nhà vệ sinh trên địa bàn TP.

Tuy nhiên, vì nhiều lý do chủ trương này hầu như không được thực hiện, và mọi chuyện vẫn như cũ…

Trở lại những phàn nàn của khách du lịch nước ngoài khi đến Hà Nội về tình trạng khó chấp nhận của NVSCC.

Điều đó cho thấy, tình trạng NVSCC xuống cấp không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, môi trường của người dân TP, mà còn có tác động tiêu cực tới ngành du lịch, một trong những mũi nhọn kinh tế trọng điểm hiện tại.

Cùng thời điểm Hà Nội thực hiện chủ trương xã hội hóa xây dựng NVSCC bằng cách giao cho Công ty CP Thương mại và truyền thông Vinasing lắp đặt 500 nhà vệ sinh trên địa bàn TP và đã không thành công, Huế lại chọn cách làm khác.

Với sự vận động của Sở KH&ĐT tỉnh Thừa Thiên - Huế, hàng loạt công sở, khách sạn, nhà hàng… trên địa bàn TP Huế đã treo bảng "nhà vệ sinh miễn phí" đón khách du lịch vào giải quyết nhu cầu tế nhị.

Tất nhiên với một điều kiện: Khách phải tôn trọng những quy định bảo đảm vệ sinh. Hà Nội cũng đã học tập kinh nghiệm này, song việc thực hiện cũng không được triệt để.

Nguyên nhân là do người dân thiếu ý thức giữ vệ sinh chung, ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của các cơ sở nói trên.

Như vậy, tình trạng NVSCC xuống cấp, nhếch nhác, bẩn thỉu… còn có nguyên nhân từ việc người sử dụng thiếu ý thức. Một số nhà vệ sinh ngoài tình trạng xuống cấp còn bị vẽ bậy, mất bóng điện, vòi xịt… Thậm chí, kẻ trộm còn dùng cưa để cắt thanh sắt trên mái của nhà vệ sinh...

Nhắc lại tình trạng xuống cấp của NVSCC ở Hà Nội cùng những nguyên nhân của nó, cũng là để mỗi người dân TP thấy rõ trách nhiệm của mình cùng các cơ quan chức năng góp phần giải quyết triệt để tình trạng nói trên, để xóa đi một cảm nhận đáng buồn: Hà Nội tất cả đều tuyệt vời, trừ NVSCC!