Một trong số đó là tình trạng nghẽn mạch giao thông tại các khu đô thị (KĐT) mới, đang rất cần được bàn tay quản lý Nhà nước tháo gỡ, góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông (UTGT) cho Thủ đô.
Những mảnh ghép rời rạc
Những năm qua, việc hình thành các KĐT trên địa bàn TP Hà Nội đã góp phần đáp ứng nhu cầu về nhà ở của người dân, tạo nên diện mạo đô thị khang trang, hiện đại.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, chủ đầu tư nhiều dự án KĐT, khu nhà ở lại chậm hoàn thành xây dựng, bàn giao hạ tầng cho địa phương quản lý. Thực trạng này đã và đang làm nảy sinh nhiều bất cập về giao thông, dẫn đến ùn tắc cho chính các KĐT, ảnh hưởng đến cả khu vực xung quanh, gây bức xúc cho người dân.
Qua rà soát sơ bộ của Sở GTVT Hà Nội, trên địa bàn TP có khoảng 262 KĐT, khu nhà ở, trong đó 94 dự án đã hoàn thành đi vào hoạt động, 168 dự án đang triển khai thi công. Nhiều dự án dù đã xây dựng, đưa vào sử dụng từ lâu, nhưng chưa bàn giao hạ tầng kỹ thuật gồm đường giao thông, cấp thoát nước, chiếu sáng, cây xanh... cho TP quản lý theo phân cấp. Một số dự án thậm chí còn chưa hoàn thành các tuyến đường nội khu để kết nối với hệ thống giao thông chung trong khu vực.
Đơn cử như Khu Trung tâm thương mại, văn phòng và Nhà ở Hapulico tại số 1 Nguyễn Huy Tưởng (quận Thanh Xuân). Khu vực này thường xuyên UTGT, đặc biệt trong các khung giờ cao điểm, tắc nghẽn lan cả đến đường Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương. Điều đáng nói, KĐT này đã hoàn thành, đưa vào sử dụng từ lâu, tuy nhiên vẫn đang rào chắn đường nội bộ để trông giữ ô tô, xe máy có thu phí, làm lợi cho nhà đầu tư.
Trong khi đó, các hướng lưu thông từ Ngụy Như Kon Tum - Nguyễn Huy Tưởng, từ Nguyễn Huy Tưởng - Vũ Trọng Phụng xuyên qua KĐT này thường xuyên UTGT không lối thoát. Mặt khác, chính nhu cầu ra vào hàng ngày của cả nghìn người sinh sống và làm việc bên trong lại đang tạo nên áp lực giao thông rất lớn cho các tuyến đường xung quanh KĐT.
Theo thống kê của Sở GTVT Hà Nội, hiện có tới 11 KĐT tương tự, đã hoàn thành xây dựng hạ tầng nhưng chưa tháo dỡ rào chắn, bàn giao cho TP quản lý để đấu nối giao thông, gây nghẽn mạch cả khu vực xung quanh.
11 KĐT đã hoàn thành hạ tầng cần tháo dỡ rào chắn ngăn cách kết nối một số tuyến đường nội khu với mạng lưới giao thông chung gồm: KĐT mới An Hưng; KĐT mới Lê Trọng Tấn Park City Hanoi; (quận Hà Đông); KĐT sinh thái Sài Đồng; Khu công viên công nghệ phần mềm tại phường Phúc Lợi; Công trình hỗn hợp thuộc KĐT công viên công nghệ phần mềm (quận Long Biên); Khu trung tâm thương mại, văn phòng và Nhà ở Hapulico, số 1 Nguyễn Huy Tưởng (quận Thanh Xuân); Khu trung tâm đô thị Tây Hồ Tây (quận Bắc Từ Liêm); KĐT mới Thịnh Liệt; KĐT Nam đường Vành đai 3 - The Manor Central Park (quận Hoàng Mai); KĐT mới Cầu Bươu (huyện Thanh Trì).
Về vấn đề này, thạc sĩ quản lý đô thị Đinh Quốc Thái chia sẻ: “Theo quy định, các KĐT sau khi xây dựng, đưa vào sử dụng, phải bàn giao hạ tầng cho TP quản lý, trong đó có hạ tầng giao thông. Tùy theo dự án, hạ tầng có thể bàn giao từng phần hoặc bàn giao tổng thể. Việc nấn ná không bàn giao sẽ làm ảnh hưởng đến quản lý, tổ chức giao thông chung của TP”.
Bên cạnh 11 dự án chưa chịu bàn giao hạ tầng, còn có 5 dự án chưa hoàn thành xây dựng đường giao thông theo quy hoạch. Ví dụ như cụm nhà cao tầng của tổ hợp chung cư CT1 tại ô đất I.C.32. thuộc KĐT Nam Thăng Long (quận Bắc Từ Liêm). Giao thông qua KĐT này đang tắc nghẽn do tuyến đường đôi kết nối đến đường Âu Cơ vướng giải phóng mặt bằng chưa thực hiện xong. Sự chậm trễ này khiến cả giao thông trong KĐT lẫn tại các điểm kết nối với hệ thống chung vô cùng khó khăn, người dân phải đi vòng, UTGT diễn biến phức tạp.
Có thể thấy rõ, nhiều KĐT mới của Hà Nội đang biến thành những mảnh ghép rời rạc, gây trở ngại cho giao thông chung của TP. Đông đảo người dân cho rằng, việc chủ đầu tư KĐT xây nhà để bán kiếm lợi, rào đường tận thu phí trông giữ xe trong khi bỏ mặc UTGT cho dân gánh chịu là không thể chấp nhận được.
Phải hạ quyết tâm
Nhận định rõ những tồn tại nêu trên, Sở GTVT Hà Nội đã tổng hợp, báo cáo thực trạng lên UBND TP Hà Nội, đề xuất giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn giao thông tại 16 KĐT.
Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội chia sẻ, đối với 11 KĐT đã đầu tư xong phần mạng lưới đường giao thông trong khu vực dự án nhưng vẫn rào chắn sử dụng khai thác độc lập, không kết nối với hệ thống mạng lưới đường ngoài hàng rào, TP cần yêu cầu tháo rỡ hàng rào hiện có và phối hợp với sở nhằm hoàn thiện phương án tổ chức giao thông kết nối với mạng lưới đường chung trong khu vực, bao gồm cả việc sử dụng khai thác mạng lưới đường trong khu vực KĐT để phục vụ nhu cầu đi lại chung.
Đối với 5 dự án còn một số đoạn tuyến đường kết nối giao thông chung thuộc KĐT chưa được đầu tư hoàn thành, cần yêu cầu khẩn trương thi công và phối hợp với Sở GTVT hoàn thiện phương án kết nối, tổ chức giao thông phục vụ đi lại chung.
“Sở GTVT đã kiến nghị UBND TP chỉ đạo Sở KH&ĐT, UBND các quận, huyện rà soát toàn bộ những dự án KĐT đã và đang triển khai trên địa bàn để yêu cầu chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ hoàn thành hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là hạ tầng kỹ thuật giao thông, đảm bảo khả năng kết nối, xóa dần các điểm nghẽn” - vị lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết.
5 KĐT đã đưa vào khai thác sử dụng nhưng chưa hoàn thành xong một số tuyến đường nội khu để kết nối với mạng lưới giao thông chung của TP gồm: Cụm nhà cao tầng của tổ hợp chung cư CT1, thuộc KĐT Nam Thăng Long (quận Bắc Từ Liêm); Khu chức năng đô thị Đại Mỗ giai đoạn I phường Đại Mỗ; Khu chức năng chính là cây xanh, hồ điều hòa, một phần công trình công cộng kết hợp nhà ở tại phường Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm); Khu chức năng đô thị tại số 74 Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân).
Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Đỗ Cao Phan phân tích, việc rào chắn trong quá trình xây dựng KĐT là cần thiết, nhưng đưa vào sử dụng rồi mà không đảm bảo kết nối giao thông, gây khó khăn cho người dân cả bên trong lẫn bên ngoài KĐT là thiếu trách nhiệm.
“Chủ đầu tư có thể viện dẫn rất nhiều lý do, nhưng không lý do nào đủ thuyết phục để họ có quyền biến KĐT thành “lãnh địa riêng”, cấm người và phương tiện qua lại, thậm chí còn thu tiền kiếm lợi riêng” - thạc sĩ Đỗ Cao Phan nói.
Nhiều chuyên gia cho rằng, quá trình đô thị hóa nhanh những năm qua đã bộc lộ nhiều bất cập, tồn tại cần Chính quyền TP Hà Nội nhanh chóng giải quyết. Hơn lúc nào hết, vai trò của quản lý nhà nước phải được thể hiện rõ rệt nhằm giữ gìn trật tự, văn minh đô thị, xóa đi những điểm nghẽn giao thông đã tồn tại nhiều năm qua gây khó khăn, bức xúc cho người dân.
Đối với những KĐT đã hoàn thành hạ tầng không chịu bàn giao phải nhanh chóng tháo dỡ rào chắn “tự phát”, trả lại đường giao thông cho người dân. Còn những điểm nghẽn do chậm trễ xây dựng hạ tầng, TP cần buộc các chủ đầu tư phải đưa ra lộ trình cụ thể, rõ ràng cho việc hoàn thiện kết nối giao thông. Quá thời hạn đề ra phải có chế tài xử phạt nặng để tránh hình thành tập quán xấu “xây nhà để bán, bỏ mặc hạ tầng”.
Trong tương lai Hà Nội còn tiếp tục đô thị hóa mạnh mẽ hơn, các KĐT hình thành ở khắp các quận, huyện. Bài học đắt giá về UTGT cho thấy, nếu không quản chặt ngay từ đầu, không sâu sát từng bước, TP sẽ tiếp tục phải gánh chịu những hệ lụy phức tạp về giao thông, môi trường, xây dựng do các nhà đầu tư để lại.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần rốt ráo bắt tay vào giải phóng mặt bằng, hỗ trợ các nhà đầu tư hoàn thành hạ tầng giao thông trước, bán nhà sau, không để hình thành những điểm nghẽn do thiếu quyết tâm, quyết liệt từ phía cơ quan quản lý nhà nước.
Đối với các dự án KĐT đã hoàn thành đưa vào sử dụng, chủ đầu tư phải thực hiện bàn giao hạ tầng về cho TP theo quy định tại Quyết định số 49/2022/QĐ - UBND ngày 30/12/2022 của UBND TP Hà Nội; Nghị quyết số 21/2022/NQ - HĐND ngày 12/9/2022 của HĐND TP về việc Ban hành quy định phân cấp quản lý Nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng, kinh tế - xã hội trên địa bàn TP Hà Nội.
Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường