Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xu hướng ESG và tầm quan trọng với doanh nghiệp Việt

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù ESG chưa phải là từ khóa phổ biến với nhiều DN Việt, tuy nhiên, các thị trường lớn trên thế giới đã bắt đầu ban hành chính sách để đưa ESG thành một tiêu chuẩn bắt buộc tuân thủ khi xây dựng mối quan hệ với các đối tác nước ngoài.

 Vậy, ESG là gì? ESG quan trọng thế nào trong hoạt động của DN khi tham gia thị trường nội địa và quốc tế?

ESG là ba tiêu chí quan trọng được sử dụng để đánh giá khả năng phát triển bền vững của một DN, viết tắt của Environment (môi trường), Social (xã hội) và Governance (quản trị). Hiện nay, trên thế giới, 88% số DN toàn cầu yêu cầu thu thập dữ liệu về ESG mỗi năm một lần từ các nhà cung ứng.

Cụ thể, từ năm 2022, các công ty hơn 500 nhân viên ở Anh có nghĩa vụ báo cáo về các vấn đề ESG theo Yêu cầu công bố tính bền vững (SDR), theo Reuters.

Tại Đức cũng đã thông qua Đạo luật thẩm định chuỗi cung ứng, buộc các công ty lớn phải tuân thủ các tiêu chí về môi trường, xã hội và giám sát hoạt động của các nhà cung cấp trong chuỗi cung ứng. Công ty bị phát hiện vi phạm sẽ phải nộp tiền phạt, hoặc nghiêm trọng hơn, nhà cung cấp có thể bị loại khỏi chuỗi cung ứng nếu sai phạm.

Vào tháng 1/2023, Liên minh châu Âu (EU) chính thức công bố Chỉ thị Báo cáo Phát triển Bền vững DN hiệu lực trên toàn khu vực, có thể tác động đến khoảng 50.000 thực thể lớn được niêm yết tại EU.

Thực tế này đặt ra thách thức mới cho DN Việt trong quá trình hội nhập chuỗi cung ứng toàn cầu. Như vậy, ESG hiện không chỉ là xu hướng, mà ngày càng cần thiết hơn trong môi trường thế giới nhiều bất ổn.

Ví dụ, với ngành dệt may, một trong những thách thức của khối DN này là các quy định ESG ngặt nghèo của các quốc gia lớn như Mỹ và khối Liên minh châu Âu. Để gia tăng xuất khẩu vào các thị trường này, các ông lớn dệt may không còn cách nào khác là phải có lộ trình chuẩn bị để tăng tính cạnh tranh, mở rộng thị trường thông qua đầu tư vào xanh hóa chuỗi giá trị.

Một chiến lược ESG thành công sẽ mang lại nhiều lợi ích cho toàn bộ hoạt động kinh doanh của DN. Đối với các nhà đầu tư, sẽ được cải thiện tâm lý ổn định, từ đó có thể tăng khả năng tiếp cận vốn từ đối tượng này. Với hoạt động kinh doanh, sẽ giúp hạn chế rủi ro về khí hậu, giảm chi phí vận hành và tạo sự khác biệt trong cạnh tranh. Ngoài ra, chiến lược ESG thành công cũng tạo ra được sự uy tín của DN.

Để đáp ứng xu hướng ESG hiện nay, nhiều yêu cầu khắt khe về bảo vệ môi trường đã được các DN Việt quan tâm. Tại PNJ, đã có tiểu ban ESG trong Hội đồng Quản trị. Ngân sách để triển khai các dự án mang tính chiến lược về ESG trong năm 2024 là 10 tỷ đồng. Chiến lược ESG của PNJ được tích hợp vào cùng chiến lược phát triển tổng thể. Mọi chiến lược điều hành vĩ mô, sáng kiến, sản xuất - kinh doanh, hoạt động xã hội của PNJ đều lấy ESG là kim chỉ nam.

“PNJ đang xây dựng các hoạt động ESG để tăng thêm giá trị thương hiệu. Giá trị thương hiệu của PNJ đã đạt gần 500 triệu USD, mục tiêu tương lai là đạt 1 tỷ USD” - bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch Hội đồng Quản trị PNJ chia sẻ.

Tương tự, HĐQT EVNFinance cũng thông qua chiến lược phát triển EVNFinance theo hướng tích hợp các yếu tố bền vững vào hoạt động kinh doanh.

Có thể thấy, khi nhận thức về con người và môi trường ngày càng phát triển, người tiêu dùng trong xã hội hiện đại không chỉ đặt ra những yêu cầu về chất lượng, giá thành mà đồng thời còn đòi hỏi tính bền vững và thân thiện với môi trường trong từng sản phẩm. Ngoài ra, nhiều người cũng quan tâm cả chính sách của DN đối với người lao động và cộng đồng.

ESG vì thế đóng vai trò như “kim chỉ nam” giúp các bên liên quan hiểu rõ cách thức DN quản lý các rủi ro, cũng như cơ hội phát triển bền vững cho DN.