Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Xu hướng] Uber sẽ coi các tài xế chạy hợp đồng là công nhân!

An Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là quyết định sau phán quyết của Tòa án Tối cao (Supreme Court) tại Anh. Điều đó cho thấy một thay đổi lớn trong xu hướng đối với nền kinh tế hợp đồng.

Lương hưu cho các tài xế hợp đồng
Trong một quyết định mang tính bước ngoặt hồi tháng 2 vừa qua, Tòa án Tối cao Vương quốc Anh đã phán quyết rằng các tài xế Uber thuộc loại “lao động chân tay” hợp pháp, cho phép họ có quyền lao động. Các thẩm phán tại tòa án cấp cao nhất của Vương quốc Anh nhất trí giữ nguyên quyết định của Tòa án Việc làm năm 2016 (2016 Employment Tribunal) cho rằng các tài xế đang ở trong "vị trí phải phục tùng và phụ thuộc vào Uber". Mặc dù quyết định mới sẽ chỉ áp dụng trực tiếp cho 25 tài xế đưa đơn kiện Uber, nhưng nó sẽ đặt ra một tiền lệ quan trọng, thay đổi xu hướng việc làm và cách đối xử đối với hàng triệu nhân viên kinh tế hợp đồng ở Anh.
 Uber thuộc loại ''lao động chân tay'' hợp pháp, cho phép họ có quyền lao động.
Tuy nhiên, ngay cả khi Uber dường như đã chấp nhận phán quyết của Tòa án Tối cao tại Anh, một cuộc chiến mới có thể sẽ nổ ra về quyết định của công ty trong việc tính toán thời gian làm việc từ thời điểm bắt đầu chuyến đi - thay vì khi tài xế đăng nhập vào ứng dụng.

Tòa án lý giải rằng “dịch vụ vận chuyển do tài xế thực hiện và cung cấp cho hành khách thông qua ứng dụng Uber được Uber xác định và kiểm soát rất chặt chẽ… Ứng dụng được thiết kế và tổ chức theo cách cung cấp dịch vụ tiêu chuẩn hóa cho hành khách trong đó tài xế được coi là có thể hoán đổi cho nhau về cơ bản và từ đó Uber, chứ không phải các tài xế cá nhân, thu được lợi ích từ lòng trung thành và thiện chí của khách hàng”.

Tất cả các tài xế Uber ở Vương quốc Anh sẽ được bắt đầu trả lương cho kỳ nghỉ lễ dựa trên 12,07% thu nhập của họ, số tiền này sẽ được thanh toán hai tuần một lần. Các tài xế cũng sẽ được trả ít nhất bằng mức lương tối thiểu (được gọi là Mức lương Quốc gia) sau khi chấp nhận yêu cầu chuyến đi và sau các khoản chi phí. Các tài xế đủ điều kiện ở Vương quốc Anh sẽ tự động được đăng ký vào chương trình lương hưu với sự hỗ trợ từ Uber. Những khoản đóng góp này sẽ chiếm khoảng 3% thu nhập của tài xế.

Việc hợp thức hóa vai trò "công nhân" không khiến các tài xế hợp đồng trở thành nhân viên chính thức của công ty, nhưng nó vẫn cho phép những người làm việc tự do cho Uber lần đầu tiên sẽ có các quyền như người lao động. Những điều này bao gồm quyền được trả mức lương tối thiểu, mức lương tối thiểu theo luật định trong các kỳ nghỉ có lương, được bảo vệ khỏi sự phân biệt đối xử và tố giác bất hợp pháp tại nơi làm việc, và không bị đối xử kém ưu ái hơn nếu họ làm việc bán thời gian. Họ cũng có thể được hưởng tiền thai sản, tiền làm cha và tiền lương bệnh tật theo luật định. Đặc biệt nếu đạt được điều kiện nhất định, họ sẽ còn được hưởng lương hưu.

Kinh tế hợp đồng chuyển mình với mức lương tối thiểu

Quyết định này của Tòa án Tối cao Vương quốc Anh đã góp phần tác động lớn đối với người lao động. Trước đây, Uber tuyên bố là một công ty công nghệ chứ không phải vận tải, đóng vai trò trung gian giữa tài xế và hành khách. Các công ty “Gig economy - Kinh tế Hợp đồng” thường khiến những người làm việc cho họ ký những hợp đồng rất phức tạp được thiết kế để khiến họ trông giống như những doanh nhân độc lập chứ không phải là nhân viên của công ty.

Khi ra tòa, các công ty dựa vào các hợp đồng này để tranh luận về trường hợp của các nhân viên hợp đồng này như tài xế, shipper... Những hợp đồng này là chìa khóa cho hoạt động của “nền kinh tế hợp đồng” bởi vì chúng là cơ chế chính mà qua đó các công ty cố gắng che giấu sự thật hiển nhiên rõ ràng rằng họ đang thuê nhân công và đưa ra phương cách cho nhân công làm việc nhưng lại từ chối cung cấp cho họ những điều cơ bản về quyền việc làm và sự bảo vệ.

Tòa án và hội đồng xét xử đã không coi những hợp đồng này là điểm khởi đầu trong phân tích của họ. Hiệu quả của quyết định đối với Uber là giờ đây, người sử dụng lao động sẽ càng khó sử dụng hợp đồng của họ để phân loại sai người lao động và tước bỏ các quyền cơ bản của họ. Đây cũng sẽ là một hiệu ứng kích thích đối với các công ty khác trong nền kinh tế hợp đồng. Số liệu của TUC (Hiệp hội Công đoàn Thương mại - Trades Union Congress) cho thấy khoảng 5 triệu người ở Vương quốc Anh đã làm việc trong nền kinh tế hợp đồng vào năm 2019. Con số này có khả năng đã tăng lên trong thời kỳ đại dịch.

Các công ty khác bao gồm Ola, Addison Lee hoặc Deliveroo vận hành các mô hình kinh doanh tương tự, nơi mọi người được thuê trên cơ sở từng công việc. Mặc dù phán quyết này không tự động có nghĩa là tất cả mọi người trong nền kinh tế hợp đồng đều có thể được coi là "công nhân", nhưng nó mở ra cơ hội cho họ, những người lao động dễ bị tổn thương, được bảo vệ.

Tác động của quyết định này cũng có thể được cảm nhận bên ngoài bờ biển của Vương quốc Anh. Ví dụ: một số quyền của người lao động mà Tòa án Tối cao đã xem xét đến từ luật của Liên minh châu Âu (EU). Theo luật của Liên minh châu Âu, các quyền việc làm khác nhau, chẳng hạn như ngày nghỉ có lương, trả lương bình đẳng cho nam và nữ và bảo vệ khỏi sự phân biệt đối xử, áp dụng cho "người lao động", một phạm trù pháp lý có cùng định nghĩa ở 27 quốc gia thành viên của khối. Vì vậy, việc các tài xế của nền kinh tế hợp đồng - Uber được coi là “công nhân” ở Anh có thể sẽ thuyết phục các tòa án trên toàn EU xem xét liệu các tài xế của công ty có được hưởng các quyền tương tự ở đó hay không.

Thay đổi nền kinh tế hợp đồng

Vì vậy, với những công ty lớn đang được giám sát ở một số quốc gia, liệu chúng ta có đang chứng kiến ​​sự sụp đổ của nền kinh tế hợp đồng? Có lẽ cần phải xác định những gì thường được hiểu dưới thuật ngữ “nền kinh tế hợp đồng”. Đây là một thị trường lao động được đặc trưng bởi sự phổ biến của các hợp đồng ngắn hạn hoặc công việc tự do, trái ngược với các công việc cố định. Ví dụ, trong các lĩnh vực như nghệ thuật và báo chí, hệ thống này đã tồn tại trong nhiều thập kỷ, nhưng đối với các dịch vụ như gọi xe và giao đồ ăn, nó là một hiện tượng khá mới đang phát triển cùng với tiến bộ công nghệ nhanh chóng.

Điều quan trọng cần lưu ý là khi nói đến điều chỉnh “nền kinh tế hợp đồng”, cơ quan tư pháp, người lao động và công đoàn không thể hành động một mình. Các chính phủ phải buộc các công ty tuân theo pháp luật bằng cách truy tố và phạt tiền. Thật vậy, Chính phủ Anh có một phán quyết đặc biệt về vấn đề này, khiến cho vai trò của các tổ chức công đoàn ngày càng trở nên quan trọng hơn, nhất là khi việc giao dịch trên các nền tảng trực tuyến - mô hình kinh doanh “kinh tế hợp đồng” - ngày càng phát đạt, kéo theo hàng loạt các loại hợp đồng lao động khác nhau. Các quy định mới có thể sẽ được áp dụng trong tương lai gần, cho nhiều công ty không chỉ là dịch vụ taxi và giao đồ ăn.
Trong vài năm qua, mô hình kinh doanh “kinh tế hợp đồng” - trong đó người lao động được phân loại là các nhà thầu độc lập và do đó không được trao các quyền cơ bản về việc làm. Từ Uruguay và Mỹ đến Úc và Pháp, các tài xế đã và đang đưa ra những thưa kiện pháp lý chống lại các công ty vận chuyển thực phẩm và vận chuyển hành khách, chẳng hạn như Uber, Lyft và Deliveroo, cho rằng với tư cách là “công nhân” hoặc “nhân viên”, họ nên được hưởng các biện pháp bảo vệ người lao động như mức lương tối thiểu, các ngày nghỉ được trả lương và quyền công đoàn.