Xóa xung đột giao thông bắt đầu từ ý thức

Công Phạm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm qua, TP Hà Nội đã ưu tiên bố trí các nguồn lực về vốn, cơ chế chính sách... để thực hiện mục tiêu giảm thiểu ùn tắc, tai nạn giao thông một cách hiệu quả.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, trong đó đáng chú ý là cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được lưu lượng giao thông tăng nhanh, phát sinh một số điểm bất cập mới đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến việc đi lại và môi trường sống của người dân.

Mới đây, Công an TP Hà Nội đã có văn bản kiến nghị Sở GTVT giải quyết 60 điểm bất cập liên quan đến công tác tổ chức giao thông trên địa bàn.

Nguyên nhân được Công an TP Hà Nội đưa ra là, sau khi học sinh, sinh viên các cấp khai trường, cùng với nhịp sống sinh hoạt, kinh doanh buôn bán của người dân những tháng cuối năm sôi động hơn, nhiều công trình giao thông trọng điểm gấp rút đẩy nhanh tiến độ thi công... làm cho tình hình giao thông trên các tuyến đường phố của Thủ đô có chiều hướng phức tạp trở lại.

Lưu lượng người, phương tiện tham gia giao thông tăng cao, cả trong và ngoài giờ cao điểm. Đặc biệt, tình trạng ùn tắc diễn ra trên những tuyến xuyên tâm, đường vành đai, đường qua khu vực thi công các dự án, trục chính ra, vào TP...

Công an Hà Nội đã chủ động kiểm tra, phát hiện 46 bất cập về tổ chức giao thông, 5 vấn đề về đèn tín hiệu giao thông, đèn cảnh báo nháy vàng; 9 vấn đề liên quan đến cây xanh, chiếu sáng cần được khắc phục, điều chỉnh kịp thời.

Theo Công an TP Hà Nội, các bất cập về giao thông tập trung chủ yếu là điều chỉnh các nút giao xung đột giao thông, thời gian chờ đèn tín hiệu chưa hợp lý, bổ sung biển báo giao thông, vạch kẻ đường…

Thời gian qua, nhiều điểm bất cập về giao thông trên địa bàn đã được tổ chức lại như: Ngã Tư Sở, Hoàng Minh Giám - Nguyễn Chánh - Trần Duy Hưng, Hoàng Minh Giám - Hoàng Ngân - Nguyễn Thị Thập, Tố Hữu - Vũ Trọng Khánh, vào giờ cao điểm, ùn tắc đã giảm nhiệt, người dân di chuyển thuận lợi hơn ngay sau khi được điều chỉnh.

Có thể thấy, việc khắc phục những bất cập về giao thông sẽ đem lại hiệu quả tức thời, giúp việc di chuyển của người dân thuận lợi hơn, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông trên địa bàn TP.

Thực tế, trên địa bàn Hà Nội xuất hiện đến 60 điểm bất cập giao thông được lực lượng Công an TP phát hiện, đề xuất sửa chữa, tổ chức lại. Con số này liệu đã dừng lại khi Hà Nội có đến trên 2.333km đường; 573 cầu đường bộ; 115 hầm đường bộ; 621 nút đèn tín hiệu giao thông; 4 tuyến đường thủy với chiều dài 63,469km?

Với một địa bàn có mạng lưới giao thông đa dạng và dày đặc như ở Hà Nội, để rà soát được hết những bất cập liên quan tổ chức giao thông, hạ tầng giao thông cần có sự chung tay của các địa phương, sở, ban, ngành và lực lượng chức năng.

Nhiều chuyên gia cho rằng, bên cạnh kết quả từ việc tổ chức lại, khắc phục những bất cập giao thông vừa qua ở Hà Nội đã đạt hiệu quả rất khả quan, song cũng bộc lộ rõ nhược điểm lớn, đó là sự tùy tiện, thiếu ý thức của một bộ phận người dân.

Để giải bài toán ùn tắc giao thông Thủ đô cần giải pháp tổng thể, sự chung tay của toàn xã hội. Mọi phương án tổ chức giao thông sẽ khó đạt hiệu quả cao, nếu tất cả những ai khi tham gia giao thông không tuân thủ quy tắc, chưa hình thành thói quen đi lại văn minh, đúng luật. Khi đã xây dựng được văn hóa tham gia giao thông, thì bức tranh giao thông Hà Nội sẽ sáng hơn và đặc biệt sẽ giảm dần tình trạng xóa được điểm bất cập cũ lại phát sinh điểm xung đột mới.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần