Cùng dự có đại diện lãnh đạo các bộ, ban ngành và 63 tỉnh, TP. Tại đầu cầu Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu và đại diện một số sở, ban ngành cùng tham dự.
Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, con đường lây truyền virus gây bệnh dịch tả lợn châu Phi rất phức tạp, nhất là trong điều kiện mật độ chăn nuôi cao, chủ yếu nhỏ lẻ, vệ sinh thú y và an toàn sinh học chưa tốt tại nhiều địa phương.
Bên cạnh đó, việc buôn bán, vận chuyển, giết mổ lợn bệnh, lợn nghi mắc bệnh vẫn còn xảy ra; việc sử dụng sản phẩm dư thừa trong chăn nuôi còn phổ biến… Chính vì vậy, dù đã triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp, tuy nhiên, tính đến cuối ngày 12/5, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 2.296 xã thuộc 204 huyện của 29 tỉnh, TP.
Tổng số lợn bệnh phải tiêu hủy là trên 1,22 triệu con (chiếm khoảng 4% tổng đàn lợn cả nước).
Riêng tại Hà Nội, trên 6.103 hộ chăn nuôi thuộc 318 xã, phường, thị trấn của 24 quận, huyện, thị xã đã phát hiện dịch tả lợn. Khoảng 100.000 con lợn (chiếm trên 5,6% tổng đàn lợn trên địa bàn TP), đã bị tiêu hủy do bệnh dịch tả lợn châu Phi. Đến nay, tỉnh Thừa Thiên Huế và 55 xã thuộc 36 huyện của 16 tỉnh, TP khác đã qua 30 ngày không phát sinh thêm lợn bệnh.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, bệnh dịch tả lợn châu Phi chưa từng có trong lịch sử ngành chăn nuôi, đáng lo ngại là hiện nay chưa có vaccine. Dù đã có cố gắng, nhưng dịch bệnh đã xảy ra trên diện rộng. Nếu không làm tốt, bệnh sẽ tiếp tục lây lan, phát triển rất nhanh, ảnh hưởng nhiều mặt đời sống kinh tế - xã hội…
Chính vì vậy, đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần vào cuộc quyết liệt, đồng bộ hơn. Trong đó, tập trung xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn công tác ứng phó phù hợp với tình hình mới.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đánh giá cao sự vào cuộc chủ động của các bộ ngành, địa phương trong ứng phó với bệnh dịch tả lợn châu Phi thời gian qua. Tuy nhiên, nhìn nhận thực tế hiện nay, dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát, khả năng tái bệnh và lây lan còn rất cao.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đặc biệt nhấn mạnh, trong khi nhiều địa phương đã rất tích cực, song một số địa phương còn chưa chủ động, quyết liệt, thậm chí là coi nhẹ công tác phòng chống dịch. Đây là nguyên nhân dẫn tới tình trạng một bộ phận người chăn nuôi vứt lợn bị chết ra ao hồ sông ngòi, mà báo chí, mạng xã hội phản ánh gần đây.
Phó Thủ tướng đề nghị chính quyền các địa phương có liên quan, cần khẩn trương vào cuộc kiểm tra, xử lý nghiêm cán bộ, tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng trên. “Nếu nơi nào lơ là, để xảy ra tình trạng người dân vứt lợn chết bừa bãi ra môi trường, thì lãnh đạo nơi đó phải chịu trách nhiệm…” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Cùng với đề nghị các bộ ban ngành, các địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ hơn nữa các giải pháp phòng chống, đặc biệt là khống chế dịch theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng nhấn mạnh, cần xác định phòng, chống dịch tả lợn châu Phi là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Thời gian tới, các bộ phối hợp hoàn thiện dự thảo chỉ thị về việc tập trung các giải pháp phòng chống dịch trong tình hình mới.
Đối với các địa phương có bệnh dịch, chủ động phát hiện sớm, báo cáo và công bố dịch bệnh theo đúng quy định. Huy động lực lượng để tổ chức tiêu hủy lợn bệnh, lợn chết kịp thời, triệt để trong vòng 24 giờ. Xem xét thành lập các trạm chốt kiểm dịch để kiểm soát vận chuyển động vật nội tỉnh, ngăn chặn dịch lây lan. Siết chặt việc buôn bán, vận chuyển, giết mổ lợn bệnh, nghi mắc bệnh. Hỗ trợ kịp thời, bảo đảm công khai, minh bạch cho người chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy. Thường xuyên tổ chức các đoàn công tác, đến với nơi có dịch để kiểm tra, kiểm soát dịch.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đề nghị các bộ ngành nghiên cứu, tham mưu Chính phủ ban hành tiếp các văn bản để chỉ đạo phù hợp với tình hình thực tế, bảo đảm phòng chống dịch hiệu quả. Bộ NN&PTNT sớm ban hành hướng dẫn giết mổ lợn trong vùng dịch, bảo đảm vừa phòng chống dịch nhưng vẫn ổn định hàng hoá lưu thông, phân phối.
Đặc biệt, hướng dẫn các địa phương thành lập và xây dựng 5 trạm kiểm dịch quốc gia nhằm kiểm soát vận chuyển động vật tại các địa phương trọng điểm trên trục quốc lộ Bắc Nam… Đồng thời, thực hiện tái cấu trúc ngành chăn nuôi, bảo đảm nguồn cung thịt gia súc, gia cầm cho thị trường trong giai đoạn tới.