Xử lý nghiêm tuyển sinh bằng học bạ vượt chỉ tiêu

Lưu Ly
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi -Theo quy định của Bộ GD&ĐT, các trường tuyển sinh dựa trên 50% học bạ và 50% kết quả thi THPT Quốc gia. Tuy nhiên, nhiều trường tuyển bằng học bạ vượt chỉ tiêu để đủ thí sinh (TS) cho năm học.

Hàng trăm trường tuyển sinh bằng học bạ

Trong những năm qua, hình thức xét tuyển bằng học bạ vào các trường học viện, đại học là lựa chọn an toàn của TS. Theo đó, hình thức này rất đơn giản, thủ tục không mấy phức tạp và giúp TS nhân đôi cơ hội trúng tuyển vào trường mong muốn. Việc xét tuyển học bạ, TS sẽ chủ động tối đa điểm số cũng như thời gian xét tuyển.

Theo thống kê, trong mùa tuyển sinh năm nay, cả nước có hơn 100 trường sử dụng hình thức xét tuyển học bạ. Rất nhiều trường top sử dụng phương thức xét tuyển học bạ như Học viện Báo chí & Tuyên truyền, Đại học luật, Học viện Tài chính, Học viện Ngân hàng, Đại học Nội vụ...Lúc này, có trường xét điểm của năm học lớp 12, có trường xét điểm của 2 năm học và cũng có trường xét điểm của cả 3 năm học THPT.
 Các thí sinh tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: Hải Linh
Như Học viện Báo chí và tuyên truyền thông báo điểm trúng tuyển vào các ngành/chuyên ngành tuyển sinh đại học chính quy tập trung năm 2019 đối với TS học trường THPT chuyên/năng khiếu, trường THPT công lập xét tuyển học bạ. Điểm xét tuyển là điểm trung bình cộng kết quả học tập cả năm lớp 10, lớp 11 và lớp 12 bậc THPT, tính điểm lẻ đến 2 chữ số thập phân.

Còn tại Đại học Ngoại thương, năm nay sẽ tuyển sinh 600 chỉ tiêu bằng học bạ cho các chương trình hệ chính quy giảng dạy bằng tiếng Anh. Khi xét tuyển, trường sẽ đánh giá trên hồ sơ điểm trung bình 3 năm cấp III của 2 môn (Toán và Văn hoặc Toán và một môn khác không phải ngoại ngữ) kèm theo điều kiện chứng chỉ ngoại ngữ. Học viện Tài chính luôn xét tuyển đủ chỉ tiêu đề ra. Năm 2019, trường tuyển sinh 4.200 chỉ tiêu và dành không quá 50% chỉ tiêu để tuyển thẳng với gần 6.000 hồ sơ.

Thanh tra xử lý nghiêm

Chánh Thanh tra Bộ GD& ĐT Nguyễn Huy Bằng cho biết, công tác tuyển sinh đại học ngày càng lành mạnh, đáp ứng yêu cầu của xã hội và của từng trường nhưng vẫn xảy ra sai phạm. Cụ thể, Đề án tuyển sinh của trường đưa ra không rõ ràng, sai lệch vì theo quy định, Bộ GD&ĐT cho phép tuyển sinh 50% bằng học bạ, 50% là điểm thi THPT Quốc gia nhưng nhưng nhiều trường lại xét tuyển đến 80% học bạ. Hơn nữa, do tuyển nhiều giảng viên phục vụ cho năm học nhưng không có sinh viên để đào tạo nên trường tự ý tăng chỉ tiêu không đúng với thực tế. Đặc biệt, có trường khai khống giáo viên cơ hữu và khi tuyển được nhiều sinh viên thì mới ký hợp đồng giảng viên để đủ số lượng. Điều này cho thấy, Đề án tuyến sinh không rõ ràng, xét tuyển không đúng với chỉ tiêu đưa ra, có trường đưa chỉ tiêu cao mà không đúng năng lực thực tế…

Ông Nguyễn Huy Bằng đề nghị các trường quán triệt công văn 2969/BGDĐT-TTr của Bộ GD&ĐT về việc hướng dẫn thanh tra, kiểm tra tuyển sinh đại học; tuyển sinh cao đẳng và trung cấp nhóm ngành đào tạo giáo viên năm 2019 để xây dựng kế hoạch, quyết định thanh tra. Hoạt động thanh tra này độc lập với bộ phận thanh tra chung của trường.

Để thực hiện cả Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và tuyển sinh, cần tập trung rà soát hệ thống các văn bản, củng cố hệ thống quy định của mình theo đúng thông tư 51 của Bộ GD&ĐT. Tất cả phải theo khung chung là quy chế, thông tư, nghị định.

“Hiệu trưởng nếu quan tâm, thực hiện đúng quy định này thì tự trường đã loại được khá nhiều lỗi chuyên môn, có thể do chủ quan, khách quan dẫn đến sai sót. Lãnh đạo Bộ GD&ĐT sẽ thành lập các đoàn thanh tra để thanh tra sát sao, kịp thời, trong quá trình làm sai đến đâu sẽ xử lý nghiêm túc” – ông Bằng cho hay.

Hai năm qua, Học viện Tài chính tuyển thẳng học sinh giỏi THPT cho thấy, sinh viên luôn đạt kết quả học tập cao. Năm nay, trường vẫn sử dụng ba hình thức xét tuyển: tuyển thẳng các đối tượng theo quy định của Bộ GD&ĐT, tuyển thẳng học sinh giỏi dựa vào kết quả học tập bậc THPT và xét tuyển dựa vào kết quả thi THPT quốc gia.

Trưởng ban Ban quản lý đào tạo, Học viện Tài chính TS Nguyễn Đào Tùng khẳng định, những sinh viên được tuyển thẳng bằng học bạ vào trường đều đỗ tốt nghiệp. Việc tuyển sinh bằng kết quả học tập THPT và kết quả thi THPT Quốc gia đều có ưu điểm và hạn chế khác nhau, tuy nhiên, đây là điều kiện tốt để đào tạo theo tín chỉ ở bậc đại học.