Cô Mary Meng, một nhân viên công nghệ tại Thượng Hải phải đối mặt với áp lực công việc đến mức không còn thời gian cho chính con mình.
Với cô, việc sinh thêm một người con là điều không thể tưởng tượng, một nỗi niềm chung của hàng triệu phụ nữ thành thị Trung Quốc. Những áp lực này đang ngày càng nghiêm trọng, trong bối cảnh dân số Trung Quốc suy giảm và già hóa.
Các chuyên gia cảnh báo rằng Bắc Kinh cần hành động khẩn cấp để cải thiện môi trường sống tại các thành phố, nhằm khuyến khích việc sinh con. Dự báo từ Liên Hợp Quốc cho thấy số lượng phụ nữ trong độ tuổi sinh sản sẽ giảm hơn hai phần ba, xuống dưới 100 triệu vào cuối thế kỷ này, đe dọa nghiêm trọng đến tương lai của quốc gia đông dân nhất thế giới.
Trước tình hình nghiêm trọng này, Trung Quốc đã công bố kế hoạch xây dựng một "xã hội thân thiện thuận lợi cho việc sinh con" tại cuộc họp chính trị cấp cao diễn ra hai lần mỗi thập kỷ vào tháng trước.
Chính sách này nhằm mục đích tăng nhu cầu nhà ở để hỗ trợ lĩnh vực bất động sản đang khủng hoảng và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua tăng năng suất và tiêu dùng. Tuy nhiên, các chuyên gia nhân khẩu học cảnh báo rằng việc tiếp tục đô thị hóa bỏ qua một thực trạng: tại các thành phố lớn, tỷ lệ sinh con thấp hơn do chi phí nhà ở cao, không gian sống hạn chế, điều kiện giáo dục đắt đỏ và thời gian làm việc sinh nhiều áp lực. Tỷ lệ vô sinh ở các cặp vợ chồng Trung Quốc cũng đã tăng từ 2% trong những năm 1980 lên 18%, so với mức khoảng 15% trên toàn cầu. Nguyên nhân chính được cho là do căng thẳng công việc và ô nhiễm công nghiệp tại các khu vực thành thị.
Theo số liệu mới nhất từ cơ quan hoạch định kinh tế hàng đầu Trung Quốc, tỷ lệ sinh ở các vùng nông thôn cao hơn một chút so với tỷ lệ trung bình toàn quốc, ở mức 1,54 so với 1,3 vào năm 2020. Trong khi đó, tỷ lệ sinh tại Thượng Hải vào năm 2023 chỉ đạt 0,6, so với mức trung bình toàn quốc là 1,1.
Ông Yi Fuxian, nhà nhân khẩu học tại Đại học Wisconsin-Madison nhận định : "Các nhà chức trách đang phạm phải sai lầm nghiêm trọng khi khuyến khích người trẻ chuyển đến những thành phố lớn với môi trường sống hạn chế việc sinh nở, điều này sẽ dẫn đến tỷ lệ sinh tiếp tục giảm và làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng già hóa."
Hiện tượng suy giảm tỷ lệ sinh trong quá trình đô thị hóa không chỉ xảy ra tại Trung Quốc mà còn là vấn đề lớn tại Đông Á. Nhật Bản và Hàn Quốc, những quốc gia đã trải qua quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa nhanh chóng sau Thế chiến Thứ hai hiện đang có tỷ lệ sinh thấp nhất trên toàn cầu. Mặc dù tỷ lệ sinh tại Trung Quốc cũng đang ở mức rất thấp sau nhiều thập kỷ thực hiện chính sách một con nghiêm ngặt, nhưng vẫn còn hy vọng nếu các biện pháp thích hợp được thực hiện.
Để duy trì dân số ổn định, tỷ lệ sinh cần đạt 2.1, nhưng nhiều phụ nữ trẻ như cô gái Poppy Yu, 21 tuổi tại Bắc Kinh, không muốn có con do áp lực tài chính và căng thẳng, cô nói: "Tôi không có đủ năng lực tài chính cũng không có sức khỏe." Chính quyền Trung Quốc đã đưa ra các biện pháp khuyến khích sinh như giảm chi phí nuôi dạy con cái, tăng trợ cấp và cải thiện dịch vụ y tế. Tuy nhiên, những chính sách này chỉ thực sự hiệu quả khi người dân cảm thấy có hy vọng vào một tương lai tài chính tốt đẹp hơn.