Trả lời:
Căn cứ quy định tại khoản 1, 2 Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017: “Điều 175. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 4 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:
a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó, hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;
b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 - 7 năm:
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng;
Trường hợp của bạn cho em họ bạn vay mượn tiền với số tiền 100 triệu đồng nhưng không có giấy tờ chứng minh. Trước tiên, bạn phải chứng minh được việc giao kết hợp đồng vay tiền và việc giao tiền giữa bạn và em họ bạn. Sau khi vay tiền và trả được một thời gian, em họ của bạn không tiếp tục trả và có hành vi bỏ trốn, không liên hệ được, cố tình giấu địa chỉ và thông tin liên lạc, thể hiện ý định chiếm đoạt khoản tiền vay của bạn, có dấu hiệu của hành vi lạm dụng tín nhiệm nhằm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Khoản 2 Điều 175 như đã nêu ở trên.
Do đó, bạn có quyền làm đơn tố giác về hành vi nêu trên của em họ bạn gửi cơ quan cảnh sát điều tra, để xác minh, điều tra hành vi theo tội danh như nêu trên. Ngoài ra, trên thực tế đã có không ít trường hợp vì tin tưởng họ hàng cho vay tiền rồi không trả. Bởi vậy, để quyền lợi của bạn được bảo đảm chắc chắn, dù bất kỳ ai muốn vay mượn tiền, bạn nên xác lập giao dịch bằng văn bản theo quy định của pháp luật.
Luật sư Trịnh Lê Ngọc Quỳnh - Văn phòng luật sư Hoàng Huy, Hà Nội