Đại diện Bộ Xây dựng cho biết, sau khi hầu hết tỉnh, thành trên cả nước trở về trạng thái “bình thường mới”, thị trường BĐS đã dần sôi động trở lại, lượng khách hàng tìm kiếm và giao dịch cũng tăng dần.
Tính đến năm 2020, cả nước có hơn 1.600 sàn giao dịch BĐS hoạt động, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, có thời điểm chỉ còn 20% số sàn duy trì hoạt động. Đến cuối năm 2021, cùng với sự thích nghi, phục hồi, số sàn giao dịch BĐS duy trì hoạt động đã tăng lên khoảng 40%.
Nhưng trong 6 tháng đầu năm 2022, thị trường BĐS đã dần sôi động, lượng khách hàng tìm kiếm và giao dịch cũng tăng lên. Đến nay, có khoảng 90% số sàn giao dịch đã trở lại hoạt động; đồng thời có thêm nhiều sàn mới được thành lập.
Tuy nhiên, việc quy định không bắt buộc giao dịch BĐS qua sàn, điều kiện thành lập và điều hành sàn còn đơn giản, chưa quy định cụ thể mô hình, quy trình giao dịch dẫn đến hoạt động của các sàn mang tính tự phát, thiếu ổn định, chưa bảo đảm kiểm soát được thông tin giao dịch BĐS.
Ngoài ra, còn có hiện tượng các sàn giao dịch còn câu kết “ôm hàng”, “làm giá”, “tạo sóng”, “thổi giá”, gây “sốt ảo” ăn chênh lệch làm nhiễu loạn thị trường.
Sàn giao dịch BĐS hầu như chỉ đóng vai trò làm môi giới, trung gian giữa chủ đầu tư và khách hàng; thiếu vai trò kiểm soát, đảm bảo tính pháp lý đối với các giao dịch BĐS qua sàn.
Để thị trường phát triển ổn định, lành mạnh, bên cạnh sửa đổi Luật Kinh doanh BĐS để tạo khung pháp lý, tăng cường hiệu quả quản lý thị trường, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương thực hiện công khai, minh bạch thông tin quy hoạch xây dựng, danh mục, tiến độ triển khai dự án phát triển cơ sở hạ tầng, dự án BĐS, đặc biệt là những dự án lớn và việc sáp nhập, thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính tại địa phương, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá để trục lợi bất hợp pháp.
Cũng theo thông tin từ Bộ Xây dựng, tính đến hết tháng 6/2022, cả nước có 32.912 cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS. Các tổ chức, cá nhân hành nghề môi giới ngày càng phát triển, đóng vai trò quan trọng trong hoạt động giao dịch kinh doanh BĐS.
Theo quy định pháp luật, cá nhân muốn hành nghề môi giới phải được đào tạo, thi sát hạch và được cơ quan quản lý nhà ở và thị trường BĐS địa phương cấp chứng chỉ hành nghề.
Ngoài ra, cá nhân hành nghề môi giới có thể hoạt động độc lập không theo tổ chức, yêu cầu về đào tạo, thi sát hạch, cấp chứng chỉ hành nghề môi giới còn đơn giản... Điều này dẫn đến một bộ phận môi giới bất động sản còn yếu về chuyên môn, hiểu biết pháp luật hạn chế.
Bên cạnh đó, còn một lượng lớn các cá nhân hành nghề “môi giới” trung gian mua, bán bất động sản tự do. Số lượng và hoạt động của các cá nhân này thiếu ổn định và khó kiểm soát, trong đó có tình trạng làm ăn “chụp giật”, không tự giác kê khai nộp thuế theo quy định pháp luật.
Để đảm bảo thị trường BĐS trong thời gian tới phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, Bộ Xây dựng đề xuất, kiến nghị tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về kinh doanh BĐS, hoạt động sàn giao dịch, môi giới BĐS.
Đồng thời, xử lý nghiêm hoạt động của các sàn giao dịch và hoạt động môi giới vi phạm pháp luật, các hành vi đưa thông tin không chính xác, gây tác động tiêu cực đến hoạt động của thị trường tài chính, tín dụng, BĐS.