Xóa tư tưởng “ỷ lại” từ chính cơ chế

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Mọi doanh nghiệp (DN) thuộc các thành phần kinh tế phải hoạt động theo cơ chế thị trường. Xóa bỏ tình trạng độc quyền DN và những cơ chế chính sách tạo ra bất bình đẳng trong kinh doanh, nhất là trong tiếp cận các nguồn lực”.

Đó là một trong những nội dung quan trọng được Thủ tướng Chính phủ đề cập trong Thông điệp năm mới 2014.

Xoay quanh vấn đề này, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Đức Trung - Phó Trưởng ban Cải cách và Phát triển DN của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế T.Ư (CIEM).

Thực tế thời gian qua, chúng ta đã thực hiện được nội dung quan trọng này đến đâu, thưa ông?

- Đổi mới cơ chế quản lý và hoạt động của DN Nhà nước (DNNN) theo nguyên tắc thị trường là một trong những thành tựu của quá trình sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN hơn 20 năm qua.

Toàn bộ DNNN đã chuyển thành công ty cổ phần, công TNHH hoạt động theo Luật DN. Cơ chế đối với DNNN công ích đã chuyển từ cấp vốn, giao nhiệm vụ sang đấu thầu, đặt hàng là chủ yếu và cũng chịu sự điều chỉnh của pháp luật về giải thể, phá sản như các loại hình DN khác. Chủ sở hữu Nhà nước thực hiện chế độ trách nhiệm hữu hạn đối với vốn và tài sản đầu tư tại các DN. Đối tượng DN mà Nhà nước cần sở hữu 100% vốn điều lệ đã giảm mạnh (từ trên 60 ngành, lĩnh vực năm 2002 xuống còn 19 ngành, lĩnh vực và sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới). Danh mục độc quyền Nhà nước không còn nhiều xét trên bình diện pháp luật...

 
Làm thủ tục đăng ký điện thoại tại chi nhánh MobiFone Nguyễn Chí Thanh. Ảnh: Linh Anh
Làm thủ tục đăng ký điện thoại tại chi nhánh MobiFone Nguyễn Chí Thanh. Ảnh: Linh Anh
Bên cạnh những thành tựu nêu trên, quá trình đổi mới và áp đặt nguyên tắc thị trường đối với DNNN có mặt còn hạn chế. So với những loại hình DN khác, thực tế DNNN vẫn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu tín dụng cũng như diện tích mặt bằng cho sản xuất kinh doanh. DNNN đang chi phối hoặc thống lĩnh thị trường khai thác tài nguyên và một số ngành, lĩnh vực có khả năng sinh lợi cao. Một số DNNN yếu kém hoặc lâm vào tình trạng phải giải thể, phá sản được hỗ trợ bằng các biện pháp khoanh, giãn thậm chí được xóa nợ, chuyển nợ và các hình thức hỗ trợ khác. Sự hỗ trợ này làm cho nhiều DNNN không đủ áp lực cần thiết để tăng hiệu quả hoạt động bởi tư tưởng ỷ lại vào Nhà nước trong nhiều trường hợp kinh doanh thua lỗ. Việc hỗ trợ tài chính và những lợi thế chính sách khác là một trong những nguyên nhân làm cho không ít DNNN kém nhạy cảm với tiết kiệm, hiệu suất sử dụng vốn...

Trong thông điệp đầu năm 2014, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tách bạch nhiệm vụ sản xuất kinh doanh với nhiệm vụ chính trị, công ích trong DN Nhà nước. Yêu cầu này đã được đặt ra từ nhiều năm trước, vì sao cho đến nay vẫn chưa thể làm tốt?

- Trước năm 2003, chúng ta có DNNN kinh doanh và DNNN công ích. Hiện nay, hệ thống pháp luật về DN không còn cách phân loại này, nhưng Nhà nước vẫn có cơ chế quản lý riêng đối với các DN chuyên sản xuất, cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích (thủy nông, thoát nước...).

Vấn đề đặt ra ở đây là có những DNNN kinh doanh, trước hết là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước tham gia nhiệm vụ chính trị, an ninh, quốc phòng, thực hiện chính sách an sinh xã hội ở một số vùng khó khăn góp phần để Nhà nước thực hiện chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, chịu sự điều hành của Nhà nước về giá bán khi cần thiết. Việc này chắc chắn ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của DN. Tuy nhiên, có một số DN lấy việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, xã hội để biện minh cho những yếu kém trong hiệu quả kinh doanh. Vì vậy, hiện rất cần cơ chế hạch toán riêng đối với phần nhiệm vụ đặc thù này, một mặt đảm bảo DN tính đúng, tính đủ chi phí theo nguyên tắc thị trường, mặt khác, công khai và minh bạch hóa trách nhiệm của DN, tạo cơ sở để chủ sở hữu Nhà nước, công luận và bên có liên quan đánh giá đúng và đầy đủ hiệu quả thực sự của DNNN.

Tiến độ cổ phần hoá DN Nhà nước đang chậm lại. Theo ông, nguyên nhân do đâu và chúng ta cần phải làm gì để cải thiện tình trạng này?

- Bên cạnh những diễn biến bất lợi từ thị trường tài chính, còn có một phần nguyên nhân từ bản thân cơ chế, chính sách và quy định pháp luật về cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước. Tư duy, tiêu chí và cách thức thực hiện bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước cần được điều chỉnh theo cơ chế thị trường. Trong điều kiện sức mua của các nhà đầu tư còn nhiều hạn chế, việc quy định không được thoái (bán) vốn Nhà nước thấp hơn giá thị trường hoặc không thấp hơn giá trên sổ sách kế toán là chưa hợp lý, dẫn tới không cổ phần hóa được hoặc không thoái được vốn Nhà nước. Vừa qua, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 194/2013/TT-BTC ngày 17/12/2013 (có hiệu lực từ tháng 2/2014) để giải quyết một phần vấn đề này.

Hơn nữa, việc thoái vốn không chỉ là chuyển nhượng cổ phần, phần góp vốn của Nhà nước, mà cả bán tài sản, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển nhượng dự án…, trong khi đó, quy định hiện hành chưa thể hiện hết sự đa dạng của các loại vốn cần thoái này. Nếu không giải quyết kịp thời các vướng mắc nói trên, thì việc thoái vốn khó hoàn thành trước năm 2015 như kế hoạch. Điều này sẽ làm ảnh hưởng lớn đến việc tái cơ cấu nền kinh tế.

Chính vì vậy, thông điệp đầu năm của Thủ tướng Chính phủ cho thấy quyết tâm của hệ thống chính trị đối với tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước nói riêng, tái cấu trúc nền kinh tế nói chung.

Xin cảm ơn ông!
Chỉ còn hơn một năm nữa, các tập đoàn, tổng công ty phải hoàn tất việc thoái hơn 22.000 tỷ đồng giá gốc các khoản đầu tư ngoài ngành theo yêu cầu của Chính phủ. Tuy nhiên, theo thống kê của Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính), số vốn đã được thoái trong hai năm qua chưa đạt 20%, tương ứng với 4.164 tỷ đồng.

Trong số các DNNN đầu tư ngoài ngành, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) dẫn đầu khi đầu tư hơn 4.551 tỷ đồng vào chứng khoán, tài chính, bất động sản… Tiếp đến là Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) với 1.828 tỷ đồng, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) 672 tỷ đồng, Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) hơn 634 tỷ đồng.

Nguyên Thảo

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần