Xốc lại tinh thần học tập

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hôm qua, ngày 10/2, học sinh (HS) các bậc học từ mầm non đến THPT đã trở lại trường học sau nửa tháng nghỉ Tết. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, sáng qua, nhiều HS đến trường trong tâm lý uể oải, thậm chí không ít trường hợp đến muộn…

Thói quen bị đảo lộn

Theo quy định, 8 giờ, HS bắt đầu tiết học đầu tiên, nhưng từ 8 - 8 giờ 30 phút ngày 10/2, tại một số cổng trường tiểu học như Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Phương Mai… vẫn còn khá nhiều phụ huynh đưa con đến trường. Nhiều phụ huynh biện minh, trong thời gian nghỉ Tết, nền nếp sinh hoạt của các em bị xáo trộn nên ít nhiều gây khó khăn cho việc trở lại trường, nhất là thời tiết rét đột ngột.

Chị Nguyễn Thị Nga (Khu đô thị Định Công, quận Hoàng Mai) cho biết, những ngày nghỉ Tết cậu con trai đang học lớp 2 được vui chơi thoải mái, có hôm xem phim đến tận 1 giờ sáng, hôm sau ngủ 10 giờ mới dậy. "Nghĩ mấy ngày được nghỉ Tết nên gia đình để cho cháu thoải mái, nhưng thật sai lầm. Gọi được cháu dậy đi học, hai mẹ con như "đánh vật", "dựng" được con ngồi dậy, quay qua lấy quần áo cho con, quay lại cháu đã lại nằm ngủ ngon lành. Sang năm phải rút kinh nghiệm" - chị Nga tâm sự.

 
Các phụ huynh đón con sau buổi tan học chiều 10/2 tại trường Tiểu học Nam Thành Công, quận Đống Đa.  	Ảnh: Đức Giang
Các phụ huynh đón con sau buổi tan học chiều 10/2 tại trường Tiểu học Nam Thành Công, quận Đống Đa. Ảnh: Đức Giang

Không chỉ ở cổng trường, mà ở các cơ quan, công ty… phụ huynh đều được nghe chia sẻ những câu chuyện tương tự về độ "ì" của con sau những ngày nghỉ Tết. Chị Hải Lý, công tác tại một cơ quan của TP kể: "Sáng gọi con dậy đi học, con gái khóc ầm ĩ, nhất định không chịu. Mình phân bua với con rằng mẹ phải đi làm, không sẽ bị kỷ luật, thì cô con gái quay ra "mặc cả" cho con nghỉ thêm một ngày, rồi mẹ cho con đi học muộn, rồi mẹ đón sớm… Thật mệt!"… 

Đây là tâm lý chung của HS sau những kỳ nghỉ dài ngày, đặc biệt là kỳ nghỉ Tết vừa rồi kéo dài tới 14 ngày. Thế nên tình trạng chểnh mảng, bỏ học, bỏ tiết, đến lớp muộn là không tránh khỏi. Đây là giai đoạn mà Ban Giám hiệu các trường và các thầy cô giáo chủ nhiệm vất vả nhất, luôn phải dành nhiều thời gian để quan tâm, nhắc nhở, uốn nắn HS trở lại nền nếp học tập cũ.

Thầy, cô phải nghiêm túc

Làm sao để lấy lại tinh thần học tập cho HS ngay từ những ngày đầu quay trở lại lớp? Cô Lương Quỳnh Lan - quyền Hiệu trưởng trường THPT Sơn Tây cho rằng, kỳ nghỉ Tết dài với nhiều hoạt động vui chơi tự do, các em sao nhãng bài vở, ngại quay lại lớp học nếu không được chuẩn bị tâm thế là điều dễ hiểu. "Cũng như những năm trước, để các em sớm bắt nhịp với việc học sau Tết, trường tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ cùng lời chúc Tết ngay ngày đầu tiên HS trở lại trường. Sau khi chúc Tết thầy, cô cùng HS, các lớp ổn định việc học ngay. Trường phân công các tổ giám thị, thường xuyên kiểm tra nền nếp, kỷ luật lớp học, đôn đốc nhắc nhở giáo viên, HS nên những hiện tượng tâm lý rề rà sẽ không có. Theo tôi, tâm lý uể oải bắt nguồn từ giáo viên, nếu các thầy, cô giáo thật sự tận tâm với HS, có những tiết dạy nhẹ nhàng, lồng ghép giữa việc học, kể chuyện, khuyến khích HS trong học tập, sẽ khiến các em không uể oải" - cô Lan nói.

Cùng quan điểm, cô Nguyễn Thị Thuận - Hiệu trưởng trường THCS Tô Hoàng cho biết: Ngoài sự nghiêm túc của thầy, cô ở trường, bố mẹ cần xếp lịch sinh hoạt hàng ngày của gia đình giúp trẻ "giãn" dần các hoạt động vui chơi. Đánh thức trẻ dậy theo giờ đi học và yêu cầu con ngủ sớm. "Để HS lấy lại tinh thần học tập vui vẻ, trước hết phải có sự nghiêm túc từ người thầy. Thầy, cô phải nghiêm túc từ việc soạn giáo án đến giảng dạy. Khi đã vào học, giáo viên không thể như những công chức "tháng giêng là tháng ăn chơi". Khi thầy cô đã nghiêm túc, không lẽ gì HS lại không thực hiện theo" - cô Thuận nhấn mạnh.

Để xốc lại tinh thần học tập sau đợt nghỉ Tết dài ngày không phải là điều quá khó. Sự giáo dục nghiêm khắc của nhà trường rất cần thiết để quản lý HS chặt chẽ sau kỳ nghỉ Tết qua những tiết chào cờ, sinh hoạt lớp. Nhà trường cần giáo dục các em về nội quy, nền nếp, văn hóa truyền thống, để từ đó hướng HS ý thức được trách nhiệm học tập. Bên cạnh đó, thầy và trò phải cùng tạo môi trường thân thiện, HS kính trọng thầy cô và thầy cô tôn trọng HS. Bên cạnh đó, việc làm gương của gia đình là quan trọng nhất trong những ngày này. Các bậc phụ huynh cần quan tâm đến lịch học tập của con em mình, có sự liên hệ chặt chẽ với nhà trường nhằm giáo dục các em được tốt nhất, đồng thời có biện pháp ngăn chặn tình trạng bỏ học, chểnh mảng học tập sau Tết.