Trung tuần tháng 6/2017, chúng tôi có mặt tại khu vực bãi giữa sông Hồng thuộc xã Liên Trung. Theo quan sát, 9 cụm lò gạch kích thước rất lớn được xây dựng kiên cố nằm sừng sững giữa bãi sông. Những đống gạch lớn được chất tràn lan ở khu vực bãi giữa chờ được các phương tiện tàu, thuyền vận chuyển đi. Theo đánh giá, việc chất vật liệu xây dựng tại khu vực bãi giữa khiến tiềm ẩn nguy cơ gây nên tình trạng sụt sạt. Nếu diện tích bãi giữa bị mất đi, tốc độ dòng chảy sông Hồng từ thượng lưu sẽ tăng. Kéo theo đó, khu vực ven sông Hồng chạy qua nội đô có khả năng bị tác động rất lớn. Theo ông Hà Đức Trung - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, hoạt động của cụm 9 lò gạch tại hành lang thoát lũ sông Hồng là vi phạm nghiêm trọng Luật Đê điều. Liên quan tới vi phạm, sở đã gửi nhiều công văn đề nghị UBND huyện Đan Phượng tập trung xử lý. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thạc Hùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng, việc xử lý… rất khó khăn, do vướng văn bản của Sở Xây dựng với nội dung đề xuất UBND TP cho phép tiếp tục hoạt động 9 cụm lò gạch nêu trên tới hết năm 2020.
Cụ thể, trong Báo cáo số 388/BC-SXD ngày 30/11/2016 của Sở Xây dựng Hà Nội, đơn vị này kiến nghị UBND TP cho phép duy trì hoạt động của 9 cụm lò gạch cải tiến tại địa điểm được đề cập ở trên tới hết ngày 31/12/2020. Theo lý giải của văn bản do Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục ký: Sở dĩ đơn vị có đề xuất trên là để “phù hợp với tình hình thực tế và đặc thù của mỗi địa phương”. Cũng theo thông tin được đề cập tới trong văn bản, 9 cụm lò gạch nêu trên đều sử dụng công nghệ cải tiến, và khu vực hoạt động nằm xa khu dân cư. Dù vậy cho đến nay, khi chưa được TP chấp thuận chủ trương, Sở Xây dựng vẫn tiếp tục cho phép vận hành 9 cụm lò gạch nêu trên, bất chấp phản ứng của Sở NN&PTNT Hà Nội.Liên quan tới công tác xử lý vi phạm hành lang an toàn đê điều theo ý kiến của Sở NN&PTNT Hà Nội, ông Nguyễn Thạc Hùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng cho biết, địa phương đang ở vào thế “tiến thoái lưỡng nan”. Không xử lý thì vi phạm Luật Đê điều, còn nếu muốn xử lý thì cũng phải có ý kiến của đơn vị quản lý ngành là Sở Xây dựng. Chính vì vậy, ông Nguyễn Thạc Hùng kiến nghị UBND TP sớm xem xét, có chỉ đạo cụ thể về việc “có cho phép 9 cụm lò gạch trên địa bàn huyện được hoạt động hay không”. Đây sẽ là căn cứ pháp lý để địa phương triển khai thực hiện công tác quản lý hoạt động của 9 cụm lò gạch nêu trên, nhằm khai thác tối đa nguồn tài nguyên phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của TP, cũng như bảo đảm an toàn đê điều và công tác phòng chống thiên tai khi mùa mưa bão đang tới gần.