Xử kín phiên tòa phúc thẩm vụ vợ chồng “vua” cà phê Trung Nguyên

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Do có đơn yêu cầu từ 1 trong 2 đương sự nên HĐXX phiên tòa phúc thẩm quyết định xử kín vụ “Tranh chấp và ly hôn” giữa vợ chồng cà phê Trung Nguyên.

Xử kín do có đơn của đương sự
Sáng 2/12, TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh đưa vụ án “Tranh chấp và ly hôn” giữa bà Lê Hoàng Diệp Thảo (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cà phê hòa tan Trung Nguyên) với ông Đặng Lê Nguyên Vũ (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn cà phê Trung Nguyên). Do có đơn của ông Đặng LÊ Nguyên Vũ nên HĐXX quyết định xử kín.
 Ông Đặng Lê Nguyên Vũ đến tòa phúc thẩm sáng 2/12.
Trước đó vào ngày 18/11, phiên tòa phúc thẩm đã mở. Tuy nhiên, phiên tòa phải hoãn do bà Lê Hoàng Diệp Thảo bị Đau lưng cấp tính; Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng; Suy nhược cơ thể nên phải vào Bệnh viện CTCH Sài Gòn để điều trị từ khuya 17/11.
Sau khi tiến hành xác minh tại bệnh viện, tòa phúc thẩm kết luận bà Thảo có thể dự phiên tòa. Tuy nhiên do phiên tòa kéo dài nhiều ngày, có nhiều nội dung phức tạp nên HĐXX quyết định tạm hoãn để bà Thảo có thời gian ổn định sức khỏe.
Năm 2015, bà Lê Hoàng Diệp Thảo nộp đơn ly hôn ra tòa. TAND TP Hồ Chí Minh đã tổ chức hòa giải 10 lần nhưng vợ chồng bà Thảo, ông Vũ không tìm được tiếng nói chung. Đến tháng 3/2019, TAND TP Hồ Chí Minh xử sơ thẩm, HĐXX đã tuyên bằng bản án với nhiều bất lợi đối với bà Thảo.
Vì vậy ngày 10/4, bà Lê Hoàng Diệp Thảo nộp đơn kháng cáo không đồng ý tất cả phán quyết của tòa sơ thẩm; Không đồng ý giao quyền điều hành Tập đoàn Trung Nguyên cho ông Vũ. Bà Thảo cũng bày tỏ nguyện vọng đoàn tụ với ông Vũ.
Về phần mình, ông Đặng Lê Nguyên Vũ cũng kháng cáo với yêu cầu chia tài sản theo tỷ lệ ông Vũ 70%, bà Thảo 30% như yêu cầu ban đầu của ông tại tòa. Đến ngày 12/4, Viện KSND TP Hồ Chí Minh cũng kháng nghị bản án sơ thẩm và chỉ ra hàng loạt sai sót trong bản án sơ thẩm của TAND TP Hồ Chí Minh trong vụ án ly hôn của vợ chồng “vua” cà phê Trung Nguyên.
Bản án sơ thẩm có hàng loạt sai phạm
Các sai sót trong bản án sơ thẩm ngày 27/3 của TAND TP Hồ Chí Minh được Viện KSND cùng cấp chỉ rõ: Yêu cầu giải quyết phản tố của ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã không được HĐXX quyết đúng thủ tục (không tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải trước khi mở phiên tòa nhưng lại ghép vào quá trình xử; không được sự chấp nhận của bà Thảo dẫn đến vi phạm nghiêm trọng nhiều điều của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015).
 Bà Lê Hoàng Diệp Thảo đến tòa phúc thẩm sáng 2/12.
Đối với yêu cầu phản tố của ông Vũ yêu cầu xem xét số tiền hơn 1.764 tỷ đồng, nhưng bản án sơ thẩm thể hiện số dư chỉ còn hơn 1,3 tỷ đồng. Như vậy tòa án đã không xác minh nguồn gốc dòng tiền, số tiền ra vào tài khoản, mục đích sử dụng cũng như ai quản lý tiền này, dẫn đến khó khăn khi thi hành án.
Viện KSND cũng cho rằng HĐXX sơ thẩm tuyên phần tài sản ông Vũ hưởng 60%, bà Thảo 40% là không phù hợp Luật Hôn nhân Gia đình. Việc tòa tuyên giao tất cả cổ phần của bà Thảo tại 7 công ty trong Tập đoàn cà phê Trung Nguyên cho ông Vũ quản lý, ngược lại ông Vũ phải trả tiền chênh lệch cho bà Thảo là không phù hợp với quy định của pháp luật, không công bằng và đã tước toàn bộ quyền của bà Thảo. Bởi lẽ cổ phần chưa được tính giá trị, giá trị thương hiệu; cổ đông còn có các quyền quản trị công ty, quyền tài sản đối với cổ phần, quyền được chia cổ tức…
Trong kháng nghị của mình, Viện KSND TP Hồ Chí Minh còn khẳng định tòa sơ thẩm đã nhận định không đầy đủ quan điểm của Viện KSND. Đó là: Tổng tài sản của ông Vũ và bà Thảo trong 7 công ty của Tập đoàn cà phê Trung Nguyên hơn 5.655 tỷ đồng, nhưng án sơ thẩm tính sai số lên hơn 5.738 tỷ đồng, lệch 83 tỷ đồng khiến tỷ lệ được hưởng không đúng, tính án phí sẽ sai; Tòa tuyên ông Vũ cấp dưỡng 2,5 tỷ đồng/con/năm (4 người con là 10 tỷ đồng) tính từ năm 2013 đến khi các con trưởng thành là chưa phù hợp với ý chí các đương sự tại tòa; Khi tuyên án, HĐXX đã không đình chỉ giải quyết các yêu cầu khởi kiện của bà Thảo và yêu cầu phản tố của ông Vũ đã rút là thiếu sót; HĐXX tuyên giao cho bà Thảo quản lý, sử dụng giá trị quyền sử dụng đất, sở hữu giá trị tài sản trên đất là không chính xác bởi vì bà Thảo được sở hữu tài sản chứ không phải sở hữu giá trị tài sản; Bản án tuyên đình chỉ tất cả yêu cầu khác của các đương sự đối với các công ty thuộc Tập đoàn cà phê Trung Nguyên phát sinh trong các hoạt động kinh doanh thương mại với tư cách là cổ đông và thành viên công ty, cũng như các hoạt động khác về kinh doanh thương mại liên quan đến tất cả công ty thuộc Tập đoàn cà phê Trung Nguyên là vượt quá yêu cầu khởi kiện của các đương sự. Cuối cùng, bản án sơ thẩm của TAND TP Hồ Chí Minh đã không nhận định đầy đủ và nêu không chính xác ý kiến của đại diện Viện KSND tại tòa.
Viện KSND TP Hồ Chí Minh cũng đề nghị tòa phúc thẩm cần xem xét lại bản án sơ thẩm theo quy định pháp luật.
Về cổ phần 7 công ty thuộc Tập đoàn cà phê Trung Nguyên, bà Thảo yêu cầu được hưởng 51% (khoảng 2.114 tỷ đồng) tại Công ty Cổ phần Đầu tư Trung Nguyên; Mỗi người 15% (khoảng 814 tỷ đồng) tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên; Mỗi người 7,5% (43 tỷ đồng) tại Công ty Cổ phần cà phê hòa tan Trung Nguyên - G7. Cổ phần tại 4 công ty còn lại, bà Thảo đồng ý để ông Vũ sở hữu. Tuy nhiên phía ông Vũ đòi hưởng 70% giá trị cổ phần tại 7 công ty nêu trên và trả lại tiền cho bà Thảo đối với số cổ phần của bà Thảo.