Câu hỏi
Vừa qua, có trường hợp vướng tin đồn lộ clip nhạy cảm trên mạng xã hội. Người này khẳng định đó là clip được can thiệp bằng công nghệ deepfake; đồng thời, gửi đơn trình báo tới cơ quan chức năng của Bộ Công an và đã được tiếp nhận. Vậy, vụ việc này sẽ được xử lý thế nào?
Trả lời
Trong vụ việc này, đơn thư trình báo là cơ sở để cơ quan chức năng làm rõ chân tướng sự việc.
Hành vi phát tán những thông tin bí mật đời tư cá nhân của người khác lên không gian mạng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, tâm lý, sức khỏe của người khác có thể bị xử lý hình sự về tội Đưa thông tin trái phép trên mạng Internet theo Điều 288 Bộ luật Hình sự, tội Vu khống theo Điều 156 Bộ luật Hình sự, tội Làm nhục người khác theo Điều 155 Bộ luật Hình sự hoặc các tội danh khác theo quy định của pháp luật liên quan đến công nghệ thông tin, tần số, vô tuyến điện.
Pháp luật Việt Nam nghiêm cấm hành vi truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy. Việc đăng tải clip nhạy cảm ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, trái với thuần phong mỹ tục, gieo rắc lối sống trụy lạc, hưởng thụ thì đây cũng là những hành vi vi phạm pháp luật, và người thực hiện hành vi truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy có thể bị xử lý hình sự.
Thông thường những hình ảnh clip nhạy cảm lan truyền trên mạng xã hội thì số lượng người tiếp cận thông tin rất lớn. Trong trường hợp có căn cứ cho thấy đây là clip đồi trụy, có dung lượng từ 1GB trở lên hoặc có từ 10 người tiếp cận trở lên thì người phát tán clip nhạy cảm này sẽ bị xử lý hình sự về tội Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy, bất kể người đó có phải là chủ nhân của clip hay không.
Trường hợp hành vi được xác định là truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy và văn hóa phẩm đó lại là cắt ghép dàn dựng hoặc sử dụng công nghệ deepfake để tạo ra video với mục đích nhằm xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác thì người thực hiện hành vi này còn bị xử lý về tội Vu khống theo Điều 156 Bộ luật Hình sự.
Tội Làm nhục người khác, tội Vu khống đòi hỏi phải có yêu cầu của người bị hại. Còn đối với hành vi truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy thì không cần phải có yêu cầu của người bị hại, cơ quan điều tra cũng có thể sẽ xác minh làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.
Sự việc đã có đơn trình báo, bởi vậy cơ quan điều tra sẽ tiến hành thụ lý tin báo và xác minh trong thời hạn 2 tháng, có thể gia hạn một lần không quá hai tháng. Kết thúc thời hạn này, cơ quan điều tra sẽ quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự về tội Truyền bá văn hóa phẩm đồi truỵ, tội Vu khống, tội Làm nhục người khác..., tùy thuộc vào kết quả xác minh.
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật Chính Pháp
Câu hỏi bạn đọc xin gửi về địa chỉ: Báo Kinh tế & Đô thị, số 21 Huỳnh Thúc Kháng, quận Đống Đa, Hà Nội; Email: bandoc@ktdt.com.vn