Xử lý nghiêm vi phạm an toàn thực phẩm

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - An toàn thực phẩm (ATTP) có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cộng đồng hiện nay. Việc quản chặt sản xuất, kinh doanh được xem là yếu tố then chốt nhằm ngăn chặn nguy cơ mất ATTP.

Chưa hết mối lo
Với hơn 10 triệu người đang sinh sống, làm việc, học tập và hàng năm đón một lượng lớn khách du lịch, nhu cầu thực phẩm của Hà Nội là rất lớn. Ước tính mỗi tháng, Hà Nội cần khoảng gần 93.000 tấn gạo; 103.300 tấn rau, củ, quả; 18.594 tấn thịt lợn; 5.350 tấn thịt trâu, bò; 6.198 tấn thịt gia cầm; 123 triệu quả trứng; 5.165 tấn thủy sản; 5.165 tấn thực phẩm chế biến.
Mặc dù vậy, khả năng sản xuất của Hà Nội hiện mới chỉ đáp ứng khoảng 60%, sản lượng còn lại phải nhập từ các tỉnh, TP. Đáng lo ngại hơn, kết quả giám sát chất lượng ATTP mới nhất của Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội cho thấy, vẫn còn khoảng 5% số mẫu thực phẩm có vấn đề đối với các chỉ tiêu an toàn chất lượng.
 Đoàn liên ngành Hà Nội kiểm tra một cơ sở sản xuất - kinh doanh nông sản, thực phẩm. Ảnh: Lâm Nguyễn
Lý giải về điều này, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội Ngô Đình Loát cho rằng, mặc dù ý thức của người sản xuất, kinh doanh đã có nhiều thay đổi nhưng vẫn còn một bộ phận chạy theo lợi nhuận, xem nhẹ ATTP. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng còn thiếu các DN lớn có năng lực, kinh nghiệm đầu tư vào nông nghiệp, nhất là lĩnh vực chế biến nông sản, giết mổ gia súc, gia cầm và phát triển chuỗi nông sản bền vững...

Siết chặt sản xuất, kinh doanh

Vừa qua, Sở NN&PTNT Hà Nội đã thực hiện rà soát, thống kê lập danh sách 27.355 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm sản và thủy sản và 186.900 cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ; tổ chức ký cam kết cho tổng số trên 92% cơ sở nhỏ lẻ. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Sở tăng cường thanh tra, kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm ATTP.

Dù vậy, vấn đề quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh bảo đảm ATTP vẫn sẽ là thách thức lớn. Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới là tiếp tục tăng cường công tác hậu kiểm. Đặc biệt, cần xử lý nghiêm, kể cả xem xét đề xuất xử lý hình sự những vi phạm nghiêm trọng các quy định về ATTP, gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng. Sở NN&PTNT Hà Nội cũng sẽ phối hợp với các cấp chính quyền nhằm giảm nhanh việc giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, không đảm bảo ATTP. Duy trì chương trình giám sát sản phẩm nông lâm sản và thủy sản trên diện rộng, theo vùng sản xuất tập trung, cũng như nhóm các sản phẩm có rủi ro mất an toàn cao.

Cùng với đó, đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông về ATTP. Biểu dương các điển hình tiên tiến, mô hình sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn. Công khai tổ chức, cá nhân vi phạm an toàn thực phẩm bị xử lý theo quy định. Thúc đẩy sản xuất, kết nối tiêu thụ nông lâm sản và thủy sản an toàn, từng bước áp dụng các quy trình quản lý chất lượng tiên tiến, các mô hình sản xuất, phân phối thực phẩm an toàn...

Hiện, TP Hà Nội đã xây dựng và duy trì phát triển được 141 chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ nông sản an toàn, trong đó có 56 chuỗi sản phẩm động vật và 85 chuỗi sản phẩm thực vật. Các chuỗi đã thu hút sự tham gia của đa dạng các thành phần kinh tế. Qua đó, góp phần tạo ra những nông sản, thực phẩm an toàn chất lượng cung ứng cho thị trường Thủ đô và cả nước.