Xử lý thế nào khi vi phạm thỏa thuận bằng lời nói?

KINHTEDOTHI.VN
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Em gái tôi được nhận vào làm công việc thời vụ là sản xuất socola. Mức lương và thời gian làm việc, chủ cơ sở chỉ thỏa thuận bằng miệng. Sau khi kết thúc công việc, chủ cơ sở này không trả lương và nói rằng: “Có ký hợp đồng đâu mà phải trả lương”. Em gái tôi phải làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình? Nguyễn Thị Hằng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Trả lời:
Nhận thấy trong tình huống này, em gái bạn đã tham ra giao kết một hợp đồng lao động (sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả lương, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động).
Điều 16 và Điều 23 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định:
Điều 16. Hình thức hợp đồng lao động
1. Hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và được làm thành 02 bản, người lao động giữ 1 bản, người sử dụng lao động giữ 1 bản, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Đối với công việc tạm thời có thời hạn dưới 3 tháng, các bên có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói.
Điều 23. Nội dung hợp đồng lao động
1. Hợp đồng lao động phải có những nội dung chủ yếu sau đây:
a) Tên và địa chỉ người sử dụng lao động hoặc của người đại diện hợp pháp; b) Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, địa chỉ nơi cư trú, số chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ hợp pháp khác của người lao động; c) Công việc và địa điểm làm việc; d) Thời hạn của hợp đồng lao động; đ) Mức lương, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác; e) Chế độ nâng bậc, nâng lương; g) Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; h) Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động; i) Bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế; k) Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề.
Đối với tình huống này, có thể xác định công việc em gái bạn được thuê là công việc tạm thời nên theo quy định của pháp luật hoàn toàn có thể giao kết bằng lời nói. Thêm vào đó, khi thỏa thuận giữa em gái bạn và chủ cơ sở đảm bảo các nội dung theo Điều 23 Bộ luật Lao động thì đây hoàn toàn được xác định là hợp đồng lao động có hiệu lực.
Do đó, nếu một trong hai bên không thực hiện đúng theo hợp đồng sẽ phải tiến hành bồi thường theo hợp đồng và quy định của pháp luật. Em gái bạn có quyền khởi kiện tới TAND cấp quận, huyện nơi cơ sở sản xuất đặt trụ sở. Tuy nhiên, trên thực tế, giá trị chứng minh thỏa thuận bằng lời nói rất thấp. Vì vậy, nếu em gái bạn có các bằng chứng, giấy tờ khác chứng minh có việc thỏa thuận và cam kết giữa hai người (Ví dụ: lời khai của những người làm chứng lúc đó) và chứng minh được các thiệt hại xảy ra trên thực tế, em gái bạn mới có thể khởi kiện để yêu cầu bảo vệ quyền lợi cho mình. Bởi vậy, trước khi làm bất cứ công việc gì, em bạn nên ký hợp đồng bằng văn bản để bảo đảm tối đa quyền lợi của mình.
Luật sư Nguyễn Hoài Nam - Văn phòng Luật sư Hoàng Huy

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần